Bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định có đủ nguồn tiền để trả cho các trái chủ

Luật sư của Trương Mỹ Lan chỉ ra nguồn tiền hiện tại và sắp tới thu hồi về đủ để trả cho hơn 35.000 trái chủ.

Chiều 3-4, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) giai đoạn 2 tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo.

Thu hồi từ đối tác sẽ đủ tiền

Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, các LS cho biết ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Lan không có ý thức, ý định chiếm đoạt tiền trái phiếu của các trái chủ, bởi lẽ nếu bà Lan muốn chiếm đoạt tiền của người dân, bà sẽ dùng pháp nhân Tập đoàn VTP để phát hành trái phiếu, chắc chắn sẽ thu được nhiều tiền hơn.

Tiếp đến, với số tiền quy buộc bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, các LS cũng chỉ ra số tiền bà Lan bị buộc phải bồi hoàn cho các trái chủ nhiều hơn tổng số tiền dư nợ trái phiếu mà cơ quan tố tụng quy kết bà Lan chiếm đoạt là 10,7 tỉ đồng.

 LS của bà Trương Mỹ Lan chỉ ra nhiều nguồn tiền để chứng minh đủ số tiền khắc phục hậu quả. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

LS của bà Trương Mỹ Lan chỉ ra nhiều nguồn tiền để chứng minh đủ số tiền khắc phục hậu quả. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cạnh đó, đối với gói trái phiếu Sunny World 2.400 tỉ đồng (dư nợ hiện còn hơn 1.612 tỉ) thì khoản tiền này được Sunny World phát hành cho 6 trái chủ là các cá nhân, tổ chức khác sử dụng và cả 6 trái chủ này đều không có yêu cầu bà Trương Mỹ Lan bồi hoàn. Vì vậy cần loại bỏ gói Sunny World khỏi các gói trái phiếu đang buộc bà Lan phải chịu trách nhiệm.

Về nguồn tiền bồi thường thiệt hại, theo LS căn cứ vào Công văn số 1948 của Cục THADS TP.HCM, tính đến ngày 24-3-2025, về tiền mặt đã có 8.600 tỉ đồng nằm trong tài khoản của Cục THA và trong các tài khoản bị phong tỏa.

Đồng thời có khoảng 15.300 tỉ đồng là tiền mà các cá nhân, tổ chức phải trả cho bà Trương Mỹ Lan. Tổng số tiền theo Công văn 1948 là 24.000 tỉ đồng. Cộng thêm, bản án sơ thẩm vụ án giai đoạn 2 còn kê biên hàng loạt cổ phần, bất động sản với tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bà Trương Mỹ Lan.

Một khoản tiền khác cũng có thể được sử dụng để khắc phục hậu quả, đó là hơn 15.712 tỉ đồng có nguồn gốc từ gói trái phiếu An Đông được trả cho 6 tổ chức tín dụng cần được thu hồi.

Tổng cộng ba nguồn tiền trên sẽ có hơn 50.000 tỉ đồng để bồi thường cho các bị hại trong vụ án trái phiếu.

Mong HĐXX đánh giá lại trách nhiệm, vai trò trong việc phát hành trái phiếu

LS của bị cáo Văn cho biết tại giai đoạn 1 của vụ án, thân chủ của mình đã nhận mức hình phạt chung thân. Tới giai đoạn 2, cấp sơ thẩm tuyên phạt 17 năm tù cho hai tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền là quá nghiêm khắc. Nếu tổng hợp cả hai bản án vào thì vẫn phải chấp hành bản án chung là chung thân.

Tuy vậy, bị cáo Văn vẫn muốn kháng cáo (dù biết phải chấp hành án chung thân) là để được trình bày cho HĐXX và đại diện VKS có cái nhìn khách quan, xem xét đánh giá lại về vai trò, mức độ tham gia của mình trong vụ án.

 Cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn mong HĐXX đánh giá lại một cách khách quan về vai trò của mình trong việc phát hành trái phiếu. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn mong HĐXX đánh giá lại một cách khách quan về vai trò của mình trong việc phát hành trái phiếu. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cụ thể, bị cáo Văn không tham gia quy trình phát hành trái phiếu khống, chỉ tham gia giai đoạn phân phối trái phiếu, nghĩa là sau khi trái phiếu đã phát hành thành công thì SCB là đơn vị giới thiệu sản phẩm trái phiếu đến với khách hàng.

Theo đó, Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo khác đều xác nhận bữa cơm trưa mạ họ từng có mặt chung không phải là cuộc họp để đề ra chủ trương phát hành trái phiếu. Hơn nữa, bị cáo Văn chỉ có chuyên môn về tài chính ngân hàng, không có kiến thức về chứng khoán nên không thể tham gia, góp ý hay có vai trò gì trong công đoạn phát hành.

Về phương án chạy dòng tiền khống của Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc SCB - Chi nhánh Sài Gòn), bị cáo Văn không biết và không thể biết về các hành vi chạy dòng tiền khống này của bị cáo Phương Hồng vì theo quy định của SCB, các chi nhánh không phải báo cáo Ban lãnh đạo SCB về các giao dịch liên quan đến tài khoản khách hàng, mà Giám đốc Chi nhánh phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy trình và nghiệp vụ theo quy định pháp luật và quy định của SCB.

Cũng theo LS, với vai trò là người đứng đầu SCB với thiệt hại đã xảy ra, nên thân chủ của mình cũng phải có trách nhiệm và chưa từng chối bỏ trách nhiệm. Bị cáo Văn thừa nhận sai phạm vì giúp sức phân phối sản phẩm trái phiếu.

Tự bào chữa, bị cáo Văn đề nghị HĐXX và VKS xem xét lại số tiền cáo buộc giúp sức chiếm đoạt 28.000 tỉ đồng là không đúng. Vì trong giai đoạn mình làm Tổng giám đốc SCB chỉ phân phối bốn mã trái phiếu của An Đông, Quang Thuận với 9.857 trái chủ, có giá trị 7.900 tỉ đồng.

Đối với gói trái phiếu Settra, bị cáo Văn cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm vì chỉ làm việc tại SCB đến cuối tháng 7-2020, trong khi gói trái phiếu Settra phát hành trái phiếu từ 31-8-2020.

Ở tội rửa tiền, cả LS và bị cáo Văn đề nghị xác định lại cấu thành tội phạm của tội này vì việc ký các lệnh chuyển tiền giao dịch đơn giản chỉ là nghiệp vụ, hoạt động của ngân hàng.

Về phía SCB (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan), LS cho biết ngày 31-10-2024 ngân hàng đã đơn kháng cáo về việc xử lý các tài sản trong vụ án.

Theo đó, bản án sơ thẩm xác định ông Nguyễn Văn Liêm đã nhận 1.000 tỉ đồng từ bà Trương Mỹ Lan thông qua Hồ Quốc Minh đó là tiền đặt cọc cho việc chuyển nhượng dự án tại Khu đô thị phát triển An Phú. Số tiền này được xác định có nguồn tiền từ ngân hàng SCB do bị cáo Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo nhân viên SCB tạo các khoản vay khống để rút tiền.

Từ đó, khi tuyên án, tòa cần buộc ông Nguyễn Văn Liêm hoàn trả số tiền 1.000 tỉ đồng cho bị cáo Lan để khắc phục hậu quả vụ án.

LS cho biết trong giai đoạn 1 của vụ án, SCB cũng là bị hại nhưng tòa lại ưu tiên để giải quyết cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trả cho bà Lan để trả cho trái chủ) là chưa đảm bảo quyền lợi cho SCB. Do đó, số tiền này cần phải hoàn trả cho SCB.

HUỲNH THƠ

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-cao-truong-my-lan-khang-dinh-co-du-nguon-tien-de-tra-cho-cac-trai-chu-post842400.html