Ngôi nhà thị trấn cổ Phù Dung có kiến trúc truyền thống của miền nam Trung Quốc, gọi là Điếu Cước Lâu.
Đây là kiểu nhà sàn được xây dựa theo độ dốc của thế núi, nửa sau nhà nằm trên bề mặt núi, còn nửa trước chìa ra ngoài, trụ là những cột chống gọi là Điểu Cước. Xây nhà trên vách đá giúp tiết kiệm đất, đồng thời cũng mang tính an toàn quân sự cao và thuận tiện cho giao thông thủy.
Các chuyên gia phân tích rằng, đá ở Phù Dung trấn hình thành từ trầm tích đáy biển, do đó cực kỳ rắn chắc và ổn định.
Những ngôi nhà này cũng được xây dựng tránh chỗ có khe nước, nền đất rất ổn định và các cột chống không tiếp xúc với nước. Những ngôi nhà cổ này đều được xây bằng gỗ và không dùng đinh sắt.
Thị trấn cổ Phù Dung đã tồn tại suốt 2.000 năm và là nơi sinh sống chủ yếu của người Thổ Gia, một trong những dân tộc thiểu số lâu đời nhất ở Trung Quốc.
Phù Dung trấn có cảnh quan độc đáo và sơn thủy hữu tình, thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, thác nước ở trấn này có độ cao 60m, rộng 40m, và màu nước thay đổi theo mùa, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp.
Trấn Phù Dung còn là điểm du lịch hòa nhập giữa cảnh sắc thiên nhiên và phong tục dân tộc giản dị.
Nơi này còn sở hữu những di tích văn hóa quan trọng, như trụ đồng Khê Châu ghi lại lịch sử của người dân Thổ Gia và hậu trường quay bộ phim "Trấn Phù Dung".
Buổi tối ở Phù Dung yên tĩnh, chỉ có tiếng nước chảy ào ào của thác nước, tạo nên cảm giác thanh tịnh.
Trấn Phù Dung là một ngôi làng có vẻ bình thường nhưng lại mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa. Nơi đây được mệnh danh là tiểu trấn bên sông đẹp nhất Trung Quốc.
Mời quý độc giả xem thêm video: Hé lộ bí mật “khó nói” đằng sau chiếc long bào của Càn Long.
Thiên Trang (TH)