Bi kịch từ những khao khát yêu đương
'Gió đông rưng rức' là tuyển tập 10 truyện ngắn của nhà văn Hoàng Lệ Thủy, viết về những bi kịch và góc khuất của khát vọng tình yêu, cùng những phận đời ngang trái giữa núi rừng sâu thẳm.
Gió đông rưng rức khám phá những giằng xé nội tâm của người dân tộc miền núi, đặc biệt là người phụ nữ, để nói lên bi kịch khi con người bị tàn dư hủ tục, cuộc sống luẩn quẩn và những quan niệm cũ kỹ trói buộc tinh thần, bị dằn vặt bởi khát khao và trách nhiệm trong cuộc sống gia đình và hôn nhân.
Giữa vùng cao, ở những xóm làng nhỏ bé trong truyện của Hoàng Lệ Thủy, dường như bổn phận lớn nhất của người phụ nữ là lấy chồng và sinh con. Họ không có lựa chọn gì khác, và cũng không biết tới một cách sống nào khác. Tất cả bi kịch phát sinh từ đó. Cuộc đời họ gói gọn trong hai bổn phận trên, nhưng những nhân vật nữ của Hoàng Lệ Thủy thường không có được hạnh phúc trọn vẹn trong hôn nhân.
Dù lựa chọn sống theo bổn phận hay sống theo mong muốn thầm kín bên trong, những người phụ nữ này hầu như luôn phải hy sinh hoặc trả cái giá rất đắt. Họ chịu sự dằn vặt của lương tâm, sự phán xét của người đời, mất đi người bên cạnh hoặc thậm chí là đánh mất chính mình. Tuy nhiên, họ vẫn luôn vùng vẫy để tìm một cách nào đó vẹn cả đôi đường, để vừa vì mình vừa vì những người xung quanh, nhưng họ ít khi đạt được điều này.
Đi vào từng truyện ngắn cụ thể, ta có thể thấy rõ những mâu thuẫn, giằng xé nói trên. Ví dụ như người mẹ tên Day trong truyện Gió của đại ngàn mất chồng sớm khi tuổi còn trẻ, phải một nách nuôi ba đứa con suốt mười mấy năm trời.
Thế nhưng đi lấy chồng mới có nghĩa là bỏ lại những đứa con, bởi vì người phụ nữ lấy chồng rồi là thuộc về nhà chồng. Bi kịch xảy ra, con gái của Day không thể kết hôn với người yêu vì cha mẹ anh ta chê đứa con gái không có mẹ ở bên dạy dỗ, để rồi cặp đôi yêu nhau phải lựa chọn cùng nhau rời bỏ cõi đời.
Bi kịch không kém là cô gái tên Dơ, lấy chồng rồi nhưng “cứ như cái nương khát nước, con suối thèm mưa”. Chính người mẹ của cô nhìn vào con gái cũng cho rằng cô không được “yêu đến nơi đến chốn”. Tất cả chỉ vì chồng cô không làm được chuyện vợ chồng. Khi cô đã băng đèo lội suối, chịu khổ và bị thương để xin được thuốc từ một ông thầy quái dị để chữa trị cho chồng, lúc hạnh phúc tưởng đã đến khi cô có thai, thì sự sung mãn đã khiến chồng cô tìm đến người phụ nữ khác. Tuyệt vọng và tràn ngập hận thù, Dơ lại sa vào vòng tay lão Kía đã cho cô thuốc.
Còn nhiều nữa những số phận ngang trái. Nhân vật tôi trong Đêm ấy gió ngừng thổi khổ sở và đau đớn vì chồng cô và chị cô dan díu với nhau, người chị từng bị chồng cũ bạo hành, người chị rất yêu thương cô và cũng được cô yêu thương hết mực. Hay hai cặp vợ chồng trong Mật ong đắng, hai người đàn ông Khúa và Phứ thân nhau như anh em trót yêu cùng một người, Khúa cưới được May nhưng không thể có con nên chuốc rượu cho May và nhờ Phứ làm cô có con. Khúa chết đi, để lại May, Phứ và vợ của Phứ trong một mối quan hệ nhằng nhịt, và không ai có thể hạnh phúc được nữa.
Gió đông rưng rức giúp ta hiểu thêm về cuộc sống của người dân vùng cao, đặc biệt là đời sống tâm hồn người phụ nữ, để thêm cảm thông, chia sẻ, và cũng thắp lên hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho họ. Một tương lai mà con người có lựa chọn và không còn bị những quan niệm hay hủ tục trói buộc.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-kich-tu-nhung-khao-khat-yeu-duong-post1508406.html