Bị cấm dạy - học thêm, thầy trò phải lén lút...
Học sinh cuối cấp có nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức nhưng bị cấm, nên phải học lén lút, không dám công khai. Giáo viên muốn kèm thêm cho trò, cũng không dám vì bị ảnh hưởng danh dự.
Thực tế này đang diễn ra tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa xuất phát từ một “lệnh cấm” lạ lùng của lãnh đạo thị xã, khiến nhiều phụ huynh và dư luận bức xúc.
Theo thông tin phản ánh từ một số phụ huynh trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, từ đầu năm dương lịch 2023, Phó chủ tịch Thị xã này đã có chỉ đạo toàn bộ các nhà trường trên địa bàn không được phép tổ chức dạy và học thêm dưới mọi hình thức. Đích thân vị này thường xuyên trực tiếp đi kiểm tra ở từng địa điểm khả nghi, dò hỏi học sinh tham gia giao thông trên đường.
Nếu phát hiện địa điểm nào dạy thêm học thêm, Phó Chủ tịch Thị xã sẽ đến tận nơi “bắt quả tang”. Giáo viên sẽ bị kiểm điểm trước Hội đồng giáo dục, việc này khiến giáo viên bị tổn thương nặng nề.
Nơi nào học trò muốn học, phụ huynh phải lén lút đứng ra tổ chức tại nhà, mời thầy đến kèm, dặn nhau tắt điện toàn bộ bên ngoài tối om, đưa hết xe vào trong nhà, dặn các con đi đường tuyệt đối không được “bắt lời” người lạ, vì sợ bị lộ.
Thậm chí, theo dư luận của người dân địa phương, đã có trường hợp, một cô giáo cấp 3 kèm cho học trò theo nhu cầu tự nguyện của người học, bị phó chủ thị xã phát hiện, gọi công an xã vào bắt quả tang, lập biên bản vi phạm. So sánh với các địa phương khác, phụ huynh và học sinh thị xã Nghi Sơn vô cùng bức xúc trước sự cấm đoán cực đoan và phi lý tại đây.
Chị Lan Phương, có con đang chuẩn bị chuyển cấp vô cùng lo lắng: "Tâm trạng của phụ huynh hiện đang rất lo lắng hiện tại trong thời điểm bây giờ, lo cho các con không biết có đủ kiến thức để thi vào các trường THPT, THCS giống như ở các bạn ở thành phố. Hơn nữa lại đang cấm không cho các cháu đi học thêm. Trên địa bản xã Nghị Sơn mấy năm trở lại đây chưa mở các trung tâm vì không được dạy thêm học thêm.Các con đã nghỉ quãng thời gian Covid-19, nên thời gian ở trường rất ít, nếu không có sự bổ trợ lượng kiến thức thì với chương trình hiện nay rất là nặng".
Khi phóng viên liên hệ để tìm hiểu thêm, mặc dù rất băn khoăn và bức xúc trước lệnh cấm đoán, nhưng đa số thầy cô giáo và phụ huynh ở đây đều lo ngại sẽ bị trù dập hoặc ảnh hưởng tiêu cực, nếu tiết lộ thông tin
Phụ huynh cho hay, khi họ bày tỏ nguyện vọng muốn được nhờ thầy cô dạy thêm thì bị lãnh đạo thị xã yêu cầu, phải ra các trung tâm ở thị xã để học, giáo viên muốn dạy cũng phải đăng ký qua đó. Trong khi, quãng đường di chuyển xa, đường sá phức tạp, mức phí lại cao, nên rất nguy hiểm và thiệt thòi cho học sinh, vất vả cho giáo viên. Một số phụ huynh đặt dấu hỏi, có hay không các trung tâm này là “sân sau” của lãnh đạo.(?!)
Trong khi đó, ở Hà Nội và rất nhiều địa phương, các phụ huynh và học sinh gần như được hoàn toàn chủ động với việc dạy thêm học thêm tự nguyện. Anh Nguyễn Văn Tùng ở Hà Nội cho biết, gia đình anh cho các con tự lựa chọn các lớp học thêm do các thầy cô tổ chức, chứ không theo học tại các Trung tâm do không phù hợp: "Vợ chồng tôi cho cháu tự chọn vào các lớp mà các cô có địa điểm riêng, còn trung tâm các cháu không chọn. Các cháu đi học về cũng tham khảo ý kiến bố mẹ nói học cô này, bọn con được mở rộng kiến thức, có thể sẽ tốt hơn cho kì thi cho các cháu. Nó yếu chỗ nào thì bổ sung cho con, nói thật không học thêm thì không thi được".
