Bị giật mình, bé trai 2 tuổi nuốt chiếc chìa khóa 'khủng' vào thực quản
Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) vừa phẫu thuật lấy dị vật là chìa khóa kim loại kích thước 2x4cm trong thực quản bé trai 2 tuổi. Các bác sĩ cảnh báo số ca mắc dị vật ở trẻ tăng cao trong dịp hè, tình trạng này rất nguy hiểm, phụ huynh cần hết sức cẩn trọng.
Theo thông tin từ người nhà, chiếc chìa khóa vốn cắm trong ổ, bé lấy xuống chơi rồi ngậm vào miệng. Người nhà trông thấy hoảng hốt can ngăn khiến bé giật mình nuốt luôn chiếc chìa khóa.
Sau khi nỗ lực dùng tay lấy ra nhưng bất thành, bé nhanh chóng được mang đến bệnh viện. Qua kiểm tra phát hiện dị vật ở thực quản, bé đã được các bác sĩ khẩn trương lấy ra thành công.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị hóc dị vật trong thời gian qua. Dù đã được các bác sĩ cảnh báo rất nhiều nhưng số lượng trẻ hóc dị vật gần đây tại TP.HCM rất phổ biến. Vừa qua, bệnh viện cũng đã lấy dị vật đường thở cho bé trai 6 tuổi. Sau tiến hành nội soi, phát hiện mẩu hạt điều kích thước 1.5cm.
Theo chia sẻ từ người nhà, bé vô tình nuốt hạt điều khi đang ăn cùng người cậu. Mãi đến lúc sau khi nghe bé có tiếng thở bất thường, gia đình mới phát hiện và nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Liên quan đến vấn đề này, các bác sĩ bệnh viện chia sẻ, trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, thường hay bỏ những thứ chúng có trong tay vào miệng. Khi nuốt, những vật này trở thành dị vật đường tiêu hóa.
Dị vật đường tiêu hóa, nhất là dị vật thực quản, là một cấp cứu có tính phổ biến, là tai nạn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Tương tự, dị vật đường thở cũng là một tình huống cấp cứu thường gặp ở trẻ. Hậu quả của nó có thể đe dọa đến tính mạng do dị vật làm tắc nghẽn đường thở dẫn đến thiếu oxy.
BS.CK1 Đoàn Thị Thanh Hồng - Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo bố mẹ không nên cho các bé dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn như kẹo, đậu phộng, nho và các loại hạt,… Khi ăn cần ngồi thẳng và có sự quan sát của người lớn. Hướng dẫn các con nhai kỹ thức ăn, không la hét, cười giỡn hay chạy nhảy khi đang ăn.
Tai nạn từ di vật hoàn toàn có thể phòng tránh được cho trẻ. Trong trường hợp trẻ nuốt hay hóc dị vật, người nhà không sơ cứu được cần đem trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
P.Thương