Bị cách ly tại nhà mà ra ngoài lây bệnh là xử hình sự

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá Hà Nội vẫn còn 3 nguy cơ lây nhiễm cao, đó là người nước ngoài về, người Việt Nam từ nước ngoài về và lây lan trong khu dân cư…

Chiều nay 16-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của TP Hà Nội để đôn đốc công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Tại cuộc họp, ông Chung đánh giá Hà Nội vẫn còn 3 nguy cơ lây nhiễm cao. Thứ nhất là do lượng người nước ngoài đến Việt Nam từ các nước có dịch.

“Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… mặc dù áp lực về dịch bệnh đã giảm dần nhưng vẫn còn nguy cơ cao vì có nhiều trường hợp ủ bệnh với thời gian dài. Thứ hai là nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, như ở khu Trúc Bạch (Ba Đình) vẫn có những khách du lịch vào trước ngày 6-3. Ngày 8-3 tình hình vẫn bình thường, nhưng ngày 9-3 thì có ca dương tính. Sau 10-3 ta mới kiểm soát chặt chẽ nguồn này nên số người vào trước ngày 10-3 vẫn còn nguy cơ. Vì vậy tất cả cơ sở lưu trú và khu dân cư vẫn phải rà soát khách du lịch từ các nước về từ 1-3 đến nay chưa khai báo thì khai báo, xét nghiệm” – ông Chung nói.

Nguy cơ thứ 3 theo ông Chung là công dân Việt Nam, du học sinh từ nước ngoài về nước do thấy tình hình dịch ở nước ngoài có diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp phòng chống dịch COVID-19 chiều 16-3

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp phòng chống dịch COVID-19 chiều 16-3

Theo đó, ông Chung đề nghị cần phải tuyên truyền mạnh hơn để mỗi người phải nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ mọi nguồn lực để phát hiện, kiểm soát chặt chẽ các công dân từ nước ngoài vào Việt Nam.

“Đến nay, vẫn có khách nước ngoài vào Việt Nam, đến Hà Nội mà không được kiểm soát chặt chẽ nên vẫn có nguy cơ. Do đó, cơ sở lưu trú phải điện báo cơ sở y tế để đến lấy mẫu tập trung cao độ cho việc phát hiện, có biện pháp ngăn chặn để giảm thiểu việc lây nhiễm. Ba là quản lý chặt chẽ hành trình của những người tiếp xúc F1, F2, F3. Với các trường hợp F1, nếu âm tính thì F2 không có nguy cơ cao, có thể giải tỏa việc cách ly” – ông Chung nói.

Ông Chung cũng yêu cầu các quận, huyện, thị trên địa bàn phải thực hiện giám sát chặt tất cả các công dân đang cách ly tại nhà, cơ sở tập trung hay cơ sở y tế. “Qua phản ánh có 1 số trường hợp cách ly tại nhà vẫn đi lại nên đề nghị rà soát, kiểm soát chặt. Đã có quyết định cách ly tại nhà mà không thực hiện, sau này phát hiện bệnh mà để lây nhiễm cộng đồng có thể sẽ xử lý hình sự” – ông Chung đề nghị.

Tại buổi giao ban, Sở Y tế Hà Nội cho biết Tổ chức Y tế Thế giới chính thức công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) là đại dịch. Tính đến 15h00 ngày 16-3, thế giới đã ghi nhận 169.928 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 6.521 trường hợp tử vong. Bệnh đã xâm nhập sang 156 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số nước trên thế giới đang có xu hướng dịch gia tăng như: Ý, Iran, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hoa Kỳ...

Tại Ý, số mắc đứng thứ 2 thế giới, cộng dồn ghi nhận 24.747 trường hợp mắc, 1.809 tử vong. Nước Ý đã thực hiện phong tỏa toàn bộ đất nước. Tại Iran, số mắc thứ 3 trên thế giới, cộng dồn ghi nhận 13.938 trường hợp mắc, 724 tử vong. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế của Iran và nhiều quan chức khác đã được xác nhận mắc Covid-19.

Tại Việt Nam, từ ngày 6-3, trên cả nước liên tục ghi nhận các trường hợp dương tính với COVID-19. Tại Việt Nam đã ghi nhận 57 trường hợp dương tính với COVID trong đó đã có 16/57 trường hợp đã khỏi bệnh và được xuất viện. Hiện tại còn 41 trường hợp đang được điều trị cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện. Tại Hà Nội, đã ghi nhận 11 trường hợp nhiễm, chưa có trường hợp tử vong.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/dich-covid-19/bi-cach-ly-tai-nha-ma-ra-ngoai-lay-binh-la-xu-hinh-su-897244.html