Bị chính đồng minh trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ 'nghĩ lại' về việc đứng 'cùng thuyền' với NATO?
Những rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ, đã khiến việc Ankara rời liên minh quân sự này đã trở thành một khả năng có thể xảy ra.
Các lệnh trừng phạt do Mỹ áp lên Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/12 theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) có thể khoét sâu những khác biệt về quan điểm chiến lược của 2 đồng minh NATO này.
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga, một hệ thống mà Mỹ cho là không tương thích với các thiết bị của NATO và có nguy cơ đe dọa đến an ninh của liên minh này.
Ngoài ra, việc Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích F-35 vào tháng 7/2019 đã cho thấy Washington “không nói suông” trong việc thể hiện thái độ bất đồng khi Ankara kiên quyết mua thiết bị phòng không từ Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ, một bộ phận không thể thiếu của chương trình trên, là một trong một vài bên tiếp nhận hệ thống F-35 tiên tiến thế hệ tiếp theo của Mỹ, đồng thời là một thành viên quan trọng trong NATO.
Động thái loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và thực hiện các lệnh trừng phạt với nước này của Mỹ - kiểu hành động chưa từng có với một đồng minh chủ chốt đã cho thấy rạn nứt về quan hệ ngoại giao có nguy cơ trở thành vết nứt lớn khi các nhu cầu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đi xa so với Mỹ.
Tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO
Với những bất đồng ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, việc Ankara rời NATO hiện đã trở thành một khả năng có thể xảy ra.
Rõ ràng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ rời đi, NATO sẽ đối mặt với một cú đánh nghiêm trọng. Đã từng có tiền lệ về việc một quốc gia rời NATO, đó là Pháp khi quốc gia này rút khỏi NATO năm 1967 và sau đó quay trở lại vào năm 2009.
Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia cung cấp số lượng quân nhân lớn thứ hai cho NATO, chỉ sau Mỹ.
NATO sẽ đối mặt với một cú sốc lớn khó phục hồi, đặc biệt là khi trọng tâm của liên minh quân sự này hiện đã thay đổi. Thế giới ngày nay đã biến chuyển rất khác so với khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952, thời điểm mà nước này và phương Tây có cùng nhu cầu chiến lược và những mối quan tâm chung, đó là kiềm chế Nga.
Cuộc chiến ở Syria cũng tạo ra những rạn nứt khó có thể hàn gắn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ khu vực tự trị nào của người Kurd gần với biên giới nước này. Thổ Nhĩ Kỳ coi sự ủng hộ của Mỹ với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo là một dấu hiệu nguy hiểm và khiến mối quan hệ hai bên ngày càng xấu đi.
SDF chủ yếu là các tay súng thuộc Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là nhóm "khủng bố" có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi ly khai ở nước này.
"Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn. Nước này muốn vẫn là một phần quan trọng trong liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử hay muốn mạo hiểm an ninh của mối quan hệ đối tác này qua những quyết định thiếu thận trọng có thể hủy hoại liên minh của chúng ta", Phó Tổng thống Mike Pence cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái trong một cuộc họp của các thành viên NATO.
Ngay sau đó, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cũng đã đáp lại rằng: "Mỹ phải lựa chọn. Nước này vẫn muốn là một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ hay sẽ mạo hiểm tình hữu nghị của chúng ta bằng cách tham gia cùng các lực lượng khủng bố làm suy yếu sự phòng thủ của đồng minh NATO trước kẻ thù của họ".
Bầu không khí giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên căng thẳng sau khi Ankara tiếp nhận và thử hệ thống S-400 của Nga, bất chấp những lời đe dọa và cảnh báo từ Washington.
Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, mặc dù đã được chứng minh về khả năng chiến đấu nhưng dường như vẫn không bằng hệ thống S-400 của Nga, vốn có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu gấp 3 lần và bắn hạ chúng ở khoảng cách xa gấp 5 lần Patriot.
Tác động của các lệnh trừng phạt
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã nhắm vào ngành công nghiệp quốc phòng nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ và phần nào hạn chế tổ hợp quân sự - công nghệ đang phát triển nhanh chóng của quốc gia này. Quan hệ hợp tác giữa các công ty quốc phòng của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng sau quyết định trên.
Lệnh trừng phạt của Mỹ cũng có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thế phải hình thành các sáng kiến hợp tác với những cường quốc quốc phòng công nghệ cao khác, phụ thuộc ít hơn vào các thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung cho lực lượng vũ trang nước này và thúc đẩy việc sản xuất vũ khí trong nước.
Về ngắn hạn, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ. Sở hữu những chiếc tiêm kích lâu đời của Mỹ như F-4 và F-16, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách hiện đại hóa các phương tiện này. Hợp đồng F-35 với Mỹ là một phần không thể thiếu trong chiến lược trên của Ankara với việc một số bộ phận của tiêm kích sẽ được sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, do bị cấm tham gia vào chương trình này, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách tự thiết kế các mẫu tiêm kích hiện đại của riêng mình nhưng việc này vẫn còn một chặng đường dài để đi tới quá trình sản xuất và hoạt động. Trong khi phi đội tiêm kích F-16 - xương sống của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ, đã cũ kỹ, nước này hiện cần các bộ phận thay thế nhưng lại không thể mua chúng.
Ngoài ra, bên cạnh việc nâng cấp, các phương tiện và vũ khí lâu đời hơn của Thổ Nhĩ Kỳ như tiêm kích, xe tăng, máy bay vận chuyển... cũng cần bảo trì nhưng tất cả chúng đều được mua từ Mỹ. Do đó, đối mặt với các lệnh trừng phạt của Washington hiện nay, Ankara sẽ cần cân nhắc mua thêm tiêm kích tân tiến từ các quốc gia khác.
Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngày càng gia tăng bất đồng. Pháp đang hỗ trợ Hy Lạp - nước láng giềng, đồng thời là kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ, tự trang bị cho mình bằng các tiêm kích Rafale hiện đại với tên lửa Meteor có tầm bắn xa và độ chính xác xao.
Trong khi đó, điều trớ trêu là hiện nay, Nga gần như là quốc gia duy nhất trên thực tế có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục những hạn chế về không quân và đáp ứng những nhu cầu trong tương lai của lực lượng này.
Vì thế, câu hỏi đặt ra hiện nay không chỉ là rạn nứt Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi đến đâu mà là liệu Ankara còn nhìn thấy những mục tiêu chung để đứng trên cùng một “con thuyền” với các thành viên khác trong NATO nữa hay không?./.