BI giữ nguyên lãi suất - tín hiệu tích cực giảm lạm phát

Theo BI, với những tín hiệu tăng trưởng kinh tế tích cực và chỉ số tiêu dùng trong nước (CPI) ở mức thấp, việc giữ nguyên lãi suất là hợp lý. Trước đó, BI đã tăng lãi suất 6 lần để kiềm chế lạm phát.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Indonesia tại Jakarta. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Indonesia tại Jakarta. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) ngày 16/2 thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất 5,75% và khẳng định mức lãi suất hiện nay đủ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu, đồng thời điều chỉnh lại triển vọng tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tích cực, nhất là việc Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Indonesia thực hiện chính sách mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.

Theo BI, với những tín hiệu tăng trưởng kinh tế tích cực và chỉ số tiêu dùng trong nước (CPI) ở mức thấp, việc giữ nguyên lãi suất là hợp lý. Trước đó, BI đã tăng lãi suất 6 lần để kiềm chế lạm phát.

Với việc điều chỉnh lãi suất mới đây cho thấy sự khác biệt trong quản lý kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực trên cơ sở tốc độ lạm phát ở mỗi quốc gia, chẳng hạn Philippines tiếp tục triển khai các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tại Philippines, nơi lạm phát tháng Một đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm là 8,75%, Ngân hàng trung ương của nước này đã tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản lên 6,0% vào ngày 16/2 và chưa có dấu hiệu giảm đà tăng lãi suất. Ngược lại, lạm phát của Indonesia đạt đỉnh 5,95% trong tháng Chín sau khi chính phủ tăng giá nhiên liệu được trợ cấp và hạ nhiệt xuống 5,28% trong tháng Một.

Thống đốc BI Perry Warjiyo cho rằng: “Lạm phát cơ bản đang giảm nhanh hơn chúng tôi dự đoán… Vì vậy, chúng tôi cho rằng BI cần có sự điều chỉnh phù hợp”. BI đặt mục tiêu đưa lạm phát trở lại trong phạm vi mục tiêu từ 2% đến 4% trong nửa cuối năm nay và lạm phát cơ bản sẽ duy trì trong cùng một biên độ trong suốt cả năm.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng rủi ro vẫn còn do các yếu tố như chênh lệch lãi suất, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng tăng lãi suất hơn nữa, cũng như khả năng giá cả trong nước có thể bùng phát trở lại.

Nhận thấy rủi ro về việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa ở Mỹ, ông Warjiyo nhấn mạnh rằng BI sẽ sử dụng các công cụ khác để duy trì sự ổn định của đồng rupiah nhằm tránh lạm phát nhập khẩu, bao gồm cả kế hoạch của BI nhằm tung ra các công cụ tiền gửi có kỳ hạn để thu được tiền xuất khẩu. Từ ngày 1/3 tới, BI sẽ bắt đầu cung cấp các khoản tiền gửi ngoại hối kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng cho khách hàng với lợi nhuận hấp dẫn, nhằm thuyết phục các nhà xuất khẩu giữ tiền lâu hơn.

BI đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay lên mức cao nhất trong phạm vi 4,5% đến 5,3%, tương đương khoảng 5,1%, thay vì ở mức trung bình, sau khi dữ liệu trong tháng này cho thấy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á mở rộng với tốc độ nhanh nhất tốc độ trong chín năm ở mức 5,3% vào năm 2022. Giới chuyên gia có những quan điểm khác nhau đối với chính sách tiền tệ mới của Indonesia.

Theo Irman Faiz, nhà kinh tế tại Bank Danamon, “BI sẽ căn cứ vào sức khỏe của nền kinh tế vĩ mô, nguồn lực tài chính sẵn có và sẽ có những điều chỉnh phù hợp khi những rủi ro có nguy cơ hiện hữu”.

Trong khi đó, nhà phân tích Shivaan Tandon của Capital Economics cho biết với việc lạm phát giảm bớt, tăng trưởng chậm lại và lo ngại về việc đồng rupiah mất giá, BI "không có khả năng thắt chặt chính sách hơn nữa trong năm nay". Đồng rupiah, mặc dù đã giảm nhẹ tháng 2/2023, nhưng vẫn tăng khoảng 2,5% so với cuối năm 2022./.

Văn Phong (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bi-giu-nguyen-lai-suat-tin-hieu-tich-cuc-giam-lam-phat/281205.html