Bí mật ẩn chứa bên trong những trái dâu tây mọng nước của Nhật Bản

Để đảm bảo chất lượng và sản lượng dâu tây trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa Đông, người nông dân Nhật Bản phải trồng và sưởi ấm cây dâu trong các nhà kính khổng lồ.

Giống dâu tây Minoh. (Nguồn: localtoday)

Giống dâu tây Minoh. (Nguồn: localtoday)

Minoh là giống dâu tây cao cấp ở Nhật Bản, chuyên dùng để làm bánh kem tươi, mochi dâu tây hay các loại đồ ngọt làm từ dâu tây được ưa chuộng khác.

Nghe thoáng qua, giống dâu tây này và các món ăn ngon lành được tạo ra từ nó có vẻ như chỉ được dùng trong mùa Hè. Tuy nhiên tại Nhật Bản, thời điểm tốt nhất để thu hoạch giống dâu này thực tế là mùa Đông.

Đó là khi những quả dâu tây đẹp như tranh vẽ thường được dùng làm quà tặng, hoặc được bán với giá rất cao.

Nhưng để đảm bảo chất lượng và sản lượng dâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, người nông dân Nhật phải trồng và sưởi ấm cây dâu trong các nhà kính khổng lồ, gây tốn kém rất nhiều nhiên liệu.

Satoko Yoshimura, một nông dân sống ở Osaka, cho biết: “Chúng tôi đã tiến xa tới mức khiến cho công chúng tưởng rằng việc có dâu tây vào mùa Đông là điều hiển nhiên.”

Cho tới tận vụ dâu gần đây nhất, công việc của Yoshimura là đổ kerosene vào các máy sưởi và đốt chúng để sưởi ấm nhà kính trồng dâu, khi nhiệt độ bên ngoài tụt xuống dưới ngưỡng dưới 0 độ C.

Trồng trái cây và rau củ trong nhà kính theo phương pháp tự nhiên là chuyện khá phổ biến trên thế giới. Nhưng trong ngành công nghiệp dâu tây của Nhật Bản, hầu hết nông dân đều “né” các tháng ấm, khi dâu không được giá, để tập trung cho vụ trái mùa. Thay vì thế, Nhật Bản nhập khẩu phần lớn dâu trong mùa Hè.

Đây là ví dụ điển hình cho thấy những kỳ vọng của người dùng về việc có sản phẩm tươi quanh năm sẽ tiêu tốn nguồn lượng năng lượng lớn đáng ngạc nhiên, đồng thời làm gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Vài thập kỷ trước, mùa dâu tây ở Nhật Bản thường bắt đầu vào mùa Xuân và kéo dài đến đầu mùa Hè. Nhưng theo truyền thống, thị trường Nhật luôn đánh giá cao các sản phẩm đầu vụ, hay còn gọi là “Hatsumono,” từ cá ngừ, gạo đến các loại trà.

Các sản phẩm thuộc loại “Hatsumono” được săn lùng một cách “điên cuồng” và có thể đem lại lợi nhuận cao gấp đôi so với bình thường.

Khi nền kinh tế tiêu dùng tại Xứ sở hoa Anh đào ngày một phát triển, “Hatsumono” đã tràn sang mặt hàng dâu tây. Các nông trường cạnh tranh gắt gao để cung cấp dâu tây ra thị trường sớm hơn.

Ông Daisuke Miyazaki, Tổng Giám đốc Ichigo Tech - Công ty Tư vấn dâu tây tại Tokyo, chia sẻ: “Mùa dâu chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 3, sau đó từ tháng 2 đến tháng 1 và trong cả dịp Giáng Sinh.”

Ngày nay, dâu tây là mặt hàng quan trọng trong dịp lễ Noel ở Nhật Bản, tô điểm cho những chiếc bánh ngọt được bán trên khắp cả nước trong suốt tháng 12. Một số nông dân vì thế mà đã đưa ra thị trường những quả dâu tây đầu tiên của mùa vụ từ tháng 11.

Nhưng việc Nhật Bản chuyển sang trồng dâu tây trong tiết trời lạnh giá đã gây ra khá nhiều vấn đề. Theo các phân tích về phát thải khí nhà kính liên quan đến những sản phẩm khác nhau ở Nhật Bản, có bằng chứng cho thấy lượng phát thải khí nhà kính do trồng dâu tây đã cao gấp 8 lần so với nho và gấp 10 lần so với quýt.

