Bi hài phim Trung Quốc sản xuất với kinh phí nghèo nàn
Nhiều bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc sản xuất với kinh phí eo hẹp, xảy ra muôn chuyện bi hài.
Là nước sở hữu nền công nghiệp phim ảnh phát triển bậc nhất châu Á, Trung Quốc cho ra mắt hàng trăm bộ phim điện ảnh, truyền hình mỗi năm. Phim ảnh Hoa ngữ gây ấn tượng với người xem bằng dàn diễn viên bắt mắt, bối cảnh, phục trang được đầu tư kỹ lưỡng. Để có những bộ phim thành công như Như Ý truyện, Võ Mị Nương truyền kỳ, các NSX ở đất nước tỷ dân không ngại bỏ ra số tiền vài trăm triệu NDT để đầu tư.
Tuy nhiên, không phải bộ phim nào có kinh phí đầu tư lớn cũng sẽ thành công. Trong quá khứ, đã có những bộ phim Hoa ngữ trở thành hiện tượng màn ảnh chỉ với dàn diễn viên vô danh, kinh phí eo hẹp. Tây du ký, Võ lâm ngoại truyện, Thái tử phi thăng chức ký... chính là ví dụ điển hình cho trường hợp này.
Tây du ký 1986
Bộ phim truyền hình Tây du ký được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân từ lâu đã trở thành tuổi thơ, một phần ký ức của khán giả Trung Quốc và Việt Nam. Được đạo diễn Dương Khiết ấp ủ từ năm 1982, tới năm 1986, sau 4 năm quay phim ròng rã, Tây du ký ra mắt khán giả và đạt tỷ suất người xem kỷ lục 89,4%. Trong suốt quá trình sản xuất, ê-kíp sản xuất cùng diễn viên trong đoàn đã gặp nhiều khó khăn vì kinh phí làm phim không nhiều.
Trang Sohu cho biết, kỹ xảo của Tây du ký 1986 rất kém vì tài chính thiếu thốn, quay vội vàng. Đạo diễn Dương Khiết cũng từng thổ lộ rằng, ê-kíp sản xuất cảm thấy rất xấu hổ về những cảnh kỹ xảo vụng về. Do kinh phí eo hẹp, những dự định của đoàn phim thường phải bỏ dở hoặc chuyển sang hướng giải quyết khác. Chẳng hạn như đoàn phim từng có kế hoạch mua phần mềm kỹ xảo của Mỹ để thực hiện các cảnh Tôn Ngộ Không cưỡi cân đẩu vân, nhưng do không có tiền nên ý định này đã không thành hiện thực.
Đạo cụ trong phim cũng vô cùng sơ sài. Những tòa tháp xuất hiện trong phim chỉ là những mô hình có kích thước nhỏ gọn. Việc tạo hiệu ứng sương khói trong phim cũng đơn giản tới bất ngờ. Các nhân viên hậu trường chỉ cần rắc bột trắng, bột màu để tạo hiệu ứng.
Đoàn phim cũng để các diễn viên trong phim đóng nhiều vai khác nhau để tiết kiệm chi phí cát-xê. Bản thân Lục Tiểu Linh Đồng cũng đảm nhận 17 vai diễn khác nhau như đạo sĩ, yêu tinh... Riêng nam diễn viên Lý Kiến Thành đóng tới 20 vai khác nhau, chủ yếu là các vai phản diện.
Đóng nhiều vai là vậy nhưng tiền cát-xê của diễn viên vô cùng ít ỏi. Một số người còn bỏ cả vai diễn vì cát-xê không đủ để họ trang trải cuộc sống. Thiếu thốn đủ bề nhưng đoàn phim Tây du ký vẫn làm việc hết mình để cho ra đời tác phẩm kinh điển, sống mãi trong lòng khán giả.
Thái tử phi thăng chức ký
Năm 2016, Thái tử phi thăng chức ký trở thành hiện tượng phim chiếu mạng ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Với nội dung hài hước, thú vị, bộ phim nhanh chóng đạt 200 triệu lượt xem khi vừa mới ra mắt. Không có ngôi sao nổi tiếng, dàn diễn viên toàn những gương mặt vô danh, kinh phí làm phim ít ỏi đã tạo nên một Thái tử phi thăng chức ký vô cùng khác biệt.
Đạo diễn Lữ Hạo Cát Cát đã chia sẻ rất nhiều về những khó khăn, vất vả khi quay phim với số tiền ít ỏi. Trang phục trong phim từng bị chê cười vì kém thẩm mỹ và phá cách. Ít ai biết rằng, những bộ cánh lòe loẹt đó đã tiêu tốn của đoàn phim tới 100.000 NDT (khoảng 340 triệu đồng). Trang phục cũng được chính đạo diễn lựa chọn trên trang mạng Taobao của Trung Quốc.
