Bi kịch của người đàn ông 18 năm sống tại sân bay

Ngày 12/11/2022, Mehran Karimi Nasseri, người đàn ông 18 năm (1988-2006) sinh sống ở sân bay Charles de Gaulle, Paris, đã qua đời sau một cơn đau tim ở nhà ga số 2 của sân bay Charles de Gaulle. Cuộc đời của Nasseri đã trở thành nguyên mẫu cho bộ phim 'The Terminal' của Steven Spielberg.

Kẻ hành khất “có một không hai”

Mehran Karimi Nasseri sinh năm 1945 tại Soleiman, một phần của Iran khi đó thuộc quyền tài phán của Anh, có cha là người Iran và mẹ là người Anh.

Tom Hanks vào vai chính trong bộ phim "The Terminal". (Ảnh: IT)

Tom Hanks vào vai chính trong bộ phim "The Terminal". (Ảnh: IT)

Tháng 9/1973, Nasseri đến Vương quốc Anh và học tại Đại học Bradford. Trong thời gian đó, Nasseri là một thành viên của phong trào chống đối vua Iran Mohammed Reza Pahlavi. Tháng 8/1975, do không đủ chi phí trang trải cho việc học, Nasseri quay về Iran. Nhưng tại sân bay quốc tế Mehrabad của Tehran, Nasseri được đưa thẳng tới nhà tù. Sau khi ra tù, kể từ năm 1977, Nassari làm đơn xin nhập cư khắp các quốc gia châu Âu như Hà Lan, Đức, Pháp, Italia... nhưng tất cả đều bị từ chối. Tháng 10/1980, đơn xin nhập cư của Nasseri được Ủy ban tối cao quản lý người tị nạn của Liên hợp quốc tại Bỉ chấp thuận. Sống ở Bỉ đến năm 1988 thì Nasseri lên kế hoạch từ Bỉ đến Pháp và từ Pháp sẽ đến Anh bằng máy bay để tìm kiếm cơ hội nhập cư vào Anh.

Tuy nhiên, Nasseri cho biết các giấy tờ tị nạn của ông đã bị đánh cắp trên một chuyến tàu ở Paris. Vì vậy, khi vừa đến sân bay London Heathrow, nhân viên kiểm soát đã yêu cầu ông trở lại Pháp. Ban đầu, ông bị cảnh sát Paris bắt giữ nhưng sớm được thả sau đó. Song ông không thể rời khỏi sân bay Charles de Gaulle. Ông Nasseri kiên nhẫn chờ đợi trong khi giới chức Anh, Pháp và Bỉ giải quyết trường hợp của mình. Các nhà chức trách Bỉ nói rằng họ có bằng chứng về giấy tờ tị nạn của ông, nhưng yêu cầu ông đến nhận chúng tận nơi dù từ chối cho ông nhập cảnh. Ông từng bị bắt giữ nhiều lần và có thể bị trục xuất khỏi sân bay bất cứ lúc nào.

Merhan Karimi Nasseri ngồi tại nhà ga số 1 của sân bay Charles De Gaulle, phía bắc Paris, vào ngày 11/8/2004. Ảnh: AP.

Merhan Karimi Nasseri ngồi tại nhà ga số 1 của sân bay Charles De Gaulle, phía bắc Paris, vào ngày 11/8/2004. Ảnh: AP.

Không có giấy tờ và quốc tịch, ông Mehran Karimi Nasseri trải qua những ngày dài tại nhà ga số 1 của sân bay quốc tế Charles de Gaulle. Ông dành thời gian đọc sách, nghiên cứu kinh tế học, và kể lại trải nghiệm của mình trong cuốn nhật ký hơn 1.000 trang. Ông thường xuyên đến ăn ở McDonald's và mua thuốc lá ở Pall Mall. Nhân viên sân bay thường mang báo, đồ ăn đến chia sẻ với ông. Ông Nasseri cũng thường tắm trong phòng tắm của nhân viên và đem quần áo đến phòng giặt tại sân bay. Những người bán hàng ở sân bay dường như không bận tâm đến những ồn ào về người “hàng xóm” nổi tiếng của họ. Nhân viên dọn vệ sinh chia sẻ rằng ông Nasseri sẽ tính phí vài euro nếu người khác muốn chụp ảnh. Nếu không, "ông ấy không bao giờ hỏi bất cứ điều gì về ai".

