3 vấn đề cần duy trì để phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xác định phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh.

Một lớp học của Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT.

Một lớp học của Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gợi mở, trước tiên, cần làm rõ các khái niệm phẩm chất và năng lực; căn cứ xác định, phương pháp hình thành, phát triển và cách đánh giá các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi ở học sinh.

Đề cập đến phẩm chất và các phẩm chất chủ yếu cần phát triển ở người học, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết phân tích, theo nghĩa rộng, phẩm chất bao gồm cả đức lẫn tài. Tuy nhiên, từ trước đến nay, để hình dung một cách đầy đủ về nhân cách và yêu cầu bồi dưỡng nhân cách con người, các tài liệu ở Việt Nam đều phân giải những đặc tính làm nên giá trị của con người thành đức (phẩm chất tâm lí) và tài (phẩm chất trí tuệ).

Yêu cầu “phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực” nêu trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là sự tiếp nối truyền thống xây dựng con người toàn diện có đức có tài, vừa hồng vừa chuyên của dân tộc.

Theo quan niệm nói trên, phẩm chất được hiểu là “những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người”. Phẩm chất được đánh giá bằng hành vi, còn năng lực được đánh giá bằng hiệu quả của hoạt động.

 GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Internet.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Internet.

Nêu những vấn đề cần tiếp tục giải quyết, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi: Thứ nhất, phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Đây là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người quan tâm để đánh giá chương trình, xem xét, điều chỉnh, xây dựng chương trình các môn học mới (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có).

Theo đó, những việc cần làm để phát triển chương trình như sau: Điều chỉnh, bổ sung chương trình;cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực; xây dựng chương trình giáo dục dành cho các đối tượng chuyên biệt; điều chỉnh nội dung giáo dục của địa phương; đảm bảo tính chủ động trong xây dựng kế hoạch của nhà trường.

Thứ hai, thống nhất giữa Chương trình và các văn bản về đánh giá kết quả giáo dục. Sau Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 27), Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT (Thông tư 22).

Khác với Chương trình, Thông tư 27 quy định đề kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo ba mức:

Mức 1, nhận biết (nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;

Mức 2, kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;

Mức 3, vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống”. Có thể thấy các mức độ nhận thức nêu trong Thông tư 27 đều không có tên gọi và ở cả ba mức đều có yêu cầu vận dụng để giải quyết vấn đề.

Đối với cấp THCS và THPT, Thông tư 22 không quy định các mức độ nhận thức. Việc ra đề kiểm tra áp dụng 4 mức: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cao như hướng dẫn tại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần rà soát, điều chỉnh các thông tư và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về đánh giá kết quả giáo dục để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục phổ thông.

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình. Tính đến thời điểm này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được hiện thực hóa thành sách giáo khoa tất cả các môn học ở cả ba cấp học và thực hiện trong phạm vi cả nước.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tạo nên những chuyển biến tích cực trong dạy, học và quản lí giáo dục. Tuy nhiên, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có giáo dục phổ thông là sự nghiệp lớn. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu lí luận và thực tiễn, không ngừng hoàn thiện chương trình và việc thực hiện chương trình để công cuộc đổi mới thực sự “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”.

Minh Phong (ghi)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/3-van-de-can-duy-tri-de-phat-trien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-post717833.html