Bí mật ở lò huấn luyện sĩ quan bảo vệ tiếp cận

Để có nguồn nhân lực bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ, các sự kiện đặc biệt quan trọng, đoàn khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam, định kỳ 5 năm, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tổ chức một khóa đào tạo sĩ quan bảo vệ tiếp cận. Để có tên trong danh sách học viên - bước đầu tiên để trở thành sĩ quan bảo vệ tiếp cận luôn là niềm mơ ước của rất nhiều cán bộ chiến sĩ Cảnh vệ.

Lớp học không dành cho “người thường”

5h sáng, chuông báo vang lên, hơn 50 học viên lớp sĩ quan bảo vệ tiếp cận khóa 6 có mặt tại đúng vị trí xuất phát đã định tại cổng Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (đóng tại huyện Ba Vì, Hà Nội) bắt đầu ngày mới.

Các sĩ quan bảo vệ tiếp cận trên các phương tiện nghiệp vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ di chuyển trên đường.

Các sĩ quan bảo vệ tiếp cận trên các phương tiện nghiệp vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ di chuyển trên đường.

Đầu tiên là bài rèn luyện thể lực chạy bền 5km quanh thôn Nghe, xã Vân Hòa 2 vòng với sự giám sát của cán bộ Trung tâm Huấn luyện. Trừ những ngày mưa quá to hoặc những ngày tham gia bảo vệ các kỳ cuộc lớn, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, bất kể trời oi bức hay lạnh buốt, bài tập chạy bền được duy trì đều đặn trong suốt… 10 tháng huấn luyện. Và đây chỉ là bài tập đầu tiên cho một ngày học tập, rèn luyện với cường độ cao của các học viên lớp đào tạo sĩ quan tiếp cận.

Do tính chất đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ sĩ quan tiếp cận, nên tiêu chuẩn và công tác tổ chức kiểm tra, tuyển chọn cán bộ để đào tạo đòi hỏi phải đảm bảo chặt chẽ, khắt khe. Trước hết, CBCS ứng tuyển phải đảm bảo phẩm chất chính trị, đạo đức, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tốt nghiệp đại học công an hoặc tốt nghiệp đại học ngành ngoài đã qua bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ Công an, trong đó ưu tiên CBCS có năng khiếu về võ thuật, bắn súng; tuổi đời không quá 35; nam cao 1m72 và nữ 1m60 trở lên; ngoại hình cân đối, sức khỏe tốt, chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18.5 - 24.9.

Võ thuật, bắn súng là 2 nội dung huấn luyện đặc biệt quan trọng và bắt buộc dành cho sĩ quan bảo vệ tiếp cận.

Võ thuật, bắn súng là 2 nội dung huấn luyện đặc biệt quan trọng và bắt buộc dành cho sĩ quan bảo vệ tiếp cận.

Sau khi qua vòng sơ tuyển, CBCS tiếp tục trải qua khâu kiểm tra sức khỏe lâm sàng; kiểm tra kỹ năng bắn súng, bơi, võ thuật. Với mục tiêu đào tạo đội ngũ sĩ quan bảo vệ tiếp cận có đủ năng lực và trình độ làm việc độc lập trong môi trường quốc tế nên ứng viên còn phải đạt yêu cầu về ngoại ngữ và tin học.

Để đảm bảo yêu cầu ngày càng cao, chương trình đào tạo lần này được bổ sung 10 nội dung mới so với các khóa trước gồm: Các nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước và các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước khi đi công tác; bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; phát hiện, thu thập tin tức bằng phương tiện kỹ thuật; đội hình bảo vệ yếu nhân và xử lý tình huống nghiệp vụ; các yếu tố tự nhiên, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phương hướng giải quyết; an ninh hàng không, bảo vệ tiếp cận và xử lý tình huống trên máy bay; các biện pháp phòng cháy chữa cháy cơ bản, quy trình giải quyết khi có sự cố cháy nổ xảy ra; thực tập, diễn tập giải quyết tình huống chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giảng dạy; nghiệp vụ lễ tân ngoại giao.

