Bi hài 1001 chiêu trò trốn nợ

Túng quẫn, bí bách khi không còn khả năng trả nợ hoặc không muốn trả, nhiều đối tượng đã nghĩ ra đủ chiêu trò để trốn nợ. Những kịch bản dựng lên đa phần là bị cướp, bắt cóc hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo rồi đi trình báo Công an...

Những “diễn viên không chuyên”

Trưa ngày 5/4, những người đi đường khu vực ấp 4 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) bàng hoàng khi phát hiện người đàn ông chạy xe ôm công nghệ đau đớn ôm phần đùi đang có con dao cắm sâu vào, máu loang đỏ cả ống quần. Mọi người xúm vào hỏi thăm và hỗ trợ nạn nhân sơ cứu rồi đưa anh này tới bệnh viện. Lai lịch người đàn ông “bị nạn” được xác định là L.M.T (39 tuổi, quê Long An, hiện ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Anh T. sau đó đã tới Công an xã Phong Phú trình báo việc mình bị 2 người lạ mặt tấn công, dùng dao đâm vào đùi gây thương tích và chiếm đoạt tài sản.

Nhận tin báo, Công an xã Phong Phú đã báo cáo và phối hợp trinh sát Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bình Chánh tiến hành rà soát, điều tra. Quá trình truy xét, Cơ quan công an nhận định không có vụ cướp nào xảy ra như tin báo. Anh T. sau đó thừa nhận tự mua dao đâm vào đùi và báo tin cướp giả nhằm giấu vợ về việc lấy tiền đi trả nợ. Hiện, vết thương của anh T. đã ổn nhưng tai tiếng và nỗi ê chề sau vụ này có lẽ sẽ khó lành.

Anh L.M.T điều trị vết thương do tự tay đâm vào đùi.

Anh L.M.T điều trị vết thương do tự tay đâm vào đùi.

Cũng bí bách vì nợ nần, đầu tháng 4/2024, Trần Thị Hoa (ngụ xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đến Công an xã Bình Dương trình báo việc con gái 6 tuổi bị nhóm người, nghi là chồng cũ đến bắt cóc và yêu cầu nộp 15 triệu đồng tiền chuộc con, nếu không sẽ giết cả hai mẹ con. Trần Thị Hoa đã đi vay mượn 10 triệu đồng bỏ vào túi xách rồi đến tuyến bờ kè phía Bắc sông Trà Bồng bỏ túi xách lại theo hướng dẫn của nhóm người bắt cóc. Nhận thông tin từ Hoa, Công an xã Bình Dương khẩn trương vào cuộc.

Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, truy xét, trích xuất camera, tìm nhân chứng... nhưng Cơ quan công an không phát hiện dấu hiệu khả nghi. Làm việc với Trần Thị Hoa thì cô này khai nhận việc báo tin bắt cóc, tống tiền là giả. Trần Thị Hoa lý giải sở dĩ dựng chuyện bắt cóc là do nợ tiền của nhiều người, không có khả năng trả và gần đây nhất, Hoa có lấy tiền của người bạn cùng công ty. Sợ gia đình phát hiện, cô ta dựng chuyện mình bị tống tiền để có cớ mượn tiền người thân trong gia đình trả nợ.

Tiếp đến là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thuyết (ngụ xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cũng đến Công an xã Nghĩa Thương trình báo bị kẻ lạ đến nhà dùng bình xịt thuốc mê vào mặt và điều khiển bà Thuyết đưa hết tài sản là tiền, vàng, điện thoại cho đối tượng. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an xã Nghĩa Thương lập tức báo cáo tình hình với lãnh đạo Công an huyện Tư Nghĩa khẩn trương chỉ đạo các đội nghiệp vụ cử trinh sát, cán bộ điều tra xuống hiện trường phối hợp điều tra, thu thập dấu vết, lấy lời khai của bị hại và những người biết vụ việc. Tại cơ quan điều tra, bà Thuyết cho biết, thời điểm trên bà bị tấn công bất ngờ nên không rõ hình dáng, các đối tượng đi phương tiện gì.

