Ngăn chặn hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi

Vĩnh Phúc hiện có hơn 390 lễ hội, chủ yếu thuộc các loại hình lễ hội truyền thống, văn hóa, ngành nghề; phần lớn các lễ hội được tổ chức vào mùa xuân hàng năm.

Lễ hội Đúc Bụt “cướp chiếu” cầu may ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Lễ hội Đúc Bụt “cướp chiếu” cầu may ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Tiêu biểu là: Lễ hội Kéo Song, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên; Lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo; Lễ hội Chọi trâu, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô; Lễ hội đền Bắc Cung, huyện Yên Lạc... Khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo cũng là một trong những điểm đến thu hút lượng lớn người dân và du khách thập phương trong dịp lễ hội đầu xuân. Dự báo năm 2025, khu danh thắng sẽ đón hơn một triệu lượt khách về hành hương, du xuân.

Trong thời gian qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những bước tiến bộ nhất định, dần đi vào nề nếp. Các lễ hội diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi, trò diễn dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần ổn định, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Vĩnh Phúc vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội của các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự thường xuyên, liên tục, có những thời điểm chưa kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện thương mại hóa cũng như các hiện tượng biến tướng trong hoạt động lễ hội tại các cơ sở tín ngưỡng, di tích. Ý thức chấp hành nội quy, quy chế tại di tích, lễ hội, gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, vệ sinh môi trường của một số người dân tham gia lễ hội chưa cao. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống ở một vài nơi còn chưa đồng bộ. Hiện tượng khấn thuê, đốt nhiều vàng mã vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế, khó khăn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Công văn 789/UBND-VX3 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố... của tỉnh tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tập trung chỉ đạo, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương hình thức, lãng phí.

Các cơ quan, đơn vị, quán triệt sâu sắc trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, tổ chức, đoàn thể các cấp về trách nhiệm đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; nghiêm túc thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” theo Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3/8/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội gắn với làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn di tích, danh lam thắng cảnh và đảm bảo an ninh - trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các lễ hội.

Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội: kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những sai phạm; đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, biến tướng, làm sai lệch lễ hội truyền thống; gắn trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể với người phụ trách trong việc chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp, chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân an toàn, tiết kiệm, văn minh; có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ, giữ gìn di tích, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các lễ hội...

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/ngan-chan-hanh-vi-loi-dung-le-hoi-de-truc-loi-20250205200156417.htm