Đặc biệt, chương trình đào tạo đã có một bước tiến mới khi Bộ Tư lệnh phối hợp với Lữ đoàn Biệt động 1 thuộc Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật đặc nhiệm; phối hợp Lữ đoàn Đặc công 126 thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân huấn luyện nội dung bơi đường dài 5km, bơi bí mật và lặn sâu, lặn xa không có khí tài; phối hợp Trung tâm ngoại ngữ quốc tế giảng dạy cho học viên theo chương trình chuẩn quốc tế, kết thúc khóa học, học viên phải thi lấy chứng chỉ quốc tế, đạt trình độ tương đương TOEIC từ 450 trở lên, giao tiếp cơ bản với người nước ngoài.

Các học viên luyện tập kỹ năng xử lý tình huống bảo vệ đối tượng cảnh vệ dự sự kiện gặp sự cố cháy.

Các học viên luyện tập kỹ năng xử lý tình huống bảo vệ đối tượng cảnh vệ dự sự kiện gặp sự cố cháy.

Vì vậy, từ gần 100 ứng viên là CBCS đang công tác tại các đơn vị trong Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ở cả 3 miền, đơn vị mới chọn được 56 cán bộ đủ tiêu chuẩn tham gia lớp đào tạo sĩ quan bảo vệ tiếp cận khóa 6, trong đó chỉ duy nhất 1 cán bộ nữ.

Thượng tá Bùi Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cho biết: “Chương trình đào tạo sĩ quan bảo vệ tiếp cận khóa 6 này được đánh giá là toàn diện và chất lượng nhất, sát với yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ; trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng ưu việt nhất trên các lĩnh vực, nhất là về nghiệp vụ và giao tiếp, giúp sĩ quan bảo vệ tiếp cận có đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế, làm việc nhóm và tác chiến độc lập”.

Hành trình hơn 300 ngày khổ luyện

Theo chương trình đào tạo lớp sĩ quan bảo vệ tiếp cận khóa 6 năm 2023, các học viên được trang bị kiến thức thông qua 27 nội dung lý thuyết và 7 nội dung thực hành. Trong đó 6/7 nội dung thực hành được huấn luyện với cường độ rất cao trên thao trường, bãi tập, chiếm trên 50% thời gian huấn luyện toàn khóa.

Do tiêu chí tuyển chọn đầu vào cao nên trong quá trình huấn luyện, giáo viên huấn luyện các nội dung bơi lội, võ thuật, bắn súng bỏ qua bài tập cơ bản để tập trung huấn luyện nâng cao, huấn luyện chuyên sâu, đặc thù, sát với thực tế công tác, chiến đấu, hình thành cho học viên các kỹ năng chuyên biệt như: phán đoán, đánh giá sát tình hình, chủ động tác chiến linh hoạt, nhanh, mạnh, dứt khoát, không rườm rà, nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ.

Trung tá Vương Bích Hòa, giáo viên huấn luyện môn bơi cho biết, ngoài nội dung bơi nghiệp vụ gồm bơi vũ trang, bơi bao gói, bơi cứu nạn, các học viên còn phải rèn luyện các kỹ năng bơi đường dài 5km nhằm tăng thời gian và khả năng vận động dưới nước; bơi bí mật và lặn sâu, lặn xa không có khí tài nhằm bí mật tiếp cận, áp sát, khống chế đối phương dưới nước. Đặc biệt, quá trình huấn luyện, các học viên còn được thực hành kỹ năng xử lý tình huống nghiệp vụ dưới nước. Đây là nội dung mới trong phương pháp huấn luyện, giúp học viên có thể vận dụng hiệu quả những kiến thức đã học vào thực tiễn xử lý tình huống.

Trong câu chuyện với tôi, Thượng úy Nguyễn Văn Hải chia sẻ, bài tập bơi dài 5km là một thách thức lớn đối với hầu hết các học viên. Vị trí luyện tập là hồ Đồng Mô, vừa sâu, vừa rộng, đòi hỏi các học viên phải có thể lực và kỹ thuật tốt, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Quá trình luyện tập, lớp chia làm 4 tổ, thành viên trong tổ bơi theo hàng dọc và được nối với nhau bằng một dây thừng. Nếu trong lúc bơi, một thành viên trong tổ vì mệt mà muốn bỏ cuộc cũng không được vì sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích chung và chịu sức ép từ các thành viên trong tổ. Vì vậy, chỉ có mỗi cách là phải cố gắng và thật cố gắng.

Luyện tập xử lý tình huống bảo vệ đối tượng cảnh vệ ở dưới nước.