Người phụ nữ hoang báo bị cướp để trốn nợ.

Người phụ nữ hoang báo bị cướp để trốn nợ.

Đối chiếu với hiện trường bị lục lấy tài sản, các điều tra viên và trinh sát dày dạn kinh nghiệm với cặp mắt nhà nghề đã phát hiện "có vấn đề”. Thêm vào đó là nguồn tin thu thập được từ người dân khu vực cũng như camera an ninh thì trong khoảng thời gian trên, khu vực này không ghi nhận có vụ cướp nào. Tổng hợp những bằng chứng, các điều tra viên đã chất vấn, đấu tranh với bà Thuyết. Biết không thể qua mặt cơ quan điều tra, cuối cùng, bà Thuyết khai nhận không có vụ cướp như tin báo, do nợ nần nên báo tin giả mất tiền để che giấu nợ của mình và cũng mong muốn các chủ nợ... thông cảm không truy cùng đuổi tận.

Màn kịch vụng về

Một “diễn viên” khác cũng xây dựng cho mình kịch bản trốn nợ rất nghiệp dư là H.Q.K (ngụ Châu Thành, Kiên Giang). Vào cuối tháng 3/2024, H.Q.K tới Công an xã Mong Thọ B (huyện Châu Thành) trình báo việc mình bị 4 thanh niên lạ mặt đi trên 2 xe máy (không biển số) chặn đường cướp một điện thoại iPhone 13, một sợi dây chuyền; một nhẫn vàng 18k có trọng lượng 6,5 chỉ và 8 triệu đồng tại khu vực cầu vượt (tuyến tránh TP Rạch Giá, thuộc ấp Phước Hòa, xã Mong Thọ B). Qua xác minh, Cảnh sát hình sự Công an huyện Châu Thành và Công an xã Mong Thọ B xác định có dấu hiệu bất thường giữa lời khai của H.Q.K và hiện trường xảy ra vụ việc.

H.Q.K dựng kịch bản mình bị cướp tài sản.

H.Q.K dựng kịch bản mình bị cướp tài sản.

Biết không thể qua mặt được Cơ quan công an, H.Q.K thừa nhận do thiếu nợ ngân hàng số tiền trên 200 triệu đồng nhưng không có khả năng chi trả đã nảy sinh ý định giả bị cướp tài sản để gia đình thương mà cho tiền trả nợ. Để tạo lòng tin là mình bị cướp thật, K. tự gây thương tích nhẹ trên người rồi về báo với cha mẹ ruột và trình báo với Cơ quan công an do cướp gây ra.

Ngoài chiêu trò giả bị cướp, bị trộm, nhiều con nợ còn dựng câu chuyện đẫm nước mắt về bản thân và gia đình mình để lấy tình thương, lòng trắc ẩn hòng “hô biến” khoản nợ.

Kể với phóng viên, bà Trương Thị T. (50 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, vào cuối năm 2023, bà có cho người bạn là Nguyễn Minh H. (52 tuổi, ngụ Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) mượn số tiền 80 triệu đồng để trả tiền lãi ngân hàng. Bà H. hứa một tháng sau sẽ hoàn trả cả gốc và lãi. Tuy nhiên, qua năm 2024 bà H. vẫn chưa trả, lần nào cũng lấy lý do gia đình có việc buồn, chồng đi làm bị chủ lừa... Sau nhiều lần bị bà H. thất hứa, bà T. quyết truy tới cùng để đòi khoản nợ. Lúc này, bà H. mới dựng ra câu chuyện chồng của bà bị đột quỵ, đang cấp cứu ở Bệnh viện 115, lúc tỉnh lúc mê. Bà H. gửi hình ảnh chồng cùng bệnh án để chứng minh cho chủ nợ. Chưa hết, bà H. còn khóc than đứa con gái của bà bị chứng tâm thần tái phát cũng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Bà H. nói rằng, bây giờ bà bất lực, tuyệt vọng, không còn khả năng trả nợ nữa. Nếu bà T. vẫn quyết đòi thì bà sẽ tự tử.

