Bị cáo Phan Quốc Việt hầu tòa phúc thẩm

Ngày 17-7, Tòa án Quân sự Trung ương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Phan Quốc Việt (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á) trong vụ án tại Học viện Quân y. Vụ án được mở theo kháng cáo của 7 bị cáo. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày.

Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm năm 2023

Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm năm 2023

Trước đó, năm 2023, Tòa án Quân sự Thủ đô phạt bị cáo Phan Quốc Việt mức án 15 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và 10 năm tù cho hành vi "Vi phạm đấu thầu", tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.

Trong vụ án, có 2 người bị tuyên phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" với mức án cụ thể là: bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế - kỹ thuật thuộc Bộ KH-CN) 15 năm tù; Hồ Anh Sơn (Thượng tá, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự thuộc Học viện Quân y) 12 năm tù.

4 người khác bị tòa xác định phạm tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", gồm: Nguyễn Văn Hiệu (Đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị Vật tư, Học viện Quân y) 7 năm tù; Ngô Anh Tuấn (Thiếu tá, Trưởng phòng Tài chính, Học viện Quân y) 4 năm tù; Lê Trường Minh (Thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược, Học viện Quân y) 6 năm tù; Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) 6 năm tù.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo trong vụ án kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị đơn dân sự là Công ty Việt Á kháng cáo xin xem xét lại phần trách nhiệm dân sự. Tại phiên tòa phúc thẩm này, tòa án cũng triệu tập bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Việt), đến tham dự với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Án sơ thẩm thể hiện năm 2020, Học viện Quân y cùng Công ty Việt Á nghiên cứu kit test Covid với kinh phí gần 19 tỷ đồng của nhà nước. Kết quả nghiên cứu là tài sản do Bộ trưởng Bộ KH-CN quản lý nhưng Học viện Quân y lại đồng ý để Công ty Việt Á toàn quyền sử dụng.

Theo đó, bị cáo Hồ Anh Sơn được giao là chủ nhiệm đề tài, đã đề nghị Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, khi đó là Phó Giám đốc Học viện Quân y ký công văn gửi Bộ KH-CN, đề nghị phát triển kit test Covid-19. Biết việc này, Trịnh Thanh Hùng yêu cầu Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng nghiên cứu vì Hùng quen biết Phan Quốc Việt. Bị cáo Hồ Anh Sơn đồng ý, làm lại công văn mới thể hiện Học viện Quân y cùng Công ty Việt Á nghiên cứu, để Thiếu tướng Lương ký.

Kết quả, kit test Covid-19 của Công ty Việt Á do bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt) nghiên cứu ra có chất lượng tốt hơn sản phẩm của Học viện Quân y nên được đem đi thử nghiệm và được Bộ Y tế cấp số lưu hành tạm thời vào tháng 3-2020.

Để được cấp lưu hành chính thức, Việt sau đó chỉ đạo cấp dưới soạn biên bản thể hiện Học viện Quân y đồng ý cho Công ty Việt Á được "toàn quyền sử dụng kết quả nghiên cứu" và được in logo Học viện Quân y lên sản phẩm.

Bộ Y tế sau đó chấp thuận, cho Công ty Việt Á được lưu hành sản phẩm kit test chính thức. Sau khi được Bộ Y tế cấp phép, Phan Quốc Việt cảm ơn Trịnh Thanh Hùng bằng 350.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng) và cho Hồ Anh Sơn 2,5 tỷ đồng tiền hoa hồng.

Sai phạm thứ 2 cũng xảy ra trong năm 2020, khi Phan Quốc Việt đề nghị Hồ Anh Sơn đi mua tăm bông và các ống môi trường về bán cho Công ty Việt Á để doanh nghiệp này bán lại. Bị cáo Sơn sẽ được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ việc này. Cơ quan tố tụng xác định, trừ các chi phí hợp lý, bị cáo Sơn hưởng lợi hơn 2,1 tỷ đồng qua việc làm ăn với Công ty Việt Á.

Sai phạm thứ 3 bị cơ quan tố tụng quân sự xác định là Học viện Quân y mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á với giá cao trong quá trình chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TPHCM.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bi-cao-phan-quoc-viet-hau-toa-phuc-tham-post749681.html