Bị cáo Đinh La Thăng lãnh 11 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 18 năm tù vụ Ethanol Phú Thọ
Chiều tối 15/3, HĐXX Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án với 12 bị cáo trong vụ án Ethanol Phú Thọ.
Chiều tối 15/3, HĐXX Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án các bị cáo trong vụ án sai phạm tại Ethanol Phú Thọ. Trong đó, có bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC) cùng 10 bị cáo khác.
HĐXX nhận định: Dự án Ethanol Phú Thọ bị tạm dừng thi công từ 2013, tính đến thời điểm xét xử là 8 năm. Thiệt hại của vụ án là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số nợ còn phải trả cho các ngân hàng là 543 tỷ đồng là có căn cứ. Trên thực tế, thiệt hại của vụ án sẽ còn lớn hơn rất nhiều, vì dự án đã dừng dở dang. Do đó, việc căn cứ con số 543 tỷ đồng để tính thiệt hại là có lợi cho các bị cáo.
HĐXX cho rằng, liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện dự án là nguyên nhân trực tiếp, xuyên suốt dẫn đến không thể hoàn thành dự án. Khi đang thực hiện dở dang dự án, liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T đã có các báo cáo thừa nhận, liên danh nhà thầu không đủ khả năng thực hiện tiếp dự án, đến 2013 thì ngừng thi công hẳn.
Việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực thi công là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến hậu quả của vụ án. HĐXX đánh giá bị cáo Đinh La Thăng chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Bị cáo Thăng biết rõ năng lực của PVC và tài chính PVC đang gặp khó khăn, nhưng vẫn đưa ra chủ trương chỉ định thầu cho PVC, được phổ biến rộng rãi trong ban lãnh đạo của tập đoàn PVN.
Khi PVC xin chỉ định thầu, các bị cáo Đinh La Thăng, Trần Thị Bình (cựu Phó TGĐ PVN) tổ chức các cuộc họp của Ban chỉ đạo để giao nhà thầu PVB phải chỉ định thầu cho PVC.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh ký các văn bản thống nhất thực hiện gói thầu TK05, đề nghị PVB chỉ định thầu cho PVC. HĐXX viện dẫn lời khai của bị cáo Thanh tại tòa, rằng nếu không có chỉ đạo của Đinh La Thăng thì sẽ không nhận thực hiện gói thầu này.
Ngoài ra, bị cáo Thanh còn lợi dụng vị trí công tác, tự ý quyết định tạm ứng 25 tỷ đồng cho PVC Kinh Bắc, rồi chuyển 21 tỷ đồng thành vốn góp của PVC cho PVC Kinh Bắc là trái pháp luật, sau đó lại thỏa thuận với Hồng nhận chuyển nhượng 3400 m2 đất trên Tam Đảo, rồi hưởng lợi 3 tỷ đồng.
HĐXX tuyên phạtbị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù (VKS đề nghị 12 - 13 năm tù), tổng hình phạt các bản án khác là 30 năm tù; Trịnh Xuân Thanh 10 năm tù (VKS đề nghị 11 - 12 năm tù) về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; 8 năm tù (VKS đề nghị 10 – 11 năm tù) tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, tổng hình phạt 2 tội danh là 18 năm tù. Tổng hình phạt các bản án trước đó, Trịnh Xuân Thanh nhận mức án Chung thân.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng, nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc PVC Kinh Bắc 4 năm tù (VKS đề nghị 6 – 7) năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Tổng hình phạt trước đó bị cáo Hồng là 17 năm tù 9 bị cáo khác bị HĐXX tuyên phạt gồm: Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí – PVB 6 năm,6 tháng tù; Phạm Xuân Diệu, nguyên tổng giám đốc PVC, bị mức án 3 năm 6 tháng; Nguyễn Ngọc Dũng nguyên phó tổng giám đốc PVC, bị 3 năm tù.
Bị cáo Đỗ Văn Quang, nguyên trưởng ban Kinh tế kế hoạch PVC 28 tháng tù và Nguyễn Xuân Thủy, nguyên phó phòng Đầu tư dự án PVB 30 tháng tù; Trần Thị Bình, nguyên phó tổng giám đốc PVN, 36 tháng nhưng cho hưởng án treo; Khương Anh Tuấn, nguyên phó phòng thương mại PVB 30 tháng tù; Lê Thanh Thái, nguyên trưởng phòng Kinh doanh PVB 24 tháng tù; Hoàng Đình Tâm, nguyên kế toán trưởng PVB 30 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo chính phải bồi thường thiệt hại trong vụ án là: Bị cáo Đinh La Thăng chịu trách nhiệm bồi thường 200 tỷ đồng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh 143 tỷ đồng, bị cáo Vũ Thanh Hà 100 tỷ đồng./.