Bí mật nhà máy thủy điện cổ xưa nhất Việt Nam: Ẩn mình nơi ít ai nghĩ đến, ngày nay vẫn còn hoạt động

Nhà máy thủy điện này được xây dựng vào năm 1942. Hiện tại nó vẫn được khai thác nhưng với công suất lớn hơn trước, các thiết bị cũng được thay mới hiện đại hơn nhiều.

Công trình thủy điện được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam là thủy điện Ankroet, nằm ở địa phận xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), cách TP Đà Lạt 15km. Công trình này do người Pháp xây dựng vào năm 1942, đến năm, 1946 thì lần đầu phát điện. Thủy điện Ankroet còn được công nhận chính là nhà máy thủy điện đầu tiên cảu Đông Dương.

Một góc cổng thủy điện Ankroet

Một góc cổng thủy điện Ankroet

Thiết kế ban đầu của thủy điện Ankroet là 600 kW, nhỏ hơn hàng trăm lần khi so với các thủy điện hạng trung ngày nay. Điều này cũng dễ hiểu bởi công trình này ngày trước chủ yếu chỉ cấp điện cho các biệt thự quanh vùng mà thôi.

Thủy điện Ankroet do người Pháp thiết kế nên mang nét đặc trưng của vùng tây nam nước Pháp và kiến trúc công xưởng đặc trưng đầu thế kỷ 20. Công trình này xây bằng đá chẻ, liên kết bằng mạch vữa. Trước đây nó được thi công chủ yếu bằng sức người. Ấy thế mà đến hiện tại thủy điện Ankroet vẫn rất kiên cố, vững chãi và hoạt động đều.

Với người dân, du khách, thủy điện Ankroet còn đặc biệt hơn nữa khi có cảnh quan nên thơ như trong những cuốn cổ tích. Nhà máy thủy điện này trông giống một biệt thự nghỉ dưỡng hơn. Quá trình ngăn dòng khi làm thủy điện Ankroet đã tạo nên hồ Suối Vàng thơ mộng giữa rừng thông, là địa điểm nổi tiếng ở Lâm Đồng ngày nay.

Năm 1960, người Nhật đã nâng công suất thủy điện Ankroet lên 3.100 kW để phục vụ xây dựng thủy điện Đa Nhim. Đến năm 2004, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nâng công suất nhà máy này lên 4.400 kW. Cũng kể từ đó, sản lượng điện nơi đây bình quân tăng gần 22 triệu kWh/năm, nhận nhiệm vụ cung cấp điện cho Đà Lạt và hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm nhà máy thủy điện lâu đời nhất Việt Nam (17/10/1945 - 17/10/2015), nhà máy thủy điện Ankroet đã chính thức thay thế, đưa vào vận hành hệ thống điều khiển nhà máy theo công nghệ mới, chuyển hệ thống điều khiển nhà máy từ bán tự động sang công nghệ tự động hiện đại. Công nghệ mới này sẽ giúp giảm sức lao động và nâng cao độ an toàn cho người điều khiển thiết bị tại nhà máy.

Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-mat-nha-may-thuy-dien-co-xua-nhat-viet-nam-an-minh-noi-it-ai-nghi-den-ngay-nay-van-con-hoat-dong/20240912081918842