Bi kịch của những phụ nữ bị bán ở Trung Quốc
Hơn một nửa số phụ nữ bị bán ở Trung Quốc là người nước ngoài. Họ bị bán vào các động mại dâm hay làm vợ của những đàn ông nghèo vùng nông thôn.
Cuối tháng 1, đoạn video một phụ nữ ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) bị chồng xích vào tường, nhốt trong nhà và đánh đập suốt 5 ngày lan truyền khiến dư luận phẫn nộ. Ít ngày sau, người chồng bị bắt giữ và điều tra vì tội bạo hành.
Theo thông tin của đơn vị điều tra, người phụ nữ trong clip là Xiao Huamei, quê gốc ở tỉnh Vân Nam. Cô mắc chứng tâm thần, đã là mẹ của 8 người con.
Điều khiến dư luận phẫn nộ hơn cả là thông tin Xiao Huamei là nạn nhân của bọn buôn người.
Sixth Tone đưa tin cô bị bán lần đầu cho một người đàn ông ở huyện Đông Hải với giá 5.000 nhân dân tệ (790 USD). Sau đó, cô trốn thoát được nhưng bị bắt lại và bán đi 2 lần trong cùng một năm, sau đó kết hôn với người chồng hiện tại.
Báo cáo điều tra, bao gồm các thông tin chi tiết từ cảnh sát, công tố viên và các bộ phận khác, cũng cho biết chính quyền đã kỷ luật 17 quan chức địa phương vì tội “vô trách nhiệm” liên quan đến trường hợp của Xiao Huamei.
Câu chuyện của Xiao Huamei không phải trường hợp cá biệt.
Cuối năm 2016, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã ban hành tài liệu làm rõ cách thức xét xử các vụ án buôn người. Tổng cộng có 616 vụ, liên quan đến 1.252 nạn nhân từ năm 2017 đến tháng 11/2020. Trong đó, 245 nạn nhân đã bị bán nhiều hơn một lần.
Họ là ai?
Khoảng 1/5 phụ nữ bị bắt cóc là người khuyết tật, thường gặp nhất là những người mắc chứng bệnh tâm thần. Họ dễ trở thành mục tiêu vì ít có khả năng kháng cự. Có trường hợp, kẻ bắt cóc đã lừa người phụ nữ bị thiểu năng trí tuệ họ Song chỉ bằng một quả táo.
Phụ nữ nước ngoài chiếm 1/2 tổng số nạn nhân. Trong đó, đa phần là nạn nhân người Việt Nam. Lạ lẫm với môi trường xung quanh cùng bất đồng ngôn ngữ, họ rất khó trốn thoát hay tìm kiếm sự giúp đỡ.
Một phụ nữ người Việt cho biết lý do cô không thể rời đi là vì "không có tiền, không biết ngoại ngữ và không biết tìm đường về nhà".
Một số ít kẻ buôn người nhắm đến mục tiêu là những phụ nữ hành nghề mại dâm, bắt cóc dưới chiêu trò thuê và trả phí dịch vụ từ họ.
Một phụ nữ Việt Nam đã bị bắt cóc bởi những kẻ buôn người giả danh khách hàng. Ngày hôm sau, cô bị đưa đến một khách sạn ở Trung Quốc và bị ép phục vụ mại dâm ở đó trong 3 năm.
Gần một nửa số nạn nhân sập bẫy khi tin lời dụ dỗ về một công việc béo bở hoặc lời môi giới hôn nhân.
"Anh ta nói sẽ đưa tôi đến Chiết Giang để làm công việc chế biến nấm đông cô, lương 600 nhân dân tệ một tháng", "Họ bảo thuê tôi về làm vườn, với mức lương 30 tệ/ngày", "Họ nói sẽ đưa chúng tôi tới nơi tốt hơn, có thể kiếm 500-600 tệ/tháng", các nạn nhân cho biết.
Ba tình huống bắt cóc phổ biến nhất thường xảy ra ven đường, tại nhà nạn nhân hoặc nơi họ làm việc như chợ lao động hoặc nhà máy. Một số ít kẻ bắt cóc sẽ dùng bạo lực để cưỡng ép nạn nhân.
Những vụ bắt cóc tại nhà đa phần đều dưới danh nghĩa môi giới hôn nhân. Kẻ buôn người sẽ đưa theo "bà mối" để nói về mối quan hệ tiềm năng.
Các nghi phạm đều có lời biện hộ chung khi bị buộc tội như: "Tôi không nhận tội, tôi là người mai mối. Nếu làm người mai mối là có tội thì tôi nhận, còn tội buôn người thì không" hay "Tôi không có giao kèo trước. Đó chỉ là một cuộc giới thiệu hôn nhân, tôi không biết rằng đó là một vụ bắt cóc".
