Bị hại duy nhất lên tiếng trong phiên xét xử Trịnh Văn Quyết

Bị hại duy nhất lên tiếng trọng phiên tòa xét xử Trịnh Văn Quyết đề nghị HĐXX trả lại quyền lợi công bằng cho nhà đầu tư và mong muốn nhận lại tiền.

Chiều 23/7, trong phiên tòa xử vụ án Trịnh Văn Quyết - FLC, khi HĐXX mời các bị hại lên trình bày thì chỉ duy nhất một người nêu ý kiến. Đây là bị hại "hiếm có" khi có mặt và đưa ra ý kiến trong phiên xét xử mà trước đó Tòa án đã triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros trong phiên chào sàn tới phiên tòa với tư cách bị hại. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS cũng được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bị hại Lê Ngọc Nông tại phiên tòa.

Bị hại Lê Ngọc Nông tại phiên tòa.

Đó là ông Lê Ngọc Nông (SN 1978, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ông Nông trình bày, bản thân vừa là bị hại, vừa là người liên quan. Ông mua mã cổ phiếu ROS trong giai đoạn 2017-2022. Số cổ phiếu ông Nông còn nắm giữ hiện nay là hơn 667.000 cổ phiếu.

Ông Nông đề nghị HĐXX trả lại quyền lợi công bằng cho nhà đầu tư và mong muốn nhận lại tiền bỏ ra, được lấy lại cả vật chất lẫn cả tinh thần.

Trước đó, chia sẻ bên lề ngoài phòng xét xử với báo chí, ông Nông cho biết, số tiền này do ông đi làm tích góp gần 30 năm và vay mượn ngân hàng, người thân, bạn bè.

Khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, giao dịch bị đình chỉ, ông Nông rơi vào cảnh sạt nghiệp tay trắng. Mỗi ngày, ông Nông đang cố cầm cự để trả lãi ngân hàng. Thậm chí, ông Nông còn phải bán nhà, tài sản để trả nợ.

“Tôi đã rơi vào hoàn cảnh khốn cùng khi cạn sạch tiền. Để có thể ra Hà Nội dự tòa, tôi phải vay mượn tiền, không dám đi máy bay nên chọn đi tàu cho rẻ. Ra Hà Nội còn chi phí ăn uống, thuê trọ. Khổ cực lắm. Giờ tôi chỉ mong tòa xử đúng người, đúng tội, giành lại được quyền lợi, tiền bạc cho các nhà đầu tư”, ông Nông chia sẻ.

Ngoài ra, HĐXX đã triệu tập chủ của 500 tài khoản chứng khoán mà bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Trịnh Văn Quyết) đã mượn giấy tờ để mở các tài khoản. Tại phiên tòa, những người này không có ý kiến gì.

Đại diện Tập đoàn FLC cho biết, FLC không có quan hệ trực tiếp với Công ty Faros và Công ty chứng khoán BOS. Đến phiên tòa, đại diện công ty mới được nghe cáo trạng. Tập đoàn cũng không nhận khoản tiền nào từ các bị cáo phạm tội mà có.

Đối với các tài sản bị thu giữ, đại diện Công ty FLC đề nghị HĐXX xem xét các giao dịch ngay tình đảm bảo quyền và lợi ích của FLC.

Còn đại diện Công ty Faros khẳng định cổ phiếu ROS của công ty dù bị đình chỉ giao dịch vẫn có giá trị lưu hành vì những người nắm giữ đã bỏ tiền thật ra mua. Chỉ là không được bán trên sàn.

Đại diện Ngân hàng Phương Đông cho biết, ngân hàng nhận thế chấp căn biệt thự ở Khu đô thị Mỹ Đình đứng tên vợ chồng Trịnh Văn Quyết và đề nghị Tòa án khi giải quyết vụ án thì ưu tiên quyền thu hồi nợ của ngân hàng.

Theo hồ sơ vụ án, CQĐT đã kê biên tài sản diện tích 799m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, TP Hà Nội; 199m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2; 199m2 nhà đất ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội của bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị kê biên 4 nhà đất ở quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (em gái Trịnh Văn Quyết) bị kê biên 2 diện tích nhà đất ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

CQĐT có văn bản đề nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phong tỏa đối với 500 tài khoản chứng khoán mà bị cáo Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp quản lý, sử dụng với số tiền dư trong tài khoản là hơn 7,6 tỉ đồng; số dư chứng khoán 243.107.532 cổ phiếu.

CQĐT Bộ Công an có công văn gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước rà soát ngăn chặn giao dịch (khóa chiều ghi nợ) đối với tài khoản đứng tên các cá nhân gồm Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Hương Trần Kiều Dung và 45 cá nhân cho Huế mượn tài khoản chứng khoán/ tài khoản ngân hàng.

CQĐT cũng có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp…) với tài sản (bất động sản, cổ phần/ vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Lê Thị Ngọc Diệp.

Trong đó, Trịnh Văn Quyết có 215.436.257 cổ phiếu FLC; 218.340.338 cổ phần tại Công ty CP Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; 7.614.000 cổ phiếu GAB tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC; 1.045.325.000 cổ phần tại Công ty CP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding…

Tại phiên tòa chiều 23/7, bà Lê Ngọc Diệp (vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết) đồng ý dùng các tài sản để khắc phục hậu quả vụ án cho chồng.

Thiên Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bi-hai-duy-nhat-len-tieng-trong-phien-xet-xu-trinh-van-quyet-2013768.html