Bị 'bốc' đi bất ngờ, hàng loạt chủ nhà hàng nổi ở Cát Bà, Hải Phòng kêu cứu
Nhận thông báo từ chính quyền phải di dời khỏi khu vực đang kinh doanh ổn định đúng lúc vào mùa du lịch, hàng loạt chủ nhà hàng nổi ở vịnh trung tâm, thị trấn Cát Bà, Hải Phòng kêu cứu.
Di dời gấp gáp đầy khó hiểu
Trong đơn gửi cho báo chí, hàng loạt chủ nhà hàng nổi ở vịnh trung tâm thị trấn Cát Bà, Hải Phòng tỏ ý sốc vì bị chính quyền huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng ra thông báo di dời khỏi khu vực khi mùa du lịch vừa bắt đầu.
Theo phản ánh của chủ nhà hàng Lan Hạ, Mai Hoa, Cát Tiên, Trang Nhung…., việc chính quyền ra thông báo di dời cơ sở kinh doanh của họ diễn ra vô cùng gấp gáp, khó hiểu.
Ông Bùi Đăng Dư - chủ nhà hàng Lan Hạ, Cát Bà cho hay: "Ngày 6/4, chính quyền mời 14 chủ nhà hàng lên họp. Tại đây, cả 14 hộ được phát mỗi người một tờ thông báo phải di dời khỏi khu vực vịnh trung tâm thị trấn Cát Bà trước 1/5/2022. Nếu các tổ chức, cá nhân nào cố tình không chấp hành, xử lý theo quy định.
Cũng tại thông báo này, UBND huyện Cát Hải viện dẫn, việc di chuyển nhà hàng nổi, bè nuôi trồng, thu mua thủy sản khu vực vịnh trung tâm TT Cát Bà căn cứ theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021, Thông báo số 500/TB-UBND thành phố Hải Phòng ngày 8/11/2021".
Bức xúc trước cách làm của chính quyền huyện Cát Hải, một số chủ nhà hàng ở vịnh trung tâm Cát Bà cho biết: "Chúng tôi vừa trải qua đại dịch COVID-19 khốn khó, đang khởi động mùa du lịch đón khách đến tham quan để phục hồi khó khăn thì bất ngờ nhận được thông báo này. Việc di dời tại sao lại gấp gáp như vậy? Dù có cưỡng chế hay chuyển địa điểm thì cũng phải có lộ tình từ thông báo tới người dân rồi tuyên truyền, vận động, phương án đền bù, hỗ trợ… Đây, đùng một cái, trong vòng 25 ngày bắt chúng tôi di chuyển".
Chủ nhà hàng nổi Mai Hoa, băn khoăn: "Theo thông báo của UBND huyện Cát Hải, 14 nhà hàng nổi di chuyển ra điểm mới (đối diện Bến Bèo) để neo đậu kinh doanh tạm thời. Nơi đây vốn hay có sóng to, gió lớn. Nhà hàng nổi neo ở đó sẽ không ổn định. Ngay trước mặt khu vực là luồng hàng hải, tàu thuyền chạy ra khá nhiều; mỗi khi có phương tiện qua lại sẽ xô hết bè, chưa kể mỗi khi gió Nam về thì không ai dám nói chắc điều gì.
Chúng tôi đề nghị UBND huyện Cát Hải có cam kết về địa điểm mới phải đủ điều kiện an toàn kinh doanh. Ngoài ra, huyện cần cho chúng tôi biết cụ thể nội dung đề án neo đậu cụ thể, lâu dài cho người dân yên tâm làm ăn. Nếu huyện bỏ hẳn thì phải xem xét việc giải tỏa, đền bù thỏa đáng cho người dân".
Ông Nguyễn Quốc Dũng, chủ nhà hàng nổi Cát Tiên, bày tỏ: "Việc bắt chúng tôi di chuyển trước 1/5 quả không ổn chút nào. Thời điểm này là lúc Cát Bà sẽ đông khách nhất. Chúng tôi tha thiết đề nghị chính quyền thành phố xem xét kéo dài thời gian di chuyển để chủ doanh nghiệp còn khai thác nốt mùa du lịch".
