Bí mật của Binance
Dù là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, hoạt động kinh doanh của Binance trên thực tế vẫn còn mập mờ và không được công khai cụ thể.
Theo Reuters, Binance, sàn giao dịch tài sản số lớn nhất thế giới, đang cố gắng củng cố niềm tin sau khi số lượng khách hàng rút tiền tăng đột biến và kéo tụt giá trị đồng token BNB.
Trong thông báo gần đây, Binance cho biết đã xử lý dòng tiền rút ra lên tới 6 tỷ USD trong 72 giờ vào tuần trước mà không gặp bất cứ gián đoạn nào nhờ nền tảng tài chính vững chắc. Sau sự sụp đổ của sàn giao dịch đối thủ FTX vào tháng trước, Changpeng Zhao - người sáng lập Binance - khẳng định sẽ làm gương trong việc minh bạch hóa.
Dù xử lý tổng giá trị giao dịch khoảng 22.000 tỷ USD trong năm nay, phân tích của Reuters cho thấy phần lớn hoạt động kinh doanh của Binance vẫn là một bí ẩn.
Mờ ám hơn FTX
Binance từ chối tiết lộ trụ sở chính, cũng không tiết lộ các thông tin tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận hay dự trữ tiền mặt. Công ty phát hành token, nhưng không thông tin vai trò của chúng trong bảng cân đối kế toán.
Sàn cũng cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ hay đăng ký đòn bẩy nhưng không nêu chi tiết quy mô, mức độ rủi ro cũng như dự trữ ngân sách để đối phó với hoạt động rút tiền.
Trên thực tế, Binance không có nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính chi tiết vì không phải công ty đại chúng giống đối thủ Coinbase vốn đang niêm yết trên Nasdaq. Bên cạnh đó, dữ liệu trong ngành cho thấy Binance đã dừng huy động vốn kể từ năm 2018.
Theo một số tin nhắn và cuộc phỏng vấn nội bộ, Binance đã chủ động tránh khỏi sự giám sát của các chính phủ, đặc biệt là Mỹ, bằng cách cung cấp sàn giao dịch dành riêng cho thị trường này. Zhao phủ nhận việc ký chấp thuận kế hoạch và cho biết đơn vị được thành lập dựa trên sự cố vấn từ các công ty luật hàng đầu.
Vai trò chi phối của Binance trong thị trường tiền mã hóa nhanh chóng lọt vào mắt cơ quan quản lý Mỹ. Sàn đang là mục tiêu điều tra về hoạt động rửa tiền và vi phạm lệnh trừng phạt. Một số công tố viên tin rằng đã có đủ bằng chứng để buộc tội Binance và các lãnh đạo cấp cao.
Sau khi tìm hiểu 14 khu vực hoạt động được Binance tuyên bố có “giấy phép, đăng ký, ủy quyền và phê duyệt”, Reuters cho biết các chi nhánh không trình báo chi tiết về hoạt động kinh doanh cho cơ quan chức năng. Ví dụ, các hồ sơ công khai không thể hiện lượng tiền luân chuyển giữa Binance và chi nhánh sở tại. Một số chi nhánh thậm chí có rất ít hoạt động.
Họ đang lách quy định để tạo vẻ ngoài hợp pháp. Hoàn toàn không có sự minh bạch, trong sáng hay bất kỳ minh chứng nào về tình hình tài chính
John Reed Stark, cựu Giám đốc Văn phòng Thực thi Internet của SEC
Các quản lý cũ và cựu lãnh đạo Binance tiết lộ các chi nhánh địa phương đóng vai trò che mắt cho sàn giao dịch chính vốn không được kiểm soát.
Theo John Reed Stark - cựu Giám đốc Văn phòng Thực thi Internet của SEC - hoạt động của Binance thậm chí còn mờ ám hơn FTX.
Đáp trả cuộc điều tra của Reuters, Patrick Hillmann - Giám đốc chiến lược của Binance - khẳng định hồ sơ báo cáo tại 14 chi nhánh hoàn toàn sai. Ông nhấn mạnh lượng thông tin tài chính và doanh nghiệp phải tiết lộ tại các thị trường đó thường rất lớn và đòi hỏi lộ trình kéo dài 6 tháng.
“Chúng tôi là một công ty tư nhân và không bắt buộc phải công khai tài chính doanh nghiệp”, Hillmann lưu ý hàng hóa và dịch vụ của sàn được kiểm soát chặt chẽ.
Bí ẩn doanh thu và lượng dự trữ
Các nhà phân tích cho rằng làn sóng rút tiền xuất phát từ những lo ngại cách sàn nắm giữ tiền của người dùng cũng như cuộc điều tra của DOJ. Song, những nỗ lực nhằm trấn an nhà đầu tư của Binance nhanh chóng thất bại khi công ty kế toán đối tác đình chỉ toàn bộ hoạt động xác minh lượng dự trữ.
Binance tuyên bố có hơn 120 triệu người dùng. Vào tháng 6, Zhao cho biết khối lượng giao dịch của sàn đạt 34.000 tỷ USD vào năm 2021.
Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 11, Zhao tiết lộ 90% doanh thu của công ty đến từ giao dịch tiền mã hóa. Ông cũng nói thêm công ty đang có lãi và sở hữu kho dự trữ tiền mặt khá lớn.
Binance đã thực hiện hơn 150 khoản đầu tư mạo hiểm với tổng trị giá 1,9 tỷ USD kể từ năm 2018 theo dữ liệu của PitchBook. Zhao cũng tạo một quỹ hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD để đầu tư vào các công ty tiền mã hóa đang gặp khó khăn sau sự sụp đổ của FTX.
Dẫu vậy, các ước tính về doanh thu của Binance tương đối khan hiếm. Sàn hiện tính phí 0,1% cho các giao dịch giao ngay và xây dựng cấu trúc phí phức tạp hơn với giao dịch phái sinh.
Kể từ đầu năm đến tháng 10, khối lượng giao dịch giao ngay đạt 4.600 tỷ USD, tương đương khoản doanh thu 4,6 tỷ USD. Trong khi đó với mức phí 0,04% trên khối lượng phái sinh 16.000 tỷ USD, Binance có thể đã kiếm về 6,4 tỷ USD.
Binance không bình luận về những con số này, chỉ lưu ý cấu trúc vốn của công ty không có nợ và công ty vẫn tách biệt doanh thu từ phí giao dịch với tài sản họ mua hoặc nắm giữ cho người dùng.
Binance cho phép nhà đầu tư thế chấp tài sản dưới dạng tiền mã hóa và sử dụng ký quỹ lên tới 125 lần. Hillmann cho biết Binance hỗ trợ mọi khoản tiền gửi của người dùng cho các công cụ phái sinh và giao dịch giao ngay bằng dự trữ riêng theo tỷ lệ 1:1, nghĩa là tiền gửi phải an toàn và dễ rút.
Vị này cho biết thêm Binance có các giao thức thanh lý nghiêm ngặt sẵn sàng bán tháo vị thế của nhà đầu tư nếu khoản lỗ vượt quá giá trị tài sản thế chấp. Nếu vị thế của người dùng trở nên tiêu cực "do biến động thị trường cực đoan", Binance đã có các quỹ bảo hiểm "được vốn hóa rất tốt" để bù đắp thâm hụt. Dẫu vậy sàn không tiết lộ quy mô tổn thất năm nay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-mat-cua-binance-post1386885.html