Bí mật văn hóa cổ xưa trong bảo vật Quốc gia 3.500 tuổi ở Đắk Nông
Sưu tập đàn đá Đắk Sơn có niên đại khoảng 3.500 năm tìm thấy tại tỉnh Đắk Nông, vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Sưu tập đàn đá này có hình thức độc đáo và là nhạc cụ cổ xưa nhất của cư dân thời tiền sử vùng Tây Nguyên.
Sưu tập đàn đá độc đáo
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 về việc công nhận 33 bảo vật Quốc gia (đợt 13, năm 2024).
Trong đó, có sưu tập đàn đá Đắk Sơn, niên đại khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông.
Thông tin từ bản thuyết trình về hiện vật của Bảo tàng tỉnh Đắk Nông cho biết, sưu tập đàn đá Đắk Sơn là hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện ở thôn Đắk Sơn (thuộc địa bàn xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vào năm 2014.
Sưu tập đàn đá này gồm 16 thanh. Trong đó, có 11 thanh nguyên vẹn, 5 thanh gần nguyên vẹn (4 thanh gãy đôi và 1 thanh gãy ba), nhưng vẫn có thể gắn, chắp nguyên dạng và đủ điều kiện để nghiên cứu loại hình về kỹ thuật chế tác, thực hiện các chỉ số đo đạc về trọng lượng, chỉ số độ dài, rộng và dày.
Sưu tập đàn đá Đắk Sơn được chia thành 3 nhóm tách biệt và 2 thanh lẻ. Trong đó, nhóm 1 gồm 3 thanh đàn đá (1 thanh nguyên vẹn, 1 thanh bị gãy đôi và 1 thanh bị gãy ba nhưng vẫn có thể gắn thành một thanh hoàn chỉnh). Nhóm 2 gồm 7 thanh đàn đá (4 thanh nguyên vẹn, 3 thanh bị gãy đôi nhưng vẫn có thể gắn thành một thanh hoàn chỉnh). Nhóm 3 gồm 4 thanh đàn đá còn nguyên vẹn.
Đặc biệt, các thanh đàn đá đều được chế tác từ loại đá Rhyolite (đá phiến biến chất), loại đá nguyên liệu chế tác đàn đá thường được phát hiện, nghiên cứu ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Khi gõ bằng vật cứng với một lực nhất định đều cho tiếng âm thanh ngân/vang xa, trong trẻo, âm sắc đanh gọn, giữa các thanh đá có độ trầm bổng khác nhau.
Trên bề mặt các thanh đá, lớp áo ngoài (lớp patin được hình thành từ quá trình phong hóa) khá giống nhau có màu xám tro, xám vàng. Bên trong lõi đá (quan sát các thanh bị vỡ, sứt mẻ) có màu đen như sừng, trên bề mặt đá có những chỗ còn lộ ra thớ xiên theo đường thẳng hoặc những mặt khá phẳng.
Kiểm tra các lõi đá có thể ghi nhận cấu trúc đá không bở rời như loại đá phiến sơ cấp mà là loại đá phiến khá chặt. Đó chính là hiện tượng biến chất do tác động địa vật lý tạo nên và được các nhà khoa học xác định là "đá phiến biến chất" (Schiste Métamorphique).
Tháng 8/2016, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tổ chức Hội đồng giám định khảo cổ học sưu tập đàn đá tìm thấy tại xã Đắk Sơn. Kết quả, Hội đồng nhất trí đánh giá sưu tập đàn đá Đắk Sơn là sưu tập gồm các các thanh đàn đá thời tiền sử, có niên đại khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay.
Tháng 10/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) đã tiến hành điều tra, thăm dò, khai quật và nghiên cứu tại địa điểm phát hiện đàn đá Đắk Sơn.
Qua đó, phát hiện hơn 200 hiện vật chủ yếu là công cụ rìu tứ giác, hình thang, đục tứ giác, đục dạng khối tam giác, đục hình trụ, mảnh vòng trang sức, mảnh bàn mai, thổ hoàng, mảnh gốm,... Trong đó, có nhiều công cụ lao động, vòng tay có sự tương đồng về chất liệu đá, kỹ thuật chế tác với các thanh đàn.
Nhạc cụ cổ xưa nhất của cư dân thời tiền sử
Bản thuyết trình về hiện vật của Bảo tàng tỉnh Đắk Nông cũng nêu rõ, qua các kết quả nghiên cứu, phân tích cho thấy, sưu tập Đàn đá Đắk Sơn là một nhạc cụ cổ độc đáo được chế tác có chủ định từ rất xa xưa bởi chính những người thợ thủ công tiền sử.
Theo đó, những người thợ thủ công tiền sử có kinh nghiệm rất hoàn hảo từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật chế tác đàn đá thành thạo, điêu luyện với trình độ kỹ thuật cao thể hiện qua dấu tích các vết ghè đẽo, tu chỉnh cẩn thận, tỉ mỉ trên các thanh.
Cho đến nay, sưu tập Đàn đá Đắk Sơn có những tương đồng về đặc trưng cơ bản như chất liệu, loại hình, kỹ thuật chế tác với các bộ sưu tập đàn đá ở Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, như: sưu tập đàn đá Lộc Hòa (tỉnh Bình Phước), gồm 14 thanh đàn; sưu tập đàn đá Bình Đa (tỉnh Đồng Nai), gồm 51 hiện vật (có 5 thanh nguyên và 46 đoạn, mảnh); sưu tập đàn đá Đa Kai (Bình Thuận), gồm 15 thanh và 6 mảnh.
Tuy nhiên, khi so sánh trên các quan hệ chi tiết các số đo trọng lượng, kích thước, từng tần số thanh đàn trong các bộ sưu tập có thể thấy sưu tập đàn đá Đắk Sơn đa dạng và phong phú hơn hẳn so với các bộ đàn đá khác, với 16 thanh có trọng lượng dao động trong khoảng 1,5kg đến 6,2kg...
Theo nhận định của các chuyên gia, sưu tập đàn đá Đắk Sơn là những hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa. Đồng thời là sản phẩm văn hóa tinh thần, nhạc cụ cổ xưa nhất của cư dân thời tiền sử vùng Tây Nguyên.
Sưu tập đàn đá Đắk Sơn là tư liệu vật thật, sống động không chỉ giúp cho các nhà khoa học nhận thức một cách cơ bản, đầy đủ về loại hình di vật này, mà còn có thể biết chính xác về niên biểu sáng chế, phương thức sử dụng đàn đá cổ nhất Việt Nam thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới đến sơ kỳ kim khí ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thời điểm mà "loài người biết đến âm giai" và từ những âm giai đã tạo lập nên những âm thanh làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân thời tiền sử.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Lung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông cho biết, sưu tập đàn đá Đắk Sơn là sưu tập đàn đá có giá trị văn hóa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên. Đây là những sáng tạo văn hóa nghệ thuật bản địa, tạo lập một không gian văn hóa tinh thần vùng cao nguyên Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ trong gần một thiên niên kỷ (từ nửa cuối thiên niên kỷ II đến khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên).
Cho đến ngày nay, đàn đá vẫn là một loại hình nhạc cụ quý hiếm còn được lưu truyền và sử dụng trong dân gian. Chúng vừa là những nhạc cụ, cũng vừa là những vật biểu trưng mang tính nghi lễ trong đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên.