Bị basedow có được uống sâm không?

Basedow là bệnh lý tuyến giáp thường gặp, có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Trong quá trình điều trị bệnh, nhiều người thắc mắc bị basedow có được uống sâm không? Dưới đây là giải đáp của chuyên gia.

Để giải đáp vấn đề này, đầu tiên cần tìm hiểu nguyên nhân của bệnh Basedow. Bệnh Basedow xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể kích thích tuyến giáp (gọi là TRAb – Thyroid Stimulating Immunoglobulin), khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp (T3 và T4).

Triệu chứng thường gặp của bệnh gồm:

Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
Sụt cân dù ăn uống bình thường.
Run tay.
Hồi hộp, lo lắng, dễ cáu.
Khó ngủ.
Đổ mồ hôi nhiều, không chịu được nóng.
Mắt lồi (bướu cổ lồi mắt – dấu hiệu đặc trưng của Basedow).
Phì đại tuyến giáp (bướu cổ)..
Rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ)
Yếu cơ, mệt mỏi...

Khi sử dụng nhân sâm sẽ gây ảnh hưởng đến người bệnh basedow như thế nào?

- Kích thích hệ thần kinh và tim mạch: Nhân sâm có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gây bồn chồn, mất ngủ, những triệu chứng vốn đã có ở người bị Basedow. Điều này có thể làm nặng thêm các biểu hiện cường giáp như run tay, hồi hộp, tim đập nhanh, mất ngủ.

- Tương tác với thuốc điều trị: Nhân sâm có thể tương tác với thuốc kháng giáp hoặc thuốc tim mạch (như thuốc chẹn beta), làm giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong mô hình cường giáp do levothyroxine, một loại thuốc được sử dụng để điều trị thiếu hụt hormone tuyến giáp, gây ra ở động vật, khi dùng chiết xuất nhân sâm đỏ Hàn Quốc (KRGE) giúp ngăn ngừa tình trạng sụt cân, làm ổn định mức glucose huyết thanh và nồng độ hormone tuyến giáp khi so sánh với nhóm được điều trị bằng PTU (PTU là viết tắt của Propylthiouracil, một loại thuốc kháng giáp được sử dụng trong điều trị bệnh Basedow). KRGE cũng làm giảm sự gia tăng nồng độ T3, T4 và enzyme aspartate aminotransferase (AST) trong huyết thanh sau điều trị bằng Levothyroxine.

Qua phân tích trên cho thấy, nhân sâm vừa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh cũng có thể mang lại lợi ích nhất định. Vì thế, người bệnh không nên tự ý dùng nhân sâm khi đang điều trị Basedow mà cần hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị bệnh để có chỉ định hợp lý cho từng trường hợp.

Mời bạn xem tiếp video:

Nguy kịch: Tự ý dùng thuốc hormon tuyến giáp trị bệnh Basedow | SKĐS

DS. Ngô Thị Ngọc Trưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bi-basedow-co-duoc-uong-sam-khong-169250423114154952.htm