Bi kịch của một lính biệt kích Afghanistan

Khi những chiếc máy bay và những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan ngày 30/8/2021, Abdul Wasi, biệt kích quân thuộc một đơn vị đặc biệt lúc ấy đang chiến đấu với Taliban ở tỉnh Kunar, phía Bắc Afghanistan vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chỉ đến khi Taliban thông báo truy nã những người đã cộng tác với quân đội Mỹ thì anh mới biết Kabul sụp đổ. Và một cuộc đào thoát bắt đầu, kéo dài hơn 1 năm qua 2 lục địa nhưng lúc đặt chân đến Mỹ, Wasi lại bị bắt vào tù…

Một năm chạy trốn

Xế chiều ngày 3/9/2021, lúc nghe tin chính quyền Tổng thống Ghani sụp đổ và nhất là lúc hệ thống truyền tin không còn liên lạc được với Bộ chỉ huy Lực lượng đặc biệt Mỹ ở Kabul, 12 biệt kích trong đó có Abdul Wasi rút về một nhà an toàn, gọi là “trại Mazar-al-Sharif” do người Mỹ thiết lập ở tỉnh Kunar, giáp với Pakistan. Tại nơi này, sĩ quan chỉ huy nhóm biệt kích cho biết tất cả chỉ có 3 lựa chọn. Một là ở lại Afghanistan và tiếp tục chiến đấu chống Taliban trong hàng ngũ của Ahmad Massoud, con trai tướng Ahmad Shah Massoud, Tư lệnh Liên minh phương Bắc ở thung lũng Panjshir, hai là chạy trốn và ba là đầu hàng!

Wasi (giữa) tại căn cứ biệt kích Marmol.

Wasi (giữa) tại căn cứ biệt kích Marmol.

Sau một đêm suy nghĩ, Wasi quyết định quay về Kabul với hy vọng sẽ gặp được người phụ trách một nhà an toàn ở thủ đô vì anh không tin Kabul thất thủ nhanh như vậy. Anh kể: “Bằng cách sử dụng giấy tờ tùy thân của một nông dân tỉnh Kunar đã chết, có khuôn mặt hao hao giống tôi, 6 ngày sau tôi về đến Kabul nhưng khi gặp người phụ trách nhà an toàn cũng đang lẩn trốn, tôi được biết Taliban đã thu giữ toàn bộ hồ sơ sinh trắc học của nhóm biệt kích chúng tôi, lưu trữ trong trụ sở Lực lượng đặc biệt Mỹ tại Kabul. Bên cạnh đó, họ cũng thu được cả máy quét sinh trắc nên nếu không khéo, tôi sẽ bị bắt và bị chặt đầu như những người khác tin vào Taliban, ra hàng”.

Trong suốt thời gian lẩn trốn ở Kabul, Wasi đã cố liên lạc với vài người Mỹ thuộc Lực lượng đặc biệt đã từng chiến đấu chung với hy vọng thông qua họ, anh sẽ được phép vào Mỹ tị nạn nhưng tất cả đều là con số không. Đến giữa tháng 9/2021, một đồng đội của Wasi cũng đang lẩn trốn ở một tỉnh phía Bắc, giáp với Pakistan cho biết anh ta vẫn có thể giao tiếp với thế giới bên ngoài nhờ sóng wifi từ Pakistan.

Wasi kể: “Lập tức tôi lên đường tìm đến đồng đội. Tại nhà anh ấy, qua email, tôi đã gặp lại anh trai tôi là Sami-ullah Safi. Anh tôi là phiên dịch cho quân đội Mỹ ở Afghanistan từ năm 2010. Năm 2015, anh tôi đến Houston, bang Texas theo thị thực nhập cư đặc biệt và trở thành công dân Mỹ vào tháng 7/2021, một tháng trước khi Kabul thất thủ. Sami cho biết tôi có thể xin thị thực nhập cảnh Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Pakistan”.