Nhân viên đặt biệt danh cho ông là “Ngài Alfred”. Từ đây, “Ngài Alfred” trở thành một người nổi tiếng trong số các hành khách. Những người quen biết trong sân bay cho biết những năm tháng sống tại đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến trạng thái tinh thần của Nasseri. Bác sĩ tại sân bay từng mô tả ông như "đã hóa thạch ở đây" vào năm 1990. Sau vài năm, Nasseri dần mất hết hy vọng và biết rằng số phận của mình là sẽ chết tại sân bay này khi không thể khỏi sân bay. Một người bán vé cũng so sánh ông với một tù nhân. Những người kết bạn với Nasseri tại sân bay cho biết, những năm tháng sống trong không gian không cửa sổ đã ảnh hưởng không nhỏ đến trạng thái tinh thần của ông.

Tình cảnh bi đát của người đàn ông này ngày càng được biết đến rộng rãi khi các nhà báo quốc tế đến sân bay phỏng vấn ông. Ông cũng nhận được sự quan tâm của luật sư người Pháp là Christian Bourguet. Luật sư Christian Bourguet đã ròng rã theo đuổi trường hợp này trong hơn 10 năm. Năm 1999, ông cũng đã thuyết phục được Bỉ gửi cho Nasseri những giấy tờ thay thế. Điều này sẽ cho Nasseri giấy phép để ở lại Pháp và được tự do đi lại.

Nhưng khi Nasseri nhận được những giấy tờ tùy thân thay thế, ông đã từ chối nhận vì nghĩ đó là giấy tờ giả mạo. Ông quyết định ở lại sân bay. Chính vì điều này nên nhiều người đã nghi ngờ ông bị tâm thần sau nhiều năm tá túc tại sân bay.

Mãi tới năm 2006, Nasseri mới bị buộc rời khỏi sân bay vì mắc bệnh. Đây là lần đầu tiên ông rời khỏi sân bay kể từ năm 1988. Sau khi sức khỏe dần hồi phục, ông được trao giấy tờ thay thế. Nasseri được trao quyền tự do đi lại ở Pháp nhưng chưa bao giờ bay đến London - điểm đến mà ông lựa chọn gần 20 năm trước. Kể từ đó, các hãng truyền thông không còn đăng tải nhiều thông tin về ông Nasseri, chỉ có một số người từng nhìn thấy ông vào năm 2008 cho biết ông sống trong một trung tâm tị nạn ở ngoại ô Paris. Nasseri dường như bị lãng quên cho đến những tuần cuối đời, khi ông trở lại sân bay và qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 12/11.

Từ đời đến phim

Trong những năm dài Nasseri tá túc ở sân bay, câu chuyện đời ông đã truyền cảm hứng cho hai tác giả Andrew Niccol và Sacha Gervasi viết kịch bản bộ phim The Terminal cho hãng phim Dreamworks.

Nasseri bên tấm biển quảng cáo về bộ phim “The Terminal” tại nhà ga số 1 của sân bay Charles De Gaulle, Paris, năm 2004. Ảnh: The Guardian

Nasseri bên tấm biển quảng cáo về bộ phim “The Terminal” tại nhà ga số 1 của sân bay Charles De Gaulle, Paris, năm 2004. Ảnh: The Guardian

The Terminal sản xuất năm 2004 thuộc thể loại phim hài dựa theo truyện của Andrew Niccol và Sacha Gervasi. The Terminal kể về một người đàn ông phải sống trong Sân bay quốc tế John F. Kennedy (cảnh trí trong phim giống với nhà ga số 4) khi anh ta bị từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ và cũng không thể trở về quê hương do ở đó đang diễn ra một cuộc đảo chính.

Trong phim, Viktor Navorski (Tom Hanks), một người đàn ông từ nước giả tưởng Krakozhia đáp xuống Sân bay quốc tế John F. Kennedy của New York City, nhận ra rằng trong chuyến bay, chính phủ của nước anh ta đã bị lật đổ bởi những kẻ nổi loạn. Hoa Kỳ không công nhận chính phủ mới của Krakozhia, việc đó làm cho hộ chiếu của anh ta bị mất giá trị, và do đó anh ta bị mắc kẹt tại phòng chờ sân bay JFK. Chín tháng tiếp theo, Viktor bị buộc phải sống trong phòng chờ máy bay, không thể đặt chân vào Hoa Kỳ cũng như không thể về nhà. Anh ta đã kết bạn với các nhân viên ở sân bay, bao gồm nữ tiếp viên Amelia Warren (Catherine Zeta-Jones), trong khi vẫn bị theo dõi bởi Giám đốc phòng nhập cảnh Frank Dixon (Stanley Tucci), người muốn "Vấn đề Navorski" bị loại bỏ khỏi sân bay.

