Thực hành tiết kiệm - Hành động từ những việc nhỏ
'Tiết kiệm là quốc sách', đã khá phổ biến trên toàn thế giới. Thế nhưng, trong xã hội ta, không ít người vẫn mang tâm lý 'thừa hơn thiếu', xem nhẹ giá trị của những điều nhỏ nhặt. Điều này dẫn đến nghịch lý: Ai thực hành tiết kiệm thường bị gán cho là hà tiện, bủn xỉn. Chính sự xem thường ấy khiến chúng ta vô tình bỏ lỡ cơ hội giữ gìn tài nguyên và rơi vào những lãng phí đáng tiếc trong đời sống hằng ngày.
Thực tế, tiết kiệm không hề đi liền với hà tiện, bủn xỉn, ki bo như không ít người vẫn thường suy diễn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề tiết kiệm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô... Chỉ một ngày sau khi thành lập nước, khi nói về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã nhấn mạnh: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”.
Kể từ đó, cụm từ liên quan đến 4 đức tính mà Bác Hồ viết hoa luôn thường trực trong Người, thể hiện đậm nét qua nhiều bài nói, bài viết về vấn đề này. Đặc biệt, năm 1949, Người viết một số bài đăng trên báo “Cứu quốc” về cần, kiệm, liêm, chính, góp phần vào việc giáo dục đạo đức cho các cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Trong bài “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Bác chỉ ra một cách cụ thể: Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Và ai cần phải tiết kiệm? Người khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.
Với Bác, “nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to”, “Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra”, “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm”.
Tiết kiệm từ những việc nhỏ, đối với những cán bộ công quyền có thể là việc ra khỏi phòng thời gian lâu là phải tắt điện, tắt điều hòa, là việc dùng giấy hai mặt, là việc không tham nhũng vặt thời gian, tài sản của công, là trách nhiệm hơn với công việc, là sử dụng ngân sách hợp lý, chính đáng, phù hợp... Tiết kiệm nơi công sở cũng chính là việc cắt giảm những chi tiêu không cần thiết liên quan đến hội hè, lễ lạt, tiệc tùng; những công việc mang tính hình thức, không thực chất...
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm nói riêng, về CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH nói chung đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, phù hợp với tình hình đất nước và bối cảnh thế giới. Ngày 13/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Chống lãng phí” được lan tỏa rộng rãi trong xã hội, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bài viết đề cập đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí, về sự tiết kiệm.
Tổng Bí thư cho rằng: “Không chỉ là thường xuyên căn dặn, nhắc nhở, bàn luận về tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua, huy động, hội tụ tiềm lực, sức mạnh chiến thắng thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Tổng Bí thư đề cập rằng, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí..., về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Tổng Bí thư chỉ rõ, chúng ta “chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức”.
Đúng là chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc tiết kiệm, thực hành tiết kiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm. Trong bối cảnh đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sự lãng phí là điều không thể chấp nhận, bởi như Bác Hồ căn dặn: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”; “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Chống lãng phí, tất nhiên, phải đi liền với thực hành tiết kiệm. Thực hành tiết kiệm, phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, vì như Bác dạy, “nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to”...
“Một số rất to” ấy, luôn đúng trong mọi trường hợp, hoàn cảnh, ngành nghề, ở mọi đơn vị, địa phương. Ví như mỗi thành viên trong gia đình có ý thức tiết kiệm từ đồ ăn, thức uống, việc sử dụng điện, chi phí sinh hoạt hằng ngày không xa hoa, lãng phí. Ví như mỗi người biết chắt chiu hơn trong việc chi tiêu quá mức vào ăn chơi, xe cộ, dù là tiền cá nhân rõ nguồn gốc đi nữa, cũng không nảy sinh, hình thành thói quen không tốt trong sinh hoạt sau này, với người thân và những người chứng kiến trong xã hội.
Tiết kiệm từ những việc nhỏ, đối với những cán bộ công quyền có thể là việc ra khỏi phòng thời gian lâu là phải tắt điện, tắt điều hòa, là việc dùng giấy hai mặt, là việc không tham nhũng vặt thời gian, tài sản của công, là trách nhiệm hơn với công việc, là sử dụng ngân sách hợp lý, chính đáng, phù hợp... Tiết kiệm nơi công sở cũng chính là việc cắt giảm những chi tiêu không cần thiết liên quan đến hội hè, lễ lạt, tiệc tùng; những công việc mang tính hình thức, không thực chất...
Nếu mỗi người không thực hành tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất, không ý thức duy trì nó thường xuyên, liên tục, trở thành nền nếp thì thật khó để hình thành cái gọi là văn hóa tiết kiệm. Như trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra một trong những giải pháp, đó là: “Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác,” “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.
Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày”.