Với số tiền 1.000 USD của anh trai gửi, Wasi đi Pakistan. Tại Islamabad, Đại sứ quán Mỹ trả lời Wasi rằng họ không có chức năng cấp thị thực nhập cảnh cho người Afghanistan đã cộng tác với quân đội Mỹ. Nếu muốn, Wasi phải sang Brazil hoặc Quatar! Wasi kể: “Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định sẽ đến Brazil vì quốc gia này nằm ở Nam Mỹ, hy vọng vào Mỹ cũng cao hơn. Điều may mắn là lúc đến Đại sứ quán Brazil ở Islamabab rồi sau khi nghe tôi trình bày, họ cấp thị thực nhập cảnh Brazil cho tôi ”.

Một toán biệt kích Afghanistan chuẩn bị xâm nhập vào vùng Taliban kiểm soát.

Một toán biệt kích Afghanistan chuẩn bị xâm nhập vào vùng Taliban kiểm soát.

Vẫn theo lời kể của Wasi, lẽ ra anh nên từ Pakistan đi Brazil nhưng vì hết tiền, hơn nữa một người bạn anh là thợ cơ khi hàng không, được Taliban trưng dụng làm việc tại sân bay Kabul đã hứa với Wasi rằng anh ta sẽ giúp Wasi đi Brazil bằng con đường chính thức vì đã có thị thực.

Wasi kể tiếp: “Lúc quay lại Afghanistan và lúc qua trạm kiểm soát biên giới, tôi bị lính biên phòng Taliban chặn lại. Do đã chuẩn bị từ trước nên tôi đưa ra mấy tờ đơn thuốc, phiếu xét nghiệm rồi nói rằng tôi đi Pakistan để trị bệnh tiểu đường. Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi sợ bằng lúc ấy vì trong chòi gác, tôi thấy có một thiết bị kiểm tra sinh trắc học. Chỉ cần gã Taliban lấy nó quét võng mạc mắt của tôi, gã sẽ biết tôi là ai. Tuy nhiên sau một hồi đọc tờ đơn thuốc rồi hỏi tôi vài câu về bệnh lý, gã khoát tay ra hiệu cho tôi đi qua”.

Sự cố ấy đã khiến Wasi bỏ ý định đến sân bay Kabul để đi bằng đường chính thức vì anh biết rằng việc kiểm tra xuất nhập cảnh ở sân bay sẽ nghiêm ngặt hơn ở biên giới Pakistan gấp nhiều lần. Sau khi liên lạc với người anh trai ở Mỹ, Wasi nhận thêm một ít tiền để bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi Brazil bằng đường bộ. Trên bản đồ, Wasi vạch ra lộ trình của mình: Từ Afghanistan, anh qua Iran để đến Arab Saudi rồi từ đó đi Ai Cập, Chad, Niger, Mali, Guinea, châu Phi. Tiếp theo anh sẽ vượt Nam Đại Tây Dương vào Brazil.

Con đường thống khổ

Khởi hành giữa tháng 10/2021, bằng nhiều cách khác nhau như xe lửa, xe bus, xe khách và thậm chí là đi bộ, Wasi đến Guinea một cách dễ dàng vì anh có thị thực nhập cảnh Brazil. Tại cảng Guinea, chủ một tàu buôn đồng ý cho anh đi nhờ nhưng ông này nói tàu ông chỉ cập cảng Ecuador chứ không đi Brazil. Wasi kể: “Tôi đành phải chấp nhận vì không còn đủ tiền để mua vé tàu khách”.

