Bị kẹt cả nghìn tỷ đồng vì phải kê khai thuế 2 lần

Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 đã thu hút hơn 530 doanh nghiệp khu vực phía Bắc. Có doanh nghiệp cho biết bị mắc cả nghìn tỷ đồng vì phải kê khai 2 lần thuế

Sáng 10-12 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024.

Hơn 191 nghìn tỷ đồng cho các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, trong 3 năm 2021-2023 và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Quy mô hỗ trợ của các giải pháp này là khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng. Các giải pháp hỗ trợ được ban hành kịp thời, nhanh chóng tới đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm tối đa thủ tục hành chính.

 Toàn cảnh hội nghị hội nghị thuế và hải quan sáng nay. Ảnh: MINH TRÚC

Toàn cảnh hội nghị hội nghị thuế và hải quan sáng nay. Ảnh: MINH TRÚC

Cùng với đó, cơ quan chức năng liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tính đến ngày 15-11-2024, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. Số doanh nghiệp đang kinh doanh sử dụng khai thuế qua mạng đạt 99,93%.

Tổng số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt tỷ lệ 98,57%. Tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử đạt 97%...

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện, hiện đại hóa, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, là lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân.

Một doanh nghiệp bị kẹt cả nghìn tỷ đồng vì phải kê khai thuế 2 lần

Trong phần đối thoại với doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Bông Thái Bình nêu, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu bông rơi để sản xuất sợi OE nhưng vướng mắc không thực hiện được. Kết quả là doanh nghiệp không có nguyên liệu, có nguy cơ phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Trả lời, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, bông rơi có hai loại là bông rơi chải thô và bông rơi chải kỹ. Về bông rơi chải kỹ, đây không phải là phế liệu, doanh nghiệp được nhập khẩu để sản xuất sợi OE.

Tuy nhiên, với bông rơi chải thô, phân tích giám định sản phẩm này có tạp chất rất cao, lên đến 40%. Vì vậy, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp về vấn đề này.

Tháng 11-2024, trên cơ sở ý kiến của các bộ trên, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ có phương án xử lý. Thời gian tới khi có phương án xử lý, Tổng cục Hải quan sẽ hướng dẫn doanh nghiệp.

Đặc biệt, một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc chia sẻ câu chuyện về hoàn thuế thuế giá trị gia tăng. Theo đó, đại diện doanh nghiệp cho biết cả nghìn tỷ đồng hoàn thuế bị "kẹt" hơn năm nay vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết, do công ty phải kê khai 2 lần thuế giá trị gia tăng. Do công ty đang có hợp đồng gia công với doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh nên doanh nghiệp lo việc "một chốn đôi nơi" sẽ khiến cho sự đồng bộ trong hoàn thuế không đạt được.

Trả lời vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết đã có công văn hướng dẫn doanh nghiệp về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đã nộp thừa. Theo đó, số thu của cấp ngân sách nào hưởng thì sẽ do chính cấp đó hoàn trả.

Còn PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế & Hải quan Học viện Tài chính cho biết, năm vừa qua, ngành thuế Hà Nội đã có những thành công trong việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử cá nhân.

Ông Lê Xuân Trường chia sẻ việc chuyển đổi số trong các công tác thuế. Ảnh: MINH TRÚC

Ứng dụng hóa đơn điện tử và cảnh báo rủi ro của hóa đơn điện tử giúp phát hiện rất kịp thời các trường hợp nghi vấn. Ví dụ, doanh nghiệp nào có dấu hiệu bất thường sẽ nhanh chóng được cơ quan thuế phát hiện ra.

Cụ thể, một doanh nghiệp A nào đó dù mới thành lập với số vốn rất nhỏ nhưng sau một thời gian rất ngắn lại “lớn nhanh hơn Thánh Gióng”, trong vài ngày xuất đến mấy chục tỉ đồng tiền hóa đơn, lập tức sẽ bị cảnh báo ngay. Nếu như đây không phải là kiểm soát bằng phần mềm hóa đơn điện tử thì trước đây sẽ không thể phát hiện được như vậy.

Công tác quản lý nợ trên phần mềm thuế điện tử cũng được Cục thuế Hà Nội quản lý rất tốt, kịp thời xử lý nghiêm minh, đảm bảo thu thuế cho Nhà nước, không bị nợ đọng, dây dưa.

Thủ tục thuế điện tử giảm tiếp xúc giữa cán bộ và người dân, chính vì vậy, khả năng để nhũng nhiễu cũng giảm đi rất nhiều. Trước đây có thể nhũng nhiễu vì thông tin liên quan đến quy trình, thủ tục chưa rõ ràng còn bây giờ thủ tục điện tử đã rõ ràng, minh bạch nếu đầy đủ giấy tờ thì hệ thống xử lý cho đi, còn không thì trả lại để hoàn thiện tiếp, khả năng nhũng nhiễu không còn.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-ket-ca-nghin-ty-dong-vi-phai-ke-khai-thue-2-lan-post824139.html