Ghi nhận trong sáng 4/2 (mùng 8 tháng Giêng), hàng nghìn người dân và du khách đổ về thôn Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), tham gia lễ hội Đúc Bụt được tổ chức thường niên tại miếu Bà thờ công chúa Ngọc Kinh.
Đây là một hoạt động văn hóa dân gian nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa, một nữ tướng tài ba dưới trướng Hai Bà Trưng diệt giặc Tô Định những năm 40 sau Công nguyên.
Ba thanh niên có vinh dự được chọn làm "Bụt" tại lễ hội năm nay là Đặng Nam Dương (ở giữa, sinh năm 2010), Nguyễn Hoàng Hải (sinh năm 2006) và Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 2006). Những người được chọn đều đáp ứng được tiêu chuẩn là gia đình văn hóa, chưa vợ, khỏe mạnh, được lựa chọn từ hàng trăm thanh niên trai tráng trong làng sẽ đóng vai “Bụt”.
Nghi lễ tế với sự góp mặt của các bậc trưởng lão và 3 bụt được tổ chức từ trưa trong hơn một giờ, sau đó tích trò “Đúc Bụt” được bắt đầu.
3 “Bụt” sẽ được dân làng và người thân hộ tống đi tắm ở giếng nước thiêng đầu thôn sau khi làm lễ tế trong đền Đức Bà.
Các ông "Bụt" được hộ tống trong vòng bảo vệ của trai làng và lực lượng chức năng để tránh tình trạng lộn xộn hay người dân "sờ bụt lấy may".
Người làng cùng chung tay dội nước giếng tắm cho 3 "Bụt", tượng trưng việc tẩy rửa sạch sẽ trước khi người trần hóa thành Bụt.
Ngay sau đó, ba thanh niên tiếp tục lấy bùn trát kín toàn thân. Bể bùn cách giếng nước gần 200 m, lượng bùn được thanh lọc từ các thửa ruộng bên cạnh sao cho sạch sẽ nhất để đắp lên người và lên mặt các Bụt.
Nhiều người chen lấn quanh khu vực giếng và bể bùn để quan sát quá trình thực hiện nghi lễ.
Ba ông “Bụt” vào đình sẽ hành lễ và được trùm chiếu lên người. Các ông "Bụt" được quấn trong chiếu cói, riêng "Bụt" giữa cắm thêm bó mạ non trên chóp chiếu nhằm thể hiện ước mong về một năm mưa thuận, gió hòa, khát khao sinh sôi, nảy nở. Kính cáo Thành hoàng làng xong, chiếu sẽ được nhấc ra rồi chia cho dân làng.
Những năm gần đây, để tránh tình trạng giằng co, xô đẩy phản cảm, ban tổ chức sẽ không tung chiếu ra sân để người dân xé, mà tách từng chiếu trong khu vực đền chính rồi phát ra ngoài.
Khu vực sân đình chật kín người chờ xin lộc, đa phần là thanh niên trai tráng.
Cảnh tượng hỗn loạn khi hàng trăm thanh niên lao vào hỗn chiến, giành giật manh chiếu.
Những manh chiếu nhỏ liên tục được ném ra sân càng làm không khí thêm náo nhiệt, đám đông giằng giật chiếu trong khoảng 20-30 phút.
Cuộc hỗn chiến lên đến đỉnh điểm khi anh Lăng Đức Bình (38 tuổi, Vĩnh Phúc) bị một thanh niên kéo lê đến gần chục mét khi cố gắng giằng co lấy mảnh chiếu thiêng.
"Tôi đã quen với cảnh giằng giật, xô xát để lấy manh chiếu tại lễ hội nhiều năm qua nên cũng không quá đau hay bức xúc. Năm nay tới lễ hội Đúc Bụt, tôi quyết phải giật được manh chiếu và đã làm được, hy vọng năm nay gia đình sẽ có thêm một bé trai", anh Bình cho biết.
Nhiều người vui mừng khi xin được manh chiếu thiêng vì theo phong tục, đây là biểu tượng của chiến thắng và sự may mắn đầu năm.
"Đây là năm đầu tiên tôi tham gia lễ hội Đúc Bụt nên cảm thấy rất phấn khích khi giật được manh chiếu cói. Hy vọng gia đình năm nay sẽ đón thành viên mới", chị Trà (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) nói.
Việt Hà