Bí mật mà các tỷ phú công nghệ đều muốn che giấu

Nhiều tỷ phú công nghệ tìm đến chất kích thích, bất chấp nguy cơ gây hại, với cái cớ là tìm kiếm ý tưởng đột phá hoặc giải tỏa áp lực công việc.

Elon Musk dùng ketamine và Sergey Brin đôi khi thích nấm ảo giác, theo các nguồn tin trực tiếp chứng kiến và nguồn tin nội bộ tại các công ty nói với The Wall Street Journal.

Các giám đốc cấp cao tại công ty đầu tư mạo hiểm Founders Fund, nổi tiếng với các khoản đầu tư vào SpaceX và Facebook, cũng nhiều lần tổ chức các bữa tiệc có các loại thuốc gây ảo giác. Nhiều giám đốc điều hành trong ngành công nghệ thậm chí coi các loại thuốc này và các chất kích thích tương tự là cánh cửa dẫn đến những bước đột phá trong kinh doanh.

"Mỗi giây phút có hàng triệu người đang uống các thuốc gây ảo giác", theo Karl Goldfield, cựu cố vấn tiếp thị và bán hàng ở San Francisco, người không có được đào tạo về y tế nhưng đã tư vấn cho bạn bè và đồng nghiệp trong ngành công nghệ cách dùng thuốc dựa trên kinh nghiệm cá nhân.

Thông lệ sử dụng chất kích thích tại thung lũng Silicon

Lời mời tham gia các bữa tiệc chất kích thích và thuốc gây ảo giác thường được gửi qua ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal, thay vì qua email hoặc tin nhắn, vì vậy khó bị lộ ra ngoài. Tại một số bữa tiệc tư nhân cao cấp, người tham gia được yêu cầu ký thỏa thuận không tiết lộ và đôi khi trả hàng trăm USD để tham dự, theo những người đã tham dự hoặc nhận được lời mời.

 Sergey Brin đôi khi tiêu thụ psilocybin, tên khoa học cho nấm ma thuật, tạo ra hiệu ứng ảo giác. Ảnh: Zuma Press.

Sergey Brin đôi khi tiêu thụ psilocybin, tên khoa học cho nấm ma thuật, tạo ra hiệu ứng ảo giác. Ảnh: Zuma Press.

Dùng thuốc kích thích gần như đã trở thành thông lệ trong hoạt động kinh doanh đối với nhiều nhân sự cấp cao trong ngành công nghệ, cho dù hầu hết thuốc này là bất hợp pháp, đi kèm với rủi ro gây nghiện và lạm dụng. Thung lũng Silicon cũng dung túng cho việc này, nhiều công ty không xét nghiệm nhân viên thường xuyên.

Spencer Shulem, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp BuildBetter.ai, cho biết ông sử dụng LSD khoảng 3 tháng một lần vì cảm thấy thuốc làm tăng khả năng tập trung và suy nghĩ sáng tạo hơn. Shulem nói rằng khi làm việc một mình sau nhiều giờ, ông sẽ sử dụng một liều đủ thấp để không ai phát hiện.

Vị CEO sống tại thành phố New York (Mỹ) cho biết áp lực từ các nhà đầu tư có thể khiến những nhà khởi nghiệp công nghệ tìm đến chất kích thích để có những ý tưởng sáng tạo hơn. “Các nhà đầu tư không muốn một người bình thường, một công ty bình thường. Họ muốn một cái gì đó phi thường, và không ai sinh ra đã như vậy", Shulem nói.

Một số thuốc như ketamine được sử dụng trong y tế, do đó không ít giám đốc công nghệ nói rằng dùng thuốc có lợi ích sức khỏe. Các nhà đổi mới công nghệ như Steve Jobs của Apple từ lâu đã nói về việc sử dụng LSD. Tuy nhiên thực tế là những người tự sử dụng đều tự mua và uống chứ không có chỉ định hay kê đơn của bác sĩ.

 Nấm ảo giác tại nhà của Karl Goldfield, người thường hướng dẫn đồng nghiệp dùng chất kích thích. Ảnh: The Wall Street Journal.

Nấm ảo giác tại nhà của Karl Goldfield, người thường hướng dẫn đồng nghiệp dùng chất kích thích. Ảnh: The Wall Street Journal.