Luyện tập xử lý tình huống bảo vệ đối tượng cảnh vệ ở dưới nước.

Để có sức bền, chịu đựng tốt, giúp học viên sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc liên tục trong thời gian dài và trong bất kỳ môi trường, điều kiện thời tiết, cùng với nội dung huấn luyện võ thuật nâng cao, các học viên còn phải trải qua nội dung rèn luyện thể lực. Ngoài bài chạy dài 5km đối với nam, 3km đối với nữ, các học viên còn phải hoàn thành bài huấn luyện vượt chướng ngại vật K16. Đây là bài tập tổng hợp huấn luyện thể lực rất nặng vì một đường chạy 100m nhưng có tới 16 vật cản, học viên phải vận dụng các kỹ năng như: chạy vượt chướng ngại vật, leo dây đứng, leo dây ngang, đi thăng bằng, trườn, sấp... nên mệt hơn chạy bền rất nhiều, đòi hỏi các học viên phải có sức khỏe rất tốt mới có thể hoàn thành bài tập.

Bắn súng là một nội dung huấn luyện bắt buộc và đặc biệt quan trọng, tạo nên đặc trưng riêng biệt của sĩ quan bảo vệ tiếp cận. Với thời gian 30 ngày lên lớp, các học viên phải sử dụng thành thạo các loại vũ khí; thuần thục 12 bài bắn nâng cao, đảm bảo tính chuyên nghiệp, có phản ứng nhanh và độ chính xác cao. Trong đó kiểm tra đánh giá chất lượng học viên 7/12 bài bắn khó nhất.

Theo Trung tá Hồ Văn Lâm, giáo viên môn bắn súng: “Một trong những bài khó là bắn 3 giây vì đòi hỏi học viên phải có phản ứng cực nhanh để vừa đảm bảo về tốc độ bắn, vừa đảm bảo yêu cầu về độ chính xác cao. Bài phối hợp cũng là một thử thách lớn. Ở bài này, bắn súng ngắn vào 5 bia đĩa sắt nhỏ với chiều cao cột bia khác nhau. Sau đó nhanh chóng sử dụng súng tiểu liên vận động bắn 3 tư thế nằm, quỳ, đứng bắn”.

Luyện tập xử lý tình huống bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi bị khủng bố tấn công.

Luyện tập xử lý tình huống bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi bị khủng bố tấn công.

Nội dung kỹ chiến thuật đặc công lần đầu tiên được đưa vào huấn luyện, thể hiện tư duy chiến lược của lãnh đạo Bộ Tư lệnh trong công tác đào tạo sĩ quan bảo vệ tiếp cận. Với các bài huấn luyện sát với thực tế yêu cầu công tác cảnh vệ như: kỹ thuật vận động, tiếp cận, đột nhập xe ôtô, đội ngũ chiến thuật, võ chiến đấu đặc công; kỹ năng sơ cứu ban đầu… do giáo viên của Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 giảng dạy. Các học viên đã được trang bị và vận dụng thành thạo, linh hoạt các kỹ năng phòng, chống khủng bố trên các địa điểm như rừng, núi hay trong thành phố, nhà cao tầng, các mục tiêu trọng yếu, địa điểm tổ chức sự kiện chính trị quan trọng… theo phương châm tấn công bất ngờ, tiêu diệt và bắt gọn đối tượng khủng bố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ.

Để đáp ứng yêu cầu công tác, tạo điều kiện cho học viên vận dụng, tiếp thu hiệu quả những kiến thức đã học thông qua thực tế, lãnh đạo Bộ Tư lệnh đã duyệt cho học viên lớp tham gia bảo vệ các kỳ cuộc bảo vệ lớn của đơn vị như: bảo vệ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các kỳ họp Quốc hội; đảm bảo an ninh, an toàn Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Vương quốc Campuchia và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; tham gia đội tuyển của Bộ Tư lệnh thi đấu tại Hội thi Điều lệnh, quân sự, võ thuật và Đại hội khỏe Vì an ninh Tổ quốc năm 2024.

Cường độ tập luyện cao, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không tránh khỏi tâm lý mệt mỏi. Nhưng vượt qua thử thách, 56 học viên khóa đào tạo sĩ quan bảo vệ tiếp cận năm 2023 đã hoàn thành xuất sắc chương trình huấn luyện với yêu cầu cao nhất. Hiện các học viên của lớp đều được phân công về các đơn vị nghiệp vụ như: Phòng Bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế; Phòng Cảnh vệ miền Nam.

