Bị Nga tung thông tin tình báo, Đức tiến thoái lưỡng nan
Vụ Nga công bố thông tin tình báo bị rò rỉ của Đức dường như hé lộ những cuộc bàn bạc sau hậu trường của quan chức quốc phòng Đức về vấn đề Ukraine, đẩy Berlin vào thế khó, bị các đồng minh Anh, Pháp chỉ trích gay gắt.
Thảm họa với tình báo Đức
Cuối tuần qua, truyền thông Nga công bố bản ghi âm cuộc điện đàm dài 38 phút giữa các quan chức quốc phòng cấp cao của Đức nhằm thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng như khả năng Kiev triển khai một cuộc tấn công vào mục tiêu là cây cầu ở bán đảo Crimea. Giới chức Nga đã lên tiếng yêu cầu Đức giải thích về thông tin nói trên.
ABC News dẫn thông tin từ Tổng biên tập kênh truyền hình RT của Nga Margarita Simonyan chia sẻ trên Telegram cho biết: "Trong cuộc ghi âm đó, quan chức quốc phòng cấp cao của Đức thảo luận về cách thức đánh bom cầu Crimea".
Cũng theo bà Simonyan cuộc thảo luận này diễn ra ngày 19/2 và giới chức Đức cũng đề cập đến khả năng tổ chức chuyến công du sang Ukraine ngày 21/2 để tham gia điều phối các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu của Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng yêu cầu giới chức Đức "cần có lời giải thích rõ ràng. "Họ cần cung cấp bằng chứng ngay lập tức. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm né tránh câu trả lời sẽ bị coi là lời thú tội" - bà Zakharova nhấn mạnh.
Gần như ngay lập tức, phía Đức lên tiếng chỉ trích, cho rằng hành động này là đang khơi mào cho một cuộc "chiến tranh thông tin" nhằm chia rẽ nội bộ nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố: "Hành động của Nga đã vượt quá mức can thiệp thông tin đơn thuần và họ đã công bố thông tin cuộc thảo luận đó… Đó là một phần của cuộc chiến tranh thông tin mà Tổng thống Nga Putin phát động. Đây là một cuộc tấn công nhằm bóp méo thông tin. Gây chia rẽ và làm suy yếu sự đoàn kết của Đức".
Trong khi đó, theo hãng thông tấn DPA, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đang có chuyến công du tại Rome, cũng đã thừa nhận đây là vấn đề "cực kỳ nghiêm trọng" và cam kết giới chức Đức đang điều tra một cách "cực kỳ cẩn trọng, toàn diện và nhanh chóng".
Đài ARD của Đức đánh giá vụ rò rỉ thông tin này là "thảm họa" đối với ngành tình báo của Đức. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi tạp chí Der Spiegel tiết lộ, cuộc điện đàm này được tiến hành trên nền tảng WebEx thay vì một kênh liên lạc bí mật của quân đội Đức.
Webex Meetings là phần mềm họp trực tuyến nổi tiếng của Cisco (Mỹ) và đang được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động họp hành thông thường.
Mất lòng đồng minh
Đáng nói, trong cuộc điện đàm bị rò rỉ, giới chức quân đội Đức thảo luận về khả năng chuyển giao tên lửa hành trình Taurus với tầm bắn gần 500km cho Kiev trong khi đây là điều mà chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nhiều lần công khai bác bỏ.
Washington Post dẫn lại nội dung trong cuộc điện đàm cho biết giới chức quốc phòng Đức đã nhận định việc vận chuyển và triển khai nhanh chóng tên lửa Taurus tới Ukraine chỉ có thể thực hiện nếu có sự trợ giúp của quân đội Đức. Đồng thời, Berlin có thể huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng tên lửa nhưng việc đó sẽ mất nhiều tháng.
Trong cuộc họp, các quan chức quốc phòng Đức còn thảo luận liệu tên lửa có thể bắn trúng cây cầu quan trọng bắc qua eo biển Kerch, nối Nga với Bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ mà nước này sáp nhập bất hợp pháp từ Ukraine hay không.
Họ cũng bàn đến việc sử dụng các loại tên lửa tầm xa Storm Shadow và SCALP mà Anh và Pháp cung cấp cho quân đội Ukraine, đề cập đến thông tin Anh đã triển khai "một số người trên thực địa" ở Ukraine trong quá trình đưa tên lửa Storm Shadow tới Ukraine.
Theo giới quan sát, nếu những thông tin mà phía Nga cung cấp là sự thật, rõ ràng đã có sự mâu thuẫn trong chiến lược đối phó với Nga ở Ukraine không chỉ giữa nội bộ chính quyền Đức mà còn cả giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz với lãnh đạo Anh và Pháp.
Bởi trước đó chính ông Scholz thừa nhận nếu Đức hỗ trợ Ukraine tên lửa Taurus, họ sẽ không thể kiểm soát loại tên lửa với tầm bắn gần 500km này sẽ nhắm tới đâu.
"Đức không thể kiểm soát và theo dõi mục tiêu như cách Anh và Pháp thực hiện khi cung cấp tên lửa cho Ukraine. Bất cứ ai hiểu về những hệ thống tên lửa này đều biết rõ điều đó", ông Scholz chia sẻ với AP.
Theo Washington Post, tuyên bố trên của ông Scholz như "gáo nước lạnh" tạt vào giới chức Anh và Pháp. Bà Alicia Kearns, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của ông Scholz là "cái tát vào mặt đồng minh" và chỉ trích những thông tin mà ông Schol cung cấp về việc binh sĩ Anh và Pháp tham gia vận hành hệ thống tên lửa mà hai nước nói trên bàn giao cho phía Ukraine là "sai trái và vô trách nhiệm".
Nga trói tay Đức?
Ukraine từng nhiều lần lên tiếng đề nghị Đức cung cấp tên lửa Taurus có tầm hoạt động lên tới 500km với lý do loại tên lửa này có khả năng tăng cường năng lực chiến đấu của binh sĩ Ukraine một cách đáng kể nhằm chống lại các cuộc tấn công của Nga.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn khá ngần ngại trong việc chuyển hệ thống tên lửa này cho Ukraine do lo ngại động thái này sẽ làm leo thang căng thẳng với Nga dẫn tới khả năng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như lời đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sau vụ rò rỉ điện đàm kể trên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann cho rằng việc Nga rò rỉ băng ghi âm có thể là cách để “trói tay” ông Scholz, gây khó khiến ông không thể “bật đèn xanh” trong việc chuyển giao tên lửa này cho Ukraine.
“Nga rất sợ tên lửa Taurus bởi hiệu quả mà chúng có thể mang lại. Nga muốn ngăn chặn Đức hỗ trợ Ukraine loại tên lửa này bằng mọi giá”, bà Zimmermann chia sẻ trên tờ Rheinische Post.