Đặt chân lên đất Ecuador, Wasi lên xe bus đi Brazil nhưng khi đến nơi, anh mới biết đây không phải là nơi trú ẩn an toàn: “Người đân địa phương nhìn tôi với cặp mắt e dè vì họ nghĩ tôi là kẻ khủng bố. Thậm chí tôi còn bị một nhóm thanh niên đánh đập. Họ đánh tôi đến mức không còn có thể đánh hơn được nữa. Mua 1 chai nước tôi phải trả 6 USD trong lúc nó chỉ là 1 USD, 1 ổ bánh mì Taco tôi cũng phải trả 10 USD”. Đã vậy, khi đến Đại sứ quán Mỹ ở Sao Paulo, một viên chức tại nơi này trả lời Wasi rằng phải chờ đợi vì anh không thuộc diện sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng bởi lẽ anh đang ở Brazil chứ không phải ở Afghanistan!

3 tuần sau khi đến Brazil, Wasi tình cờ gặp một nhóm di dân tự do đang tính chuyện vượt biên vào Mỹ. Theo họ, từ Ecuador họ sẽ đi theo tuyến Colombia, Panama, Costa Rica, Nicaragua, Honduras, Guatemala và cuối cùng là biên giới Mexico, Mỹ. Theo Wasi, anh quyết định theo nhóm này bởi lẽ nếu ở lại Brazil, anh không biết mình sẽ phải chờ đợi bao lâu vì qua những thông tin do anh trai cung cấp, những người lính Lực lượng đặc biệt Mỹ từng hoạt động chung với Wasi ở Afghanistan đã nêu ra trường hợp của Wasi với Bộ Quốc phòng Mỹ nhưng nơi này trả lời rằng lính biệt kích Afghanistan chỉ làm việc theo hợp đồng với các nhà thầu quân sự tư nhân nên Bộ Quốc phòng không có trách nhiệm về họ!

Vì thế, Wasi phải tự mình cứu mình. Anh kể: “Vào đến Panama thì tôi bị bắt. Cảnh sát Panama lột quần áo rồi tra tấn tôi trước mặt di dân chỉ vì duy nhất mình tôi là người Afghanistan. Họ bảo tôi trà trộn vào để khủng bố, Tôi không biết tại sao mặc dù tôi đã giải thích rằng tôi là biệt kích Mỹ, tôi chỉ tìm cách trốn chạy khỏi sự trả thù của Taliban”.

Sau hơn 2 tuần giam giữ, cảnh sát Panama thả Wasi cùng nhóm di dân. Trên đường đến Honduras, 16 trong số 50 di dân chết vì đói, vì đuối nước khi vượt sông, vì rắn độc cắn. Ở Colombia, khi nhóm di dân băng qua vùng Darien Gap khét tiếng, là khu rừng rậm dài 130km không có đường đi, họ bị cả dân quân lẫn các băng nhóm tội phạm săn lùng để cướp tài sản. Ở Guatemala, nhóm của Wasi bị các nhóm vận chuyển ma túy đuổi đánh vì họ cho rằng những di dân này thực chất cũng làm công việc như họ nhưng đã hạ giá tiền công rẻ hơn. Ở Nicaragua, họ bị nghi là du kích cảnh tả chống chính phủ và khi họ bỏ chạy vào rừng, cảnh sát đã dùng trực thăng phát loa kêu gọi đầu hàng.

Cuối cùng, sau gần 11 tháng chịu đựng bao nỗi thống khổ trên đoạn đường dài hơn 20.000 km, từ Afghanistan đến Mexico, Wasi cùng 30 di dân trả tiền cho tài xế một chiếc xe tải để đưa họ đến biên giới Mexico, Mỹ. Wasi kể: “Khởi hành lúc nửa đêm. Chúng tôi bị bắt phải ngồi xuống thùng xe và bị che chắn bằng tấm vải bạt lớn. Khi đến gần biên giới, gã tài xế còn chĩa súng vào từng người chúng tôi, lấy đi tất cả những đồng tiền còn sót lại”.

Wasi (trái) cùng nhóm di dân lúc bị biên phòng Mỹ bắt giữ.

Wasi (trái) cùng nhóm di dân lúc bị biên phòng Mỹ bắt giữ.