Nghị lực phi thường của nữ học viên duy nhất

Sinh năm 1993, Đại úy Nguyễn Thu Hương là nữ học viên duy nhất của lớp đào tạo sĩ quan bảo vệ tiếp cận khóa 6.

Tháng 6/2015, sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, Nguyễn Thu Hương về nhận công tác tại Ban Chính trị - Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Một năm sau đó, Nguyễn Thu Hương được chuyển sang công tác tại Ban Tổ chức Lễ viếng, thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, hướng dẫn đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với mong muốn được khám phá năng lực của bản thân, được thử sức ở lĩnh vực công tác mới, Nguyễn Thu Hương đăng ký tham gia ứng tuyển và trở thành nữ học viên duy nhất Lớp đào tạo sĩ quan bảo vệ tiếp cận khóa 6 năm 2023.

Đại úy Nguyễn Thu Hương với bài tập thể lực vượt chướng ngại K16.

Đại úy Nguyễn Thu Hương với bài tập thể lực vượt chướng ngại K16.

Một trong những nguyên tắc của các khóa đào tạo sĩ quan tiếp cận là không có sự ưu ái nào dành cho học viên nữ; không có sự phân biệt về độ tuổi trong các nội dung huấn luyện. Vì vậy, cũng như 55 học viên nam, Thu Hương phải trải qua đầy đủ 34 nội dung huấn luyện lý thuyết và thực hành. Được giáo viên huấn luyện ở các nội dung đánh giá cao về kết quả học tập cũng như ý trí và nghị lực vượt khó.

Trong câu chuyện với tôi, người mẹ 2 con nhỏ tâm sự: “Mặc dù đã lường trước được khó khăn, nhưng khi vào huấn luyện em không nghĩ quá trình huấn luyện lại khắc nghiệt đến vậy. Có những ngày rèn luyện thể lực kết hợp huấn luyện võ thuật với cường độ cao, trong điều kiện thời tiết mưa, nắng thất thường, đến cuối ngày em cảm thấy đuối thực sự. Trở về nhà không muốn động chân, động tay vào bất cứ việc gì”.

Do con nhỏ, bố mẹ đều ở xa, chồng cũng là cán bộ trong ngành nên suốt 10 tháng huấn luyện, điều duy nhất Hương được ban tổ chức lớp học ưu ái hơn các đồng nghiệp nam là được… về nhà hàng ngày. Vậy là để theo được khóa đào tạo, hàng ngày bất kể trời nắng hay mưa; mùa đông hay mùa hè, Hương đều phải dậy từ 5h sáng, chuẩn bữa sáng cho cả gia đình. Sau khi đưa con lớn đến lớp, 6h30 Hương bắt xe tuyến lên Trung tâm huấn luyện trên Ba Vì. Kết thúc một ngày luyện tập với cường độ cao trên thao trường, 18h cô lại bắt xe tuyến về. Hai vợ chồng chia nhau cơm nước, tắm rửa cho con, dọn dẹp nhà cửa, kèm con học bài… Mọi việc trong ngày chỉ kết thúc vào lúc 23h đêm.

“Chương trình huấn luyện lớp đào tạo sĩ quan tiếp cận vốn đã rất cao và khó với tất cả các học viên. Và những học viên nữ như em thì khó khăn nhân lên rất nhiều lần. Có lúc mệt mỏi, em nghĩ chắc mình không theo được; rồi lại nghĩ, mình ở lại tập trung có khi lại rảnh và đỡ mệt hơn là đi về. Nhưng mà nghĩ thương chồng, thương các con; chồng đồng hành, chia sẻ, các thầy cô ở trung tâm, các anh em học viên cùng khóa động viên, khích lệ, tạo điều kiện và còn danh dự của cá nhân nên em quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành khóa học”.

Tháng 12/2024, Đại úy Nguyễn Thu Hương chính thức nhận quyết định đầu quân về Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế - một trong những đơn vị nghiệp vụ xương sống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Dù bận rộn với công việc ở đơn vị mới nhưng với cô, 10 tháng huấn luyện ở lớp học đặc biệt này mãi là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời quân ngũ.

Hải Đường

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/bi-mat-o-lo-huan-luyen-si-quan-bao-ve-tiep-can-i756527/