"Trong trường hợp huyện muốn xóa bỏ hẳn nhà hàng nổi thì cần xem xét việc giải tỏa, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân”, đại diện các chủ nhà hàng nêu quan điểm
Căn cứ có thuyết phục?
Trước phản ứng từ các chủ nhà hàng nổi vịnh trung tâm Cát Bà về việc di dời điểm kinh doanh bất ngờ khiến ai cũng sốc, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: "Đối tượng nhà hàng nổi không thuộc diện được bồi thường vì thực chất họ chỉ di chuyển từ điểm A sang điểm B chứ không phải bị xóa bỏ. Để giúp họ tiếp tục kinh doanh, huyện đã bố trí điểm khu vực cửa Bèo (đối diện Bến Bèo) và đặc biệt ưu tiên cho các nhà hàng sử dụng bến tàu để cập bờ đưa khách sang. Ngoài ra, huyện cũng lắp đặt hạ tầng điện về điểm kinh doanh cho mọi người yên tâm hoạt động.
Về ý kiến tàu chở khách từ bến Bèo sang nhà hàng nổi cắt ngang luồng hàng hải thủy nội địa, ông Vinh cho rằng, huyện đã di dời cảng cá khu vực thị trấn Cát Bà về cảng Trân Châu (xã Trân Châu, Cát Hải) nên hệ thống tàu thuyền chạy qua khu vực này sẽ giảm.
Để khẳng định việc làm của chính quyền huyện có căn cứ, ông Vinh cho hay: "Việc di chuyển các nhà hàng nổi nằm trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND TP. Hải Phòng (quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà) và thông báo số 500/TB-UBND ngày 11/8/2021 của UBND TP. Hải Phòng (di chuyển cảng cá Cát Bà).
Còn ý kiến cho rằng thời gian di chuyển quá gấp gáp cũng không hẳn bởi Nghị quyết 05 đã triển khai từ 8 tháng trước (12/8/2021) nhưng lúc đó, huyện làm từng phần việc một. Trước là tháo dỡ, di chuyển ô lồng ở khu vực Cái Bèo, giờ đến tháo dỡ ở vịnh Đồng Hồ. Thông tin người dân nói chưa từng được thông báo, tuyên truyền trước đó mà đã ra thông báo di dời…, để tôi xem lại chỗ anh em họ làm như thế nào".
Theo các chủ nhà hàng, Nghị quyết 05 của HĐND TP Hải Phòng (căn cứ để huyện Cát Hải ra thông báo yêu cầu các nhà hàng nổi di dời khỏi khu vực trung tâm vịnh) chỉ đề cập tới quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, không nhắc tới cơ sở dịch vụ, nhà hàng nổi.
Tại Đề án 07/ĐA-UBND của thành phố Hải Phòng (một trong những căn cứ ra Nghị quyết 05) cho thấy, nội dung chỉ đề cập tớ việc hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, không đả động tới nhóm đối tượng phải di dời là nhà hàng nổi.
Cũng tại Thông báo số 500 của UBND TP có nêu chuyển toàn bộ hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản từ Cảng cá Cát Bà sang Cảng cá và Khu dịch vụ hậu cần thủy sản Trân Châu, dừng hoạt động Cảng cá từ 10/11/2021, không đề cập gì việc di chuyển hệ thống nhà hàng nổi.
Trước những căn cứ mà huyện đưa ra để nhà hàng nổi phải di chuyển khỏi khu vực vịnh trung tâm Cát Bà, phía các chủ nhà hàng đều cho rằng căn cứ không thuyết phục. Cùng với đó, việc di chuyển các lồng bè, nhà chòi nuôi trồng thủy sản được nhà nước hỗ trợ khi di chuyển, trong khi các nhà hàng nổi trị giá hàng tỉ đồng thì không được hỗ trợ.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Vị trí neo đậu của 14 nhà hàng nổi vịnh trung tâm Cát Bà sau di dời mà huyện bố trí