“Một vài năm trước, nói về dùng thuốc ảo giác ở Thung lũng Silicon là điều tối kỵ. Bây giờ mọi việc đã thay đổi", Edward Sullivan, Giám đốc điều hành của Velocity Coaching, doanh nghiệp chuyên huấn luyện các nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty, cho biết.

Sullivan nói rằng khoảng 40% khách hàng tỏ ra quan tâm đến thuốc ảo giác, trong khi 5 năm trước chỉ có một số rất ít. Thậm chí, một số huấn luyện viên cho biết họ hỗ trợ các đội ngũ lãnh đạo tổ chức dùng thuốc trong công ty. Kỳ vọng của các doanh nhân là chỉ cần dùng một liều nhỏ và thuốc sẽ giảm bớt lo lắng hoặc tăng cường sự tập trung, và một số người cho biết sẵn sàng dùng liều cao hơn khi cần tìm ra một ý tưởng đột phá.

Giá đắt phải trả khi lạm dụng thuốc

Giám đốc điều hành đã bị sa thải của công ty khởi nghiệp Iterable, Justin Zhu, cho biết đã dùng LSD theo lời giới thiệu của một doanh nhân khác nhằm đối phó với chứng trầm cảm do trở thành CEO. Dùng thuốc cũng là lý do khiến Zhu bị hội đồng quản trị sa thải.

Musk công khai hút cần sa vào năm 2018 trên podcast The Joe Rogan Experience. Tỷ phú cũng đã nói với mọi người rằng có dùng liều nhỏ ketamine để điều trị chứng trầm cảm và dùng liều lớn hơn tại các bữa tiệc, theo những người đã chứng kiến Musk dùng thuốc.

 Justin Zhu, cựu Giám đốc điều hành của Iterable, cho biết ông đã từng sử dụng LSD theo lời giới thiệu của một doanh nhân khác để giúp đối phó với chứng trầm cảm. Ảnh: Bloomberg.

Justin Zhu, cựu Giám đốc điều hành của Iterable, cho biết ông đã từng sử dụng LSD theo lời giới thiệu của một doanh nhân khác để giúp đối phó với chứng trầm cảm. Ảnh: Bloomberg.

Việc các sếp công nghệ dùng thuốc cũng có thể tạo ra văn hóa độc hại trong công ty, bình thường hóa việc sử dụng chất kích thích. Một cựu nhân viên tại nhà máy của Tesla ở Fremont, California (Mỹ), nói rằng công ty này dung túng đối với việc sử dụng cần sa và thuốc ảo giác ngoài giờ làm việc và nhân viên không bị xét nghiệm định kỳ. Người này cũng nói rằng cảm thấy được khuyến khích bởi Musk, Giám đốc điều hành của Tesla, vì tỷ phú này thường xuyên đùa về chất kích thích trên Twitter.

Các chuyên gia y tế cho biết những người tự mua và dùng thuốc có thể rơi vào tình trạng nghiện hoặc lạm dụng. “Không có gì đảm bảo rằng người tự dùng thuốc sẽ đạt được tác động tích cực", Alex Penrod, chuyên gia về chứng nghiện ở Austin, Texas (Mỹ), cho biết.

Penrod cho biết ông ủng hộ việc sử dụng chất gây ảo giác với sự trợ giúp của bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu được đào tạo, nhưng trên thực tế nhiều người dùng chỉ lấy lợi ích lâm sàng của chất gây ảo giác làm cái cớ để biện minh cho việc sử dụng bừa bãi.

Khi sử dụng các loại thuốc mà không có sự trợ giúp của các chuyên gia được đào tạo, người dùng dễ rơi vào tình trạng tự hủy hoại bản thân hơn là đạt được hiệu quả tích cực, theo Sullivan.

Đó là những gì đã xảy ra với Tony Hsieh, cựu Giám đốc điều hành của Zappos, người đã qua đời vào cuối năm 2020 sau một vụ cháy nhà. Hsieh tin rằng ketamine có thể giúp mình giải quyết những thách thức kinh doanh khi làm việc tại Zappos, công ty thuộc sở hữu của Amazon, nhưng rơi vào tình trạng lạm dụng, theo WSJ. Dưới áp lực từ Amazon, Hsieh đã từ chức ngay trước khi qua đời.

Hoàng Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-mat-ma-cac-ty-phu-cong-nghe-deu-muon-che-giau-post1443597.html