Bà T. sợ quá, nghĩ hoàn cảnh của bà H. bi đát thế kia mà đi đòi nợ thì khác nào dồn con người ta tới chân tường, hơn nữa họ lại là bạn bè của nhau. Bà T. nhắn tin cho vài người bạn trong nhóm kể về hoàn cảnh của bà H. và sắp xếp để vào bệnh viện thăm chồng con bà H. Lúc này, bà T. mới ngã ngửa, chồng bà H. vẫn đi lái xe đều đặn, có bệnh tật gì đâu. Con gái cũng vậy, bé vẫn đi học bình thường. Không tin vào điều đó, bà T. đã tới tận bệnh viện để tìm hiểu mới ngỡ ngàng vì cú lừa của bà H.

Bà T. nổi giận đùng đùng, tìm tới nhà bà H. để làm cho ra nhẽ. Lúc này, bà H. khóc lóc xin tha thứ, vì quá túng quẫn, không còn khả năng trả nợ nên mới dựng chuyện bi đát về chồng con như vậy để bà T. không đòi khoản tiền kia nữa. Bà H. khai, toàn bộ bệnh án và hình ảnh chồng con nằm viện là bà nhờ tiệm photo in ra rồi dán vào, ghép tên chồng con lên đó.

“Túng quẫn làm liều đã đành, nhưng tôi chưa bao giờ thấy trường hợp nào lại mang chồng con của mình ra làm công cụ để lừa, đánh vào lòng trắc ẩn của người khác như bà H.”, bà T. bức xúc kể.

Trả giá đắt vì trò bịa đặt

Hầu hết các vụ việc dựng chuyện, bịa đặt ra vụ việc để trốn nợ đều không thể trốn được nợ mà còn bị mang tiếng với gia đình, chòm xóm, chưa kể rơi vào vòng lao lý vì hành vi phạm pháp. Hẳn dư luận vẫn chưa hết bất ngờ sau vụ việc người phụ nữ Trần Thị Tuyến ở Sóc Trăng tự mua quan tài, làm đám tang giả chết để trốn nợ. Tuy nhiên, do nghi thi thể của bà Tuyến được chở về từ vùng dịch (giáp biên giới Campuchia) nên Công an huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra quan tài. Khi mở nắp quan tài, các cơ quan chức năng phát hiện bên trong không có thi thể của bà Tuyến mà chỉ có nhiều nhánh hoa huệ và 3 bao cát. Sau khi bị phát hiện, bà Tuyến khai nhận tự mình giả chết, tổ chức đám tang để không phải trả tiền cho các bị hại mà bà này đã nhiều lần gian dối, chiếm đoạt số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.

Bà Tuyến đã bị Cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam. Năm 2023, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Thị Tuyến (55 tuổi, ngụ tại thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) mức án 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bà H. ghép ảnh chồng hôn mê nằm viện để lừa chủ nợ không đòi tiền.

Bà H. ghép ảnh chồng hôn mê nằm viện để lừa chủ nợ không đòi tiền.

Trước nhiều vụ việc hoang báo, dựng hiện trường giả các vụ cướp, trộm để trốn nợ xảy ra thường xuyên trong thời gian gần đây, Công an TP Hồ Chí Minh và công an các địa phương cảnh báo, việc báo án giả là vi phạm pháp luật, gây hoang mang trong nhân dân, tạo dư luận không tốt về tình hình an ninh, trật tự ở địa phương. Đề nghị người dân không vì vui miệng hoặc vì mục đích cá nhân khác mà tung tin giả để rồi hậu quả pháp lý phải gánh chịu rất nặng nề.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), người nào cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu theo luật định. Nếu đối tượng báo tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi hành vi báo tin giả, sai sự thật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây còn là hành động làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của cơ quan chức năng cũng như người thi hành công vụ.

Ngọc Thiện

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/bi-hai-1001-chieu-tro-tron-no-i728197/