Bị cáo Hoàng Văn Hưng bị đề nghị xử lý thêm hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra) thừa nhận tiết lộ thông tin là điều tra viên chính vụ án 'chuyến bay giải cứu' nên hành vi này có dấu hiệu của tội xâm phạm hoạt động tư pháp, qua đó cần điều tra và xử lý trong giai đoạn sau.
Trong phần luận tội tại phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố nhận định, bị cáo Hoàng Văn Hưng khi là điều tra viên chính vụ án “chuyến bay giải cứu”, đã nhiều lần gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky) tại nhà bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Khi được nhờ giúp Hằng và bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) không bị xử lý hình sự, bị cáo Hưng hướng dẫn bị cáo Hằng thống nhất nội dung khai báo theo hướng, Hằng được hưởng khoan hồng, còn Sơn không bị xử lý hình sự.
Việc bị cáo Hưng trao đổi tạo sự tin tưởng nên giai đoạn này, bị cáo Hằng và bị cáo Sơn đưa cho bị cáo Tuấn 1,2 triệu USD, tuy nhiên cơ quan tố tụng chưa đủ căn cứ xác định.
Bị cáo Hưng cũng thừa nhận tiết lộ thông tin là điều tra viên chính nên hành vi này có dấu hiệu của tội xâm phạm hoạt động tư pháp, qua đó cần điều tra và xử lý trong giai đoạn sau.
Tháng 9/2022, khi bị cáo Hưng bị điều chuyển công tác, không còn thẩm quyền liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hưng vẫn gặp bị cáo Hằng tại nhà bị cáo Tuấn để cung cấp thông tin nắm được, tiếp tục hứa lo cho bị cáo Sơn không bị xử lý hình sự, đồng thời hướng dẫn cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên và nói phải đưa tiền cho các cá nhân khác. Bị cáo Hưng còn thông tin sai sự thật về vai trò của mình, là mình vẫn kiểm soát tình hình, vẫn làm báo cáo đề xuất vụ án.
Giai đoạn này, bị cáo Tuấn khai, đã nhận của bị cáo Hằng 1 triệu USD và chuyển cho bị cáo Hưng. Trong khi đó, bị cáo Hưng cho rằng, không lừa đảo, không nhận tiền từ bị cáo Tuấn.
Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, căn cứ kết quả điều tra, thực nghiệm và lời khai của nhân chứng và một số bị cáo, đủ căn cứ xác định, bị cáo Tuấn nhận từ bị cáo Hằng 1 triệu USD, sau đó chuyển 800.000 USD trong số 1 triệu USD cho bị cáo Hưng.
Quá trình phạm tội, bị cáo Hưng dùng hai sim rác không chính chủ trao đổi với bị cáo Tuấn, hoặc nói qua ứng dụng viber. Bị cáo Hằng cũng dùng sim rác hoặc viber để liên hệ với bị cáo Tuấn với mục đích giữ bí mật. Bị cáo Hưng còn yêu cầu bị cáo Hằng không liên hệ trực tiếp mà phải thông qua bị cáo Tuấn.
Từ năm 2019 đến tháng 1/2022, giữa bị cáo Hưng và bị cáo Tuấn chỉ có 5 cuộc gọi, nhưng trong giai đoạn điều tra vụ “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hưng và bị cáo Tuấn đã liên lạc với nhau 435 cuộc điện thoại.
Theo đại diện Viện kiểm sát, việc bị cáo Hưng và bị cáo Tuấn gặp mặt, trao đổi, đưa tiền được thực hiện thường vào buổi tối, tại nhà riêng của bị cáo Tuấn để đảm bảo bí mật. Việc giao nhận tiền theo tiến trình điều tra, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 12/2022. Khi cần tiền, bị cáo Hưng sẽ nói với bị cáo Tuấn để bị cáo Tuấn nói lại với bị cáo Hằng. Khi bị cáo Hằng đưa tiền cho bị cáo Tuấn thì bị cáo Tuấn sẽ đưa lại cho bị cáo Hưng.
“Hành vi của bị cáo Hưng thể hiện sự coi thường pháp luật, quá trình điều tra, xét xử không thành khẩn khai báo, không ăn năn, hối cải nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.
Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Hằng và bị cáo Sơn đã đưa số tiền 2,6 triệu USD hối lộ với mục đích chạy án để không bị xử lý hình sự. Bị cáo Tuấn môi giới hối lộ số tiền 2,2 triệu USD. Bị cáo Hưng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 800.000 USD...
Với hành vi phạm tội như trên, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hưng từ 19 - 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Tuấn bị đề nghị từ 6 - 7 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”.