Bị Nga 'hớt tay trên', cuộc săn lùng vũ khí của Ukraine bế tắc
Các nhà môi giới vũ khí và quan chức chính phủ nói rằng Moscow đang đe dọa người bán và trả giá cao hơn để ngăn chặn khả năng tiếp cận vũ khí của Ukraine.
“Nếu (Nga) khiến (vũ khí) biến mất khỏi thị trường, Ukraine sẽ không thể mua chúng”, một cựu quan chức quân đội Mỹ, có kinh nghiệm kinh doanh vũ khí của Nga trong nhiều thập kỷ, cho biết.
Khi giao tranh ở Ukraine chuyển dịch về phía đông và ngày càng rơi vào thế có lợi cho Moscow, Kyiv đang cố gắng sử dụng các hệ thống phòng không, xe bọc thép, đạn pháo và đạn dược từ các bên thứ ba để cầm cự.
Cuộc chạy đua vũ khí này phụ thuộc rất lớn vào viện trợ từ phương Tây. Nếu không thể nhận thêm vũ khí với tốc độ nhanh hơn, Ukraine sẽ thất bại ở Donbas, theo Wall Street Journal.
Tuy nhiên, các nhà môi giới vũ khí phương Tây và quan chức Ukraine cho biết Moscow thường trả giá cao hơn đối với các thiết bị từ thời Liên Xô hoặc do Nga sản xuất - vốn quen thuộc với binh sĩ Ukraine - nhằm ngăn chặn nỗ lực “săn lùng” vũ khí của Kyiv. Đồng thời, Nga cũng đang gấp rút củng cố các kho vũ khí ngày càng cạn kiệt của họ.
Nhiều lần bị “hớt tay trên”
Trong một cuộc họp giao ban tại Washington vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói rằng nước này và Mỹ đã tìm kiếm 23 quốc gia nắm giữ kho vũ khí và thiết bị do Nga sản xuất, để mua và chuyển giao cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, một phần sự trợ giúp của họ đã rơi vào bế tắc.
“Chúng tôi có thể tìm thứ (vũ khí) này ở đâu?”, ông Wallace nói. “Đôi khi chúng tôi tình cờ gặp những người Nga cũng đang tìm kiếm ở một số quốc gia. Họ cũng cần một số nguồn tiếp tế vì (thiết bị quân sự) của họ đang dần cạn kiệt”.
Các quan chức của Bộ Quốc phòng Ukraine đã thừa nhận khó khăn này, nhưng từ chối bình luận công khai. Trong khi đó, người phát ngôn của Đại sứ quán Nga tại Washington không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Vào tháng 5, các công ty môi giới của Cộng hòa Czech và Ba Lan đại diện cho Ukraine đã hoàn tất thỏa thuận mua xe bọc thép và đạn pháo do Nga sản xuất, với một nhà cung cấp Bulgaria. Tuy nhiên, một nhóm người Armenia sau đó đề nghị trả thêm 50% và đã giành được hợp đồng, một nghị sĩ Ukraine hiểu rõ cuộc đàm phán cho biết.
"Chúng tôi hoàn toàn biết rõ rằng (số vũ khí này) sẽ không đến Armenia, và có thể sẽ đến Nga", nghị sĩ này nói. “Họ biết chúng tôi đang tìm kiếm điều gì và chúng đang ở đâu”.
Các nhà môi giới nói rằng Moscow đã đe dọa các quốc gia về việc ngừng cung cấp những bộ phận và dịch vụ trong tương lai cho các hệ thống vũ khí do Nga sản xuất - vốn là nguồn lực chính cho nền quốc phòng của nhiều nước.
“Đôi khi chúng ta không thực sự chắc chắn điều gì đang xảy ra”, một nghị sĩ Ukraine khác từng tham gia vào các thương vụ vũ khí cho biết. "Nhưng những gì đang thấy khó có thể có định nghĩa nào khác ngoài sự phá hoại".