Dàn diễn viên chính của phim như Trương Thiên Ái, Thịnh Nhất Luân, Vu Mông Lung... đều là những gương mặt mới nên tiền cát-xê rất thấp. Nam chính Thịnh Nhất Luân còn phải tự bỏ tiền túi 10.000 NDT (khoảng 34 triệu đồng) để thu âm nhạc phim. Ban đầu, đạo diễn muốn nam diễn viên Vu Mông Lung hát nhạc phim nhưng ý định này đã phải bỏ dở vì đoàn phim không đủ tiền.
Phim chỉ khởi quay vỏn vẹn 70 ngày và gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đạo cụ. Đạo diễn Lữ Hạo Cát Cát còn phải tự mình điều khiển một chiếc quạt gió bị rò điện.
Những cảnh quay cần đầu tư như cảnh đại lễ lên ngôi của hoàng thượng, lễ sắc phong hoàng hậu xuất hiện trong tiểu thuyết gốc cũng bị lược bỏ khi lên phim. Thời lượng phim cũng bị cắt ngắn hơn bình thường, có những tập chỉ có 19 phút thay vì 45 phút như các bộ phim khác.
Tại sao Boss muốn cưới tôi
Giống như Thái tử phi thăng chức ký, Tại sao Boss muốn cưới tôi cũng là một bộ phim chiếu mạng có kinh phí thấp, dàn diễn viên vô danh. Bộ phim trở thành hiện tượng hồi đầu năm 2019 nhờ sự ăn ý trong diễn xuất của hai diễn viên chính là Từ Khai Sính và Vương Song.
Trong suốt thời gian lên sóng, phim nhiều lần giành vị trí top 1 trong BXH những phim chiếu mạng có lượt xem cao nhất, theo Vlinkage. Phim cũng được Netflix mua bản quyền phát sóng, phần 2 của phim cũng được khởi quay trong năm nay.
Theo trang Sohu, Tại sao Boss muốn cưới tôi có kinh phí sản xuất nghèo nàn. Vào thời điểm phim phát sóng, ê-kíp sản xuất vẫn còn nợ tiền cát-xê của nữ diễn viên Vương Song. Trang QQ cho hay, chiếc Maserati của nhân vật nam chính là thứ tiêu tốn nhiều tiền nhất. Vì không có tiền làm hậu kỳ nên mỗi tuần, bộ phim chỉ có thể lên sóng 2 tập.
Đoàn phim cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu quảng cáo cho bộ phim. Một nhân viên trong ê-kíp từng tiết lộ rằng, họ nghèo tới mức không có tiền mua thông cáo cho bộ phim, phải tới thương lượng với các công ty truyền thông để bộ phim được quảng bá trong vòng 1 tuần.
Võ lâm ngoại truyện
Đối với khán giả Việt Nam, Võ lâm ngoại truyện là cái tên khá xa lạ. Nhưng ở Trung Quốc, bộ phim lại được xếp vào hàng kinh điển, bên cạnh Tây du ký.
Dàn diễn viên của phim như Diêm Ni, Diêu Thần, Sa Dật... một bước trở thành ngôi sao lớn ở Trung Quốc. Lấy bối cảnh giả tưởng ở thời cổ đại, phim xoay quanh những câu chuyện hài hướcvề bà chủ quán trọ Đồng Tương Ngọc (Diêm Ni) và những người bạn của mình.
Vào thời điểm phim ra mắt, nhiều khán giả đã phát hiện ra sự nghèo nàn của đoàn phim Võ lâm ngoại truyện. Trang Aboluowang cho hay, phim chỉ nhận được vốn đầu tư gần 20 triệu NDT cho 80 tập phim. Khách điếm của bà chủ Đồng Tương Ngọc được dựng vô cùng sơ sài và nhỏ bé vì ê-kíp không có tiền để hoàn thiện bối cảnh. Trang phục trong phim cũng chỉ có vài bộ, thi thoảng, các nhân vật sẽ mặc lại đồ của nhau để thay đổi.
Bên cạnh những tình huống hài hước, gây cười, cảnh ăn uống trong Võ lâm ngoại truyện cũng được người xem đánh giá cao về độ chân thực. Nhưng ít ai biết rằng, những món ăn ngon mắt đó lại là đồ ăn do mọi người trong đoàn phim và diễn viên mang tới.
Đến cả đạo diễn Thượng Kính của phim cũng phải tham gia đóng vai quần chúng để tiết kiệm chi phí. Song, công sức của đoàn phim cũng được đền đáp khi Võ lâm ngoại truyện có tỷ suất người xem cao nhất năm 2006. Năm 2011, ê-kíp sản xuất tiếp tục cho ra mắt phiên bản điện ảnh và đạt doanh thu gần 200 triệu NDT.