Tuyệt vọng
Hầu hết nạn nhân đều bị khống chế, đe dọa hoặc bạo hành bằng lời nói. Nhiều người bị đánh đập và hãm hiếp.
Một nạn nhân đã cố bỏ trốn 2 lần. Cô nhớ lại người mua đầu tiên đã cưỡng hiếp, sau đó trói tay, cởi hết quần áo và bắt cô ra đứng ngoài trời tuyết để anh ta quay video.
Một số phụ nữ bị nhốt trong núi vài năm hoặc bị bắt ở trong chuồng cừu. Nhiều người bị đánh đập và hành hạ đến gãy xương.
Không thể chịu đựng được, cũng không có cách nào bỏ trốn, nhiều nạn nhân đã nghĩ đến con đường tuyệt vọng nhất. Vào tháng 9/2015, một nạn nhân họ Ma đã tự sát khi bị giam cầm.
Phần lớn phụ nữ bị bắt cóc không quen với kẻ buôn người. Trong trường hợp nạn nhân bị bán bởi người mà họ biết, đó thường là phụ nữ có vấn đề về tâm thần hoặc khuyết tật. Một người mẹ đã bán đứa con gái 17 tuổi bị tâm thần nhẹ của mình dưới chiêu bài "hôn nhân".
Giá của các nạn nhân rất khác nhau. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, giá thấp nhất là 200 tệ và giá cao nhất là 256.000 tệ. Ngoại hình, sức lao động, khả năng sinh sản, sức khỏe thể chất và tinh thần đều là chỉ số đánh giá để bọn buôn người "ngã giá".
Một số kẻ buôn người còn giao dịch kèm theo bảo hành. Trong trường hợp nạn nhân bỏ trốn, một số bên bán sẽ hoàn tiền cho bên mua, hoặc bán người phụ nữ khác với giá chiết khấu để đền bù.
Có thỏa thuận nói rằng trong một năm, người bán phải chịu trách nhiệm nếu việc ly hôn xảy ra, đồng thời bồi thường 110.000 tệ. Nếu người phụ nữ bỏ trốn, bên bán sẽ phải đền bù 100.000 tệ.
Thông thường, khi một gia đình mua phụ nữ bị bắt cóc sẽ dẫn đến nhiều gia đình trong làng của họ cũng làm vậy. Hoàn cảnh của các gia đình này tương tự nhau: họ nghèo và ít nhận thức về luật pháp.
Trong 616 trường hợp, có 77 phụ nữ bị bán hàng loạt cho những người mua ở cùng thành phố, thị trấn hoặc làng.
Tâm lý phụ thuộc
Các tài liệu của tòa án cho thấy có tỷ lệ nhỏ phụ nữ bị bắt cóc phụ thuộc vào người mua vì họ ở trong môi trường hoàn toàn xa lạ. Sau thời gian dài chung sống như một "gia đình", họ nảy sinh tình cảm với người mua khi có con.
Một số nạn nhân tuyên bố gia đình chồng đối xử rất tốt và chưa bao giờ đánh đập mình.
Có 20 trường hợp người mua không biết họ đang mua một phụ nữ bị buôn bán, chỉ nghĩ rằng mình trả tiền sính lễ cho hôn nhân truyền thống hay trả phí môi giới kết hôn.
Trong các trường hợp trên, phụ nữ ít phải chịu khổ sở hơn. Khi người mua phát hiện vợ của mình là nạn nhân bị bắt cóc, họ sẽ báo cảnh sát, đưa nạn nhân tìm về nhà hoặc đơn giản là trả lại cho kẻ môi giới.
Luật Hình sự Trung Quốc sửa đổi năm 2015 đã hình sự hóa tất cả các hình thức mua bán phụ nữ. Năm 2016, văn bản của Tòa án Nhân dân Tối cao quy định rằng nếu nạn nhân bị mua bán đã có hôn nhân và gia đình ổn định, muốn tiếp tục ở đó thì họ có thể làm theo ý mình.
Trong số 1.092 tội phạm trong các bản án đã có hiệu lực pháp luật, 729 người bị phạt tù trên 5 năm. Không có bản án tử hình nào xuất hiện trong 616 bản án.
Trong khi những cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc về nạn buôn bán phụ nữ thường kêu gọi mức án nghiêm khắc hơn với kẻ phạm tội, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc áp dụng các hình phạt nặng nhất không nhất thiết làm giảm tội phạm.
Ngược lại, một khi kẻ buôn người cảm thấy có ít hy vọng chuộc lỗi, điều đó sẽ khiến chúng coi thường sự an toàn của các nạn nhân, vì chúng không còn gì để mất.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-kich-cua-nhung-phu-nu-bi-ban-o-trung-quoc-post1299604.html