Vào tù

Đêm 30/9/2022, Wasi cùng nhóm di dân lội qua con sông Rio Grande, là biên giới tự nhiên giữa Mexico, Mỹ. Sáng hôm sau, họ đến gần nông trại Rosetta Farm Orchard thuộc thị trấn Eagle Pass, bang Texas thì Wasi nhìn thấy một nhóm biên phòng Mỹ.

Lập tức Wasi vừa chạy vừa giơ hai tay lên đầu, miệng hét: “Tôi là biệt kích Mỹ ở Afghanistan. Tôi đã trốn thoát và tôi xin tị nạn”. Thế nhưng trái ngược với những mong đợi của Wasi, rằng anh sẽ được chào đón thì nhóm biên phòng đưa anh vào thẳng trại giam Eden, bang Texas với cáo buộc “xâm nhập lãnh thổ Mỹ bất hợp pháp”.

Trong các buổi thẩm vấn, Wasi luôn nói rằng: “Quân đội Mỹ có dữ liệu sinh trắc học của tôi. Chỉ huy Lực lượng đặc biệt Mỹ ở Afghanistan biết rõ điều này. Tôi đã ở trong Trại Marmol cùng với biệt kích Mỹ. Chúng tôi đã cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ bí mật...”.

Chỉ vài ngày sau khi Wasi bị bắt, anh trai anh đã nhận được tin và đã vào trại giam thăm Wasi đồng thời làm thủ tục bảo lãnh cho Wasi tại ngoại nhưng bị từ chối. Không chịu bỏ cuộc, anh trai Wasi vận động những người lính Lực lượng đặc biệt Mỹ đã từng chiến đấu chung với Wasi, tìm cách giúp em mình.

Ben Owen, cựu biệt kích Mỹ ở Afghanistan nói: “Để trả lời câu hỏi rằng làm thế nào chúng tôi biết Wasi là ai, chúng tôi đã tìm thấy tên Wasi trong danh sách của sĩ quan Mỹ chỉ huy lực lượng biệt kích, là người cuối cùng rời khỏi Afghanistan ngày 30/8.Vì vậy Wasi chính xác như những gì anh ấy nói. Chúng tôi có tất cả các giấy tờ. Wasi không phải là khủng bố”. Thế nhưng Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã không trả lời các yêu cầu của Ben Owen cũng như của các phương tiện truyền thông còn Bộ Tư pháp thì từ chối bình luận.

Theo thông báo của Bộ An ninh nội địa thì ngày 10/1/2023, Wasi sẽ phải ra tòa với tội danh vượt biên, nhập cư bất bợp pháp. Nếu bị kết tội, Wasi sẽ bị trục xuất về Afghanistan, nơi anh cầm chắc lĩnh án tử hình bằng hình thức chặt đầu của Taliban.

Với dân biểu Dan Crenshaw, đảng viên đảng Cộng hòa ở Houston, Texas đồng thời là cựu đặc nhiệm Hải quân Mỹ (SEAL), văn phòng của ông đã đề nghị được thay mặt Wasi để liên hệ với Hải quan và Biên phòng Mỹ về trường hợp của Wasi nhưng câu trả lời là sau khi Wasi bị bắt và đã có quyết định đưa anh ra tòa thì không ai có thể can thiệp được. Dân biểu Dan Crenshaw nói: “Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình cũng như giữ liên lạc thường xuyên với Cơ quan thi hành án của Tòa án liên bang để có thể bảo vệ Wasi một cách thích hợp”.

Trả lời phỏng vấn của Kênh truyền hình Fox News từ trại giam Eden, Wasi cay đắng: “Tôi muốn đến Mỹ. Tôi không chọn một quốc gia khác vì tôi đã chiến đấu cùng người Mỹ. Nhưng khi tôi đến được đây, họ lại ném tôi vào tù”…

Vũ Cao (Theo War Zone)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/bi-kich-cua-mot-linh-biet-kich-afghanistan-i678786/