Naoki Yoshikawa, nhà nghiên cứu Khoa học Môi trường tại Đại học tỉnh Shiga - miền Tây Nhật Bản, người đứng đầu nghiên cứu về khí thải từ các sản phẩm khác nhau, cho rằng: “Tất cả bắt nguồn từ việc dùng thiết bị sưởi. Chúng tôi đã xem xét nhiều khía cạnh, bao gồm giao thông vận tải hay sản xuất phân bón. Nhưng hệ thống sưởi vẫn là điều đáng quan ngại nhất.”

Có người đưa ra ý tưởng là tiêu thụ đồ ăn, thức uống được sản xuất tại địa phương sẽ giúp giảm đi mức tiêu thụ nhiên liệu và ô nhiễm do hoạt động vận chuyển gây ra.

“Thực tế thì vận chuyển thực phẩm ít gây ảnh hưởng đến khí hậu hơn so với hoạt động sản xuất” - Shelie Miller, Giáo sư Đại học Michigan, người nghiên cứu khí hậu, thực phẩm và tính bền vững nói.

Một nghiên cứu khác từng cho thấy cà chua trồng trong nhà kính, được sưởi ấm tại Anh có lượng phát thải carbon cao hơn cà chua trồng ngoài trời ở Tây Ban Nha và được vận chuyển đến các siêu thị ở Anh.

Mặc dù trồng trọt trong nhà kính đem lại hiệu quả như tiết kiệm diện tích canh tác, sử dụng ít thuốc trừ sâu và đạt năng suất cao nhưng nó lại gây tiêu tốn nhiều năng lượng, qua đó ảnh hưởng tới môi trường.

Ở Nhật Bản, đốt nhiên liệu để sưởi ấm dâu tây vào mùa Đông không chỉ tạo nên gánh nặng về biến đổi khí hậu mà còn làm cho sản phẩm thu hoạch đắt đỏ hơn so với bình thường.

Các giống dâu tây được bán ở Nhật Bản với những cái tên ngộ nghĩnh như “Beni Hoppe” (má đỏ), “Koinoka” (hương thơm của tình yêu), “Bijin Hime” (nàng công chúa xinh đẹp), thường được tặng kèm với các loại trái cây đắt tiền khác, chẳng hạn như dưa hấu.

Tochigi, một tỉnh phía Bắc Tokyo sản xuất nhiều dâu tây hơn bất cứ nơi nào khác, đã nỗ lực đưa ra các phương án giải quyết vấn đề về khí hậu trong khâu sản xuất bằng một loại dâu tây mới mang tên “Tochiaika” (trái cây ưa thích ở Tochigi).

Sau khoảng bảy năm không ngừng phát triển, các nhà nghiên cứu Nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu Dâu tây Tochigi công bố giống dâu tây mới có mức độ kháng bệnh tốt và cho năng suất cao hơn, giúp việc canh tác trở nên tiết kiệm năng lượng.

Giống dâu tây Tochiaika có vỏ ngoài săn chắc, góp phần làm giảm số lượng dâu tây bị hỏng do quá trình vận chuyển, tránh tình trạng lãng phí lương thực. Điều này cũng tạo nên ảnh hưởng tích cực đối với khí hậu.

Và thay vì sử dụng thiết bị sưởi, một số nông dân ở Tochigi sử dụng “rèm nước”. Họ tận dụng lượng lớn nước ngầm để bao phủ bề mặt bên ngoài nhà kính, giúp nhiệt độ bên trong ít bị thay đổi.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu ở thành phố Sendai - phía Đông Bắc, đang tìm cách sử dụng năng lượng mặt trời để tạo nhiệt độ ấm áp bên trong nhà kính trồng dâu tây.

Cô Yushimura, nông dân trồng dâu tây ở Minoh với hơn 10 năm kinh nghiệm, đã quyết định bỏ hẳn chiếc lò sưởi công nghiệp khổng lồ trong vườn nhà mình vào mùa Đông năm 2021. Trong đợt dịch COVID-19, cô dành nhiều thời gian để tìm hiểu về biến đổi khí hậu.

Nhớ lại trận lũ lụt tàn khốc năm 2018 phá hủy cánh đồng cà chua trong trang trại của mình, cô nhận ra rằng đã đến lúc thay đổi cách làm nông để không nguy hại đến thế hệ sau này./.

Ngọc Ngân (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bi-mat-an-chua-ben-trong-nhung-trai-dau-tay-mong-nuoc-cua-nhat-ban/852686.vnp