Bị đột quỵ có nên tập phục hồi chức năng sớm?
Hà Văn Quân, tỉnh Hòa Bình, hỏi: Bố tôi 72 tuổi, cách đây hơn 1 tuần ông bị đột quỵ não, đang điều trị tại bệnh viện và gần như vẫn phải nằm một chỗ. Nhân viên y tế khuyên bố tôi cần tập phục hồi chức năng (PHCN) càng sớm càng tốt nhưng tôi nghe nói nếu tập sớm quá sẽ không tốt cho việc hồi phục? Hơn nữa người từng bị đột quỵ, nguy cơ tái phát rất cao, vậy làm thế nào để nhận biết sớm được tình trạng đột quỵ?
PGS-TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trả lời: Trước đây, người bị đột quỵ thường được trì hoãn hết đợt điều trị (khoảng 2-3 tuần) mới được tập PHCN. Nhưng theo phác đồ mới nhất thì bệnh nhân sau đột quỵ não được tập PHCN sớm, có thể là 48 giờ sau khi bị đột quỵ và khi tình trạng đã ổn định. Thậm chí, có những bệnh nhân sẽ tiến hành PHCN ngay khi đang điều trị ở phòng hồi sức cấp cứu. Điều này giúp người bệnh đạt được hiệu quả tối đa trong PHCN, giúp họ sớm bình phục.
Tuy nhiên, để làm được điều này phải có sự phối hợp giữa các bác sĩ PHCN và bác sĩ điều trị đột quỵ não để có chỉ định phù hợp. PHCN giúp phòng ngừa biến chứng do hậu quả của việc tổn thương thần kinh, bệnh nhân từ chỗ nằm liệt có thể vận động và đi lại được; giúp bệnh nhân không bị teo cơ, viêm phổi, loét.
Do đó, tùy từng tình trạng, bệnh nhân sẽ được trị liệu vận động bàn tay (giúp bệnh nhân có thể chăm sóc bản thân); tập nhận thức (trí nhớ, định hướng), ngôn ngữ trị liệu hoặc rối loạn nuốt...
Dù vậy, kết quả phục hồi của bệnh nhân sau đột quỵ não còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: Thời gian cấp cứu, tổn thương ở vị trí nào, vùng tổn thương lớn hay bé…
Tổ chức Đột quỵ thế giới đã đưa ra các dấu hiệu nhận biết đột quỵ, gồm: Ở mặt là méo miệng, miệng lệch, mắt lệch; tay (một bên yếu, khó cử động), lời nói (hơi khó, không nói được, không hiểu lời nói). Khi nhận thấy các dấu hiệu trên cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để bảo đảm "thời gian vàng", tốt nhất là trước 4-5 giờ sau khi xảy ra đột quỵ.