Bị cô lập ở trường vì không được đi nước ngoài
Một bé trai Hàn Quốc bị bạn cùng lớp cô lập, gọi là 'ăn mày' vì không đi nước ngoài để tham gia hoạt động trải nghiệm.
Cụ thể, vào ngày 24/5, mạng xã hội nước này xuất hiện một bài viết với tiêu đề: "Tôi tưởng gaegeungeoji (tạm dịch: Ăn mày chuyên cần) chỉ là trò đùa trên mạng, nhưng con trai tôi thực sự đã trải qua chuyện đó".
"Hôm qua, khi đi học về, con trai tôi đã khóc và nói rằng 'bạn bè gọi con là gaegeo' (viết tắt của gaegeungeoji). Tôi hỏi con gaegeo là gì, con trả lời rằng gaegeo là ăn mày chuyên cần", người cha viết.
Trong tiếng Hàn Quốc, gaegeungeoji là một thuật ngữ mới được sử dụng để chê bai những học sinh đi học quá chuyên cần mà không tham gia các khóa học tập trải nghiệm, như trải nghiệm ở nước ngoài, theo Kukmin Ilbo.
Gaegeun vốn là một từ mang ý nghĩa tích cực để chỉ sự chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ này lại bị ghép với geoji (nghĩa là ăn mày) để tạo ra thuật ngữ mới mang tính mỉa mai, xúc phạm là gaegeungeoji.
Nói thêm về việc chưa cho con đi du lịch nước ngoài, người cha cho biết anh là lao động chính trong nhà và chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất, mỗi tháng có được 3-3,5 triệu won.
Sau khi trả hết phí sinh hoạt và tiền nhà, anh không còn tiền dư. Đó cũng là lý do khi nhận được thông báo cho trẻ tham gia trải nghiệm ở nước ngoài, anh quyết định không đăng ký cho con. Chính người cha cũng không ngờ con trai mình là phần thiểu số ở lớp không được đi nước ngoài trong đợt đó.
"Tôi nghĩ đến du lịch trong nước nhưng con tôi lại muốn đi nước ngoài. Con nói rằng con sẽ thấy xấu hổ nếu nói với bạn là đi du lịch ở Hàn Quốc", người cha chia sẻ, đồng thời cho biết con anh kể rằng các bạn cùng lớp đều ra nước ngoài để trải nghiệm, như đến Singapore, Hawaii, đảo Guam...
Cuối cùng, sau khi bàn bạc với vợ, người cha quyết định cho con trai đi du lịch nước ngoài. Hiện, anh đang tìm điểm đến cũng như săn vé máy bay giá rẻ.
Về việc con trai bị bạn bè cô lập, người cha nói anh rất sốc và buồn khi biết chuyện đó. Anh hiểu mỗi thế hệ sẽ có quan điểm khác nhau, nhưng việc cô lập bạn bè chỉ vì bạn bè thiếu thốn, không được đi nước ngoài rất khó chấp nhận.
"Văn hóa so sánh đã đạt đến tột đỉnh. Sự phù phiếm cũng khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt hơn", anh nói.
Khi đọc chia sẻ của người cha, nhiều dân mạng Hàn Quốc phẫn nộ vì việc cô lập bạn cùng lớp chỉ vì chưa được đi nước ngoài chính là bắt nạt học đường. Một số người nói thêm rằng những đứa trẻ cô lập bạn bè không được cha mẹ dạy dỗ đến nơi đến chốn nên mới có tư tưởng và hành động như vậy.
"Đây là bắt nạt còn gì, ủy ban chống bạo lực học đường đâu rồi, các người phải hành động đi chứ", một người bình luận.