Bị cạnh tranh bởi thương mại điện tử, mặt bằng bán lẻ có còn cơ hội hồi phục?
Sau nhiều năm phải đối đầu với 'sóng gió' vì đại dịch và bất ổn kinh tế, thị trường bán lẻ lại tiếp tục phải đối mặt sự tăng trưởng chóng mặt của thương mại điện tử. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mặt bằng bán lẻ vẫn còn cơ hội phục hồi vào giai đoạn cuối năm.
Ghi nhận tăng trưởng nóng tại thị trường châu Á
Trong báo cáo mới đây của Savills về Thị trường Bán lẻ châu Á - Thái Bình Dương (APAC Pacific Retail - Savills Research), các chuyên gia đã chỉ ra một thay đổi quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ nổi bật trong thời kỳ đại dịch là sự trỗi dậy của thương mại điện tử (TMĐT). Đặc biệt là các gian hàng tạp hóa trực tuyến, vốn đã trở nên thiết yếu trong thời gian đóng cửa.
Cụ thể, hiện nay, Trung Quốc và Hàn Quốc tự hào có tỷ lệ hoạt động TMĐT cao nhất thế giới vào năm 2022 ở mức 27%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 22%.
Trong khi đó, các thị trường ở giai đoạn khởi đầu như khu vực ASEAN đang trên đà số hóa nhanh chóng, được thúc đẩy bởi dân số trẻ trong khu vực và khả năng áp dụng công nghệ nhanh chóng của họ. Khu vực này sẽ có mức tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu, với tỷ lệ thâm nhập tăng vọt từ 21% lên 28% trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2026, phản ánh tốc độ tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17% trong giai đoạn này.
Theo dự báo, đến năm 2026, TMĐT dự kiến sẽ đóng góp tới 29% doanh số bán lẻ của châu Á và 26% trong khu vực ASEAN. Các nhà bán lẻ và chủ sở hữu tài sản nên tăng cường tích hợp trải nghiệm trực tuyến vào chiến lược của mình, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi đang sẵn sàng tận dụng cơ hội TMĐT.
Khả năng đa kênh và bản địa hóa có thể là điểm khác biệt chính. Chiến lược bán lẻ đa kênh vẫn là động lực chính để thúc đẩy cả doanh số bán hàng trực tuyến và truyền thống.
Thị trường Việt Nam có khả năng phục hồi vào giai đoạn cuối năm
Theo một số thống kê cho thấy, doanh thu trên thị trường tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 12,10 tỷ USD vào năm 2023. Trong giai đoạn 2023-2027, doanh thu dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12,38% với giá trị thị trường dự kiến là 19,30 tỷ USD vào năm 2027.
Tuy nhiên, cũng từ báo cáo của đơn vị này, tỷ lệ phân phối của các nhà bán lẻ giữa kênh bán lẻ vật lý và bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam có sự chênh lệch rõ rệt. Cụ thể, mặc dù từ giai đoạn 2017 đến 2023, tỷ lệ phân phối trên kênh bán lẻ trực tuyến đã nâng từ 2,7% lên đến 7,1%. Song, từ nay đến 2027, tỷ lệ này dự kiến tăng trưởng nhẹ lên mức 8,7%.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills Việt Nam cho rằng, các nhà bán lẻ đều khẳng định bán hàng trực tuyến chỉ chiếm một phần nhỏ trong kết quả phân phối sản phẩm của họ.
“Các hoạt động chính mà những thương hiệu áp dụng trên kênh TMĐT là quảng cáo, kích cầu đầu với những khách hàng nhạy cảm về giá thành, thu hút sự quan tâm của khách hàng về thương hiệu và đến cửa hàng vật lý để trải nghiệm sản phẩm”, bà Quyên nhận định.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm, các nền tảng phân phối online hiện nay đang được sử dụng như một dịch vụ cộng thêm như để tích lũy điểm thưởng, tạo ra sự trung thành của khách hàng, chạy các chiến dịch quảng cáo, làm tăng hiện diện thương hiệu trong làn sóng TMĐT và các ngày giảm giá online chung. Nhiều thương hiệu thời trang cho biết tỷ lệ doanh số đến từ kênh trực tuyến chỉ chiếm 3-5%.
Về thị trường cho thuê bán lẻ từ hiện tại đến cuối năm, bà Quyên cho biết, Việt Nam sẽ đón hàng loạt dự án trung tâm thương mại mới với quy mô lớn tại cả Hà Nội và TP HCM như Lotte Mall West Lake Ha Noi, Thiso Retail Phan Huy Ích, Hùng Vương Plaza mở lại. Cùng với đó, một vài khối bán lẻ ở các cụm dân cư đang trong quá trình gấp rút chào thuê dự án, dự kiến khai trương trong cuối năm nay hoặc quý 1/2024 tùy vào tiến độ các khách thuê sắp xếp lộ trình thi công và triển khai nhân sự.
Mặc dù bối cảnh nền kinh tế nói chung có phần ảm đạm nhưng không tác động nhiều đến tình hình hoạt động của thị trường. Bộ phận Cho thuê Bán lẻ của Savills Việt Nam cũng ghi nhận các nhà bán lẻ cũng như chủ đầu tư đều đang nỗ lực trong các hoạt động chuẩn bị đón mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Cùng với đó, hàng loạt thương hiệu mới đang tức tốc chuẩn bị những bước cuối cùng để khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Các nhóm ngành chính có thể thấy như thời trang, đồ thể thao, nội thất, giày dép, túi xách và phụ kiện. Ngoài ra, một số thương hiệu F&B nước ngoài cũng đang trong quá trình tìm kiếm mặt bằng đắc địa tại cả Hà Nội và TP HCM để mở của.
Trong cái nhìn toàn cảnh, ông Simon Smith, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills APAC cho rằng châu Á - Thái Bình Dương là một điểm tương đối sáng trên toàn cầu, mặc dù tốc độ tăng trưởng đang ở mức vừa phải. Bất chấp các điều kiện kinh tế vĩ mô khác nhau, hầu hết các thị trường cho thuê bán lẻ ở châu Á - Thái Bình Dương đều đã chạm đáy và đang có xu hướng đi lên.
“Nhìn chung, nguồn cung mới trung tâm mua sắm cao cấp châu Á - Thái Bình Dương trên 12 thị trường mà chúng tôi theo dõi dự kiến sẽ đạt 9,5 triệu m2 từ năm 2023 đến năm 2025. Ngược lại, các thị trường trọng điểm như Đài Bắc (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), TP HCM và Manila (Phillippines) phải đối mặt với nguồn cung mới hạn chế, khan hiếm mặt bằng trống và các chương trình hỗ trợ giá thuê. Hầu hết các thị trường trung tâm mua sắm cao cấp ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ có mức tăng giá thuê từ 0 đến 5% vào năm 2023, nổi bật là Hong Kong (Trung Quốc) và TP HCM với tiềm năng tăng giá 10%”, ông Simon Smith nhận định.