Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường dịp tết Trung thu năm 2024
Tết Trung thu là thời điểm nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu sẽ gia tăng. Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, để người dân đón tết Trung thu vui tươi, an toàn.
Toàn tỉnh hiện nay có trên 100 cơ sở sản xuất bánh pía, bánh trung thu và các loại bánh, kẹo khác phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Các mặt hàng này rất được ưa chuộng và được người dân chọn mua, sử dụng nhiều trong dịp tết Trung thu.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng, để đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, quy định, ngày 15/8/2024, Cục QLTT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1205/KH-QLTTST về việc triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp tết Trung thu và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024. Theo đó, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em… Trong đó, Cục QLTT tập trung kiểm tra, giám sát theo 3 thời điểm: trước, trong và sau tết Trung thu. Cụ thể, giai đoạn trước tết Trung thu, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu, nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn nguyên liệu sản xuất bánh trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Trong dịp tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đại lý, cửa hàng về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Sau tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh công tác kiểm tra, Cục QLTT kết hợp công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh, kẹo và kinh doanh nguyên liệu làm bánh thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra thực tế tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm Tân Huê Viên, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho thấy, doanh nghiệp rất chú trọng khâu nhập nguyên liệu đầu vào sản xuất bánh, kẹo.
Anh Liên Vũ Trường - nhân viên Quản lý chất lượng công ty cho biết, doanh nghiệp luôn đặt sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu nên rất chú trọng trong khâu nhập nguyên liệu đầu vào. Nếu đối tác không cung cấp đầy đủ chứng từ, hóa đơn, xuất xứ nguồn gốc của các nguyên liệu, công ty từ chối nhận hàng. Ngoài ra, công ty đầu tư kho chứa, đảm bảo nguyên liệu được bảo quản tốt nhất theo đúng quy định. Đặc biệt, công ty kiểm tra chất lượng đầu vào, đầu ra của nguyên liệu; đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại… không chỉ đảm bảo tiêu chí về an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo sản lượng cung ứng cho thị trường nội tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
Chuyên kinh doanh bột mì làm bánh pía, bánh mì và các loại nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở sản xuất bánh, kẹo và bán lẻ cho người dân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Dịch vụ Phong Xuân, Phường 1, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) luôn nêu cao khẩu hiệu an toàn, thượng tôn pháp luật và tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh. “Doanh nghiệp luôn chọn công ty có thương hiệu, uy tín trong nước cung ứng nguồn hàng; đối với hàng nhập khẩu phải có nhãn phụ và tất cả phải có đầy đủ giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật” - ông Dương Hoài Sinh, đại diện công ty cho biết.
Bên cạnh việc kiểm tra hoạt động sản xuất bánh trung thu, bánh pía; kinh doanh nguyên liệu làm bánh, lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, đồ chơi có hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền cho biết thêm, theo kế hoạch, lực lượng QLTT sẽ ra quân kiểm tra, giám sát thị trường dịp tết Trung thu đến ngày 25/9/2024. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh các loại bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em… Cục QLTT sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; công khai, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật để cảnh báo cho người tiêu dùng biết và không sử dụng những sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Kiên quyết không để các sản phẩm bánh, kẹo, nhất là bánh Trung thu không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ… bày bán tại các cơ sở kinh doanh mà không được kiểm tra, kiểm soát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Cục QLTT.
Để người dân có một mùa trung thu an toàn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn, sử dụng các sản phẩm bánh trung thu và các loại bánh có thương hiệu, có nhãn mác, địa chỉ của đơn vị sản xuất rõ ràng, còn trong thời hạn sử dụng. Người dân tuyệt đối không nên mua các loại bánh trung thu “siêu rẻ” hay giảm giá rao bán trên các trang mạng xã hội, mà không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân cần bảo quản, sử dụng bánh theo hướng dẫn ghi trên bao bì của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất. Đối với các loại đồ chơi trẻ em, các bậc phụ huynh cần lưu ý lựa chọn những sản phẩm có đầy đủ thông tin trên nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, thông tin cảnh báo an toàn, hướng dẫn sử dụng… nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ nhỏ. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm đề nghị người dân cần mạnh dạn báo ngay đến các cơ quan chức năng hoặc số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT tỉnh để đơn vị kịp thời tiếp nhận, xử lý theo quy định pháp luật.