Một ngày, Viktor giải thích với Amelia rằng mục đích của chuyến viếng thăm New York City là để thu thập chữ kí của nghệ sĩ tenor saxophone Benny Golson. Người cha quá cố của anh, là một người yêu nhạc jazz. Ông phát hiện ra bức ảnh "Great Day in Harlem" trên một tờ báo tiếng Hungarian năm 1958, và hứa sẽ thu thập chữ ký của tất cả 57 nghệ sĩ nhạc jazz có mặt trong bức ảnh. Trong 40 năm tiếp theo, ông đã cố gắng để thu thập tất cả chữ ký của các nghệ sĩ, trừ một người: Benny Golson. Viktor muốn thu thập chữ ký cuối cùng để hoàn thành nguyện ước của cha anh.

Poster phim “The Terminal”

Poster phim “The Terminal”

Sau 9 tháng, các bạn của Viktor đánh thức anh và báo tin chiến tranh ở Krakozhia đã kết thúc, và anh ấy có thể được xác nhận thị thực để rời sân bay. Nhưng Dixon vẫn không cho Viktor nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Amelia tiết lộ rằng cô sẽ hỏi 'bạn' của cô, thực chất là một nhân viên chính phủ đã có vợ, người mà cô đã có quan hệ tình cảm trong thời gian dài, để giúp Viktor có thị thực khẩn cấp một ngày, giúp anh hoàn thành ước nguyện, nhưng Viktor thất vọng vì nhận ra rằng cô đã nối lại quan hệ với người đàn ông kia trong quá trình cô hỏi để giúp Viktor.

Vấn đề thêm phức tạp khi, đáng ra Dixon cần phải ký lệnh cho phép Viktor có quyền được lưu lại Hoa Kỳ, nhưng anh ta lại không làm, thay vào đó lại quyết định trục xuất Viktor. Anh ta đe dọa Viktor nếu anh không về nhà ngay lập tức, anh sẽ gây rắc rối cho bạn bè của anh, nặng nhất là nhân viên lau dọn Gupta sẽ bị trục xuất về Ấn Độ để đối mặt với tội sát hại một sĩ quan cảnh sát. Không muốn những điều đó diễn ra, Viktor đồng ý quay trở về nhà. Khi Gupta biết điều này, ông ta chạy đến trước chiếc máy bay đưa Viktor về Krakozhia, làm cho chuyến bay bị hoãn, cảnh sát sẽ bắt ông và trục xuất ông về nước.

Khi Viktor chuẩn bị bắt một chiếc taxi tới Ramada Inn, 161 Đại lộ Lexington, ở New York, nơi Benny Golson biểu diễn, anh thấy Amelia đang đi ra từ một xe taxi khác, cô cười với anh với vẻ tiếc nuối. Viktor tham dự vào buổi biểu diễn và thu thập được chữ ký để hoàn thành bộ sưu tập. Cuối cùng, Viktor bắt một chiếc taxi và nói với người tài xế rằng anh muốn về “nhà”…

The Terminal do đạo diễn Steven Spielberg thực hiện và Tom Hank thủ vai chính với kinh phí đầu tư 60 triệu USD và đạt doanh thu hơn 218 triệu USD trên toàn thế giới. Nhưng thành công của bộ phim cũng chẳng giúp thay đổi số phận Nasseri. Báo The Guardian từng đề nghị hãng phim của Steven Spielberg trả 250.000 USD cho bản quyền câu chuyện của Nasseri, và chỉ ra rằng năm 2004, ông đã mang một poster của phim che trên chiếc ghế băng của ông. Nasseri khi được phỏng vấn nói rằng cảm thấy rất thú vị khi có một bộ phim như vậy. Nhưng dường như ông chưa bao giờ có cơ hội để được xem bộ phim đó.

Trả lời phỏng vấn báo The Guardian, Nasseri chỉ nói “Vâng, sự quan tâm của tôi với nước Mỹ cũng đã mất đi vì bộ phim. Nhưng thế cũng rất tốt”.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/bi-kich-cua-nguoi-dan-ong-18-nam-song-tai-san-bay-i674794/