Bí mật sau những chuyến xe chở cây rừng ở Quảng Trị: Ai chịu trách nhiệm?
Ngày 9-8, ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho biết đơn vị đã có công văn gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung bài viết 'Điều tra: Bí mật sau những chuyến xe chở cây rừng ở Quảng Trị' của Báo Người Lao Động số ra ngày 7-8.
Từ đó, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Cùng ngày, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết đơn vị vẫn đang phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, xác minh phản ánh của Báo Người Lao Động. Trước đó, qua kiểm tra, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa và UBND xã Hướng Linh xác định ven hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị có 42 cây sau sau bị đào bứng, trong đó có khoảng 39 cây đã được vận chuyển khỏi hiện trường. Ngoài ra, nhiều cây tự nhiên tái sinh ở gần khu vực trên cũng bị triệt hạ.
Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, để xác minh, làm rõ những thông tin liên quan, cơ quan chức năng sẽ mời đại diện nhà xe Hồ Đạt (địa chỉ tại thị trấn Khe Sanh) - có phương tiện vận chuyển cây sau sau mà Báo Người Lao Động phản ánh - để làm việc.
Trong sáng 9-8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị, xác nhận một số cây sau sau bị đào bứng, cưa hạ nằm trong hành lang bảo vệ hồ chứa. Năm 2010, công ty đã cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa và bàn giao các mốc cho các xã liên quan quản lý. Việc cắm mốc bảo vệ hành lang nhằm bảo vệ an toàn hồ đập, chống các hành vi gây sạt lở hồ chứa, bồi lắng lòng hồ và môi trường nước.
"Nhiệm vụ của công ty là quản lý, vận hành công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị để thực hiện 4 chức năng chính là bổ sung nước cho nông nghiệp, phòng lũ, cấp nước sinh hoạt và phát điện hòa lưới quốc gia phục vụ kinh tế - xã hội. Phía công ty không được giao quản lý số cây tự nhiên tái sinh trên hành lang bảo vệ mà việc này thiết nghĩ do địa phương và lực lượng kiểm lâm phụ trách" - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, mọi hoạt động của các cá nhân, tổ chức trong hành lang bảo vệ hồ chứa phải được cấp phép và có ý kiến đồng thuận của công ty, bảo đảm an toàn hồ chứa mới được phép thực hiện. Vì vậy, việc cây tự nhiên tái sinh trong hành lang bảo vệ hồ chứa đã đi vào vận hành bị đào bứng, cưa hạ trái phép là không thể chấp nhận.