Ukraine, Mỹ và Anh đôi khi chậm trễ trong các giao dịch và buộc phải chứng kiến các lô vũ khí "bốc hơi". "Điều đó thể hiện sự hiệu quả của Nga, cũng như sự kém hiệu quả của các đơn vị tình báo từ Ukraine và đồng minh", một nghị sĩ khác nói.
Vào tháng 4, Nga đã phản đối đề xuất của Lầu Năm Góc về việc cung cấp cho Ukraine 11 trực thăng quân sự Mi-17 do Nga sản xuất, được Mỹ mua vào năm 2011 cho quân đội Afghanistan.
Bộ Quốc phòng Nga đã gọi quyết định này là một hành vi vi phạm thỏa thuận người dùng cuối, nói rằng việc chuyển giao trực thăng Mi-17 “cấu thành một sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và các quy định trong hợp đồng Nga - Mỹ”.
“Lời cảnh cáo” từ Moscow
Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Ngoài việc bán trực tiếp, các thiết bị quân sự của Nga, cũng như các vũ khí cũ từ thời Liên Xô, thường được mua bán bởi các công ty trung gian, có đăng ký tại Mỹ và các nước phương Tây khác.
Do đó, Moscow đang cố gắng ngăn những bên môi giới này cung cấp vũ khí cho của Kyiv.
“Chúng tôi đã gặp phải vấn đề: Nếu không từ bỏ việc mua vũ khí (để bán lại cho Ukraine), Moscow sẽ chấm dứt việc làm ăn và xử phạt chúng tôi”, cựu quan chức quân đội Mỹ đang làm việc trong ngành kinh doanh vũ khí cho biết.
Theo các nhà môi giới vũ khí phương Tây, trong những năm qua, Moscow thường không phản đối khi họ bán vũ khí do Nga sản xuất.
Trong hơn một thập kỷ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, các nhà môi giới vũ khí phục vụ cho các hợp đồng của Lầu Năm Góc và cơ quan tình báo đã mua thiết bị quân sự do Liên Xô và Nga sản xuất để hỗ trợ Iraq và Afghanistan.
Luật pháp Nga cấm tham gia trực tiếp vào các giao dịch này, nhưng Moscow thường khuyến khích mua bán qua trung gian như một cách để phổ biến các sản phẩm của mình. Ukraine cũng đã bán thiết bị của Nga và Liên Xô cho các nhà môi giới và các nước khác trong nhiều năm.
Đến năm 2014, Nga giành quyền kiểm soát bán đảo Crimea, khiến 2 nước bất ngờ xảy ra xung đột quân sự. Thái độ của Moscow đối với việc bán vũ khí do nước này sản xuất, ít nhất là cho Ukraine, đã đột ngột thay đổi.
“Họ chưa bao giờ phản đối trước đây vì bất cứ lý do gì. Nhưng người Nga đang bước vào và nói ‘chờ đã, chúng tôi không thích điều này nữa’", ông Reuben Johnson, nhà tư vấn quốc phòng Mỹ từng làm việc nhiều năm ở Nga và Ukraine, cho biết.
Các cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đã xuất hiện từ trước khi xung đột nổ ra vào tháng 2.
Năm 2021, chính quyền Cộng hòa Czech đã đổ lỗi cho tình báo quân đội Nga về một vụ nổ chết người xảy ra vào năm 2014, tại kho vũ khí cung cấp cho Ukraine.
Năm 2020, các công tố viên Bulgaria cáo buộc 3 người Nga với tội danh đầu độc thương nhân buôn bán vũ khí người Bulgaria Emilian Gebrev bằng Novichok - một chất độc thần kinh cực mạnh - vào năm 2015. Ông Gebrev từng tham gia môi giới bán vũ khí cho Ukraine.
Nga đã phủ nhận liên quan đến các cuộc tấn công này.
Ông Gebrev sống sót sau vụ đầu độc, nhưng kể từ đó, nhiều người trong ngành công nghiệp vũ khí quốc tế coi sự kiện này là một tín hiệu "cảnh cáo" cho những ai có dự định làm ăn với Kyiv.