Nguyễn Huyền Trang, sinh viên năm thứ nhất Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc học thêm nếu xuất phát từ nhu cầu của chính học sinh nhằm phục vụ tốt cho các kì thì là hoàn toàn chính đáng, không nên ngăn cấm: "Học thêm là một phần giúp các bạn tổng hợp lại kiến thức, thì thường các bạn sẽ học thêm bởi thầy cô giáo sẽ giúp các bạn tổng quát lại tất cả các kiến thức mà mình cần trong các dạng của các kỳ thi của các năm trước. Nếu bạn học sinh có nhu cầu học thì vẫn nên mở các lớp để các bạn phát triển được năng lực học của mình"
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Tp.HCM cho rằng, hiện nay, việc thi cử vào trường công rất là khó khăn, các trường hiện tại không đủ chỗ cho con em vào học vì thế các kỳ thi lớp 6, 10 là những kỳ thi khá khốc liệt, ảnh hưởng đến nhiều gia đình và xã hội. Nếu học sinh tự nguyện tìm các lớp học thêm để cải thiện kết quả học tập đó là quyền của họ.
"Giả dụ như là có chuyện huyện muốn công bằng trong học tập trường phổ thông và không cần học thêm để thi thì theo tôi đây là một cái cách duy ý chí. Vì chất lượng của các trường phổ thông không đều nhau do đó nên các em đi học thêm khi chuyển cấp lên lớp 6 lớp 10 là chuyện bình thường. (5’04’’) nên tôn trọng nguyện vọng của các em. (3’49’’).Nhu cầu họ học thêm để mà họ có thể thi được vào trường công đó là nhu cầu hợp lý hợp tình, chứ không nên cấm", PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nói.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng cần có một cái nhìn nhân văn hơn đối với việc quản lý dạy thêm học thêm, nhất là đối với những học trò cần phải đi học thêm để đảm bảo mình có được một điều kiện thi chuyển cấp tương đương với những học sinh có năng người học tốt hơn, và ngành giáo dục cũng cần được nhìn nhận giống như ngành y tế, khi các bác sĩ được phép mở phòng khám và làm việc ngoài giờ.
Ông Hồng nhấn mạnh, không nên cấm việc dạy thêm, học thêm, chỉ trừ các trường hợp giáo viên ép học trò của mình phải đến chỗ mình dạy học hay giáo viên không dạy hết mình trên lớp, hay dậy kiến thức trên lớp ở các lớp học thêm.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho biết, các quy định pháp luật hiện hành không cấm giáo viên dạy thêm, việc dạy thêm học thêm là rất cần thiết và bổ ích cho nhiều trường hợp cần thiết: "Vấn đề dạy thêm của giáo viên được quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, giáo viên được phép dạy thê m khi việc dạy học thêm đó tuân theo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm quy định tại Điều 3 Thông tư số 17 và không thuộc trường hợp không được dạy thêm quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2012".
Theo đó, các trường hợp không được dạy thêm là những trường hợp học sinh đã học 2 buổi/ngày, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường, không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh đang dạy chính khóa mà chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan; các cơ cơ sở giáo dục Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… không được dạy thêm học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Việc dạy thêm và học thêm nếu xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính các học sinh nhằm cải thiện kết quả học tập, kết quả thi cử hoàn toàn là một nhu cầu chính đáng. Bởi vậy, nếu các giáo viên tuân thủ nguyên tắc dạy thêm, học thêm của Thông tư số 11, không thuộc các trường hợp tại Điều 4 của Thông tư này thì hoàn toàn được phép thực hiện dạy thêm.
Theo luật sư Phạm Thành Tài, các biện pháp quản lý, ngăn cấm việc dạy thêm, học thêm nếu mang nặng tâm lý chủ quan duy ý chí hay xuất phát từ quyền lợi cá nhân thì cần phải được loại bỏ./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bi-cam-day-hoc-them-thay-tro-phai-len-lut-post1019635.vov