Bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng bài viết cho rằng vụ bé Hạo Nam là không có thật
Cá nhân vi phạm đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng bài viết có nội dung cho rằng vụ việc bé Hạo Nam lọt xuống trụ bê tông sâu 35 m là không có thật.
Theo thông tin của Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Công an huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Lương Thành Đê (sinh năm 1989; ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò) về hành vi lợi dụng mạng xã hội “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” (vi phạm điểm a, khoản 1, điều 101, nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử). Mức xử phạt là 7,5 triệu đồng.
Trước đó, ngày 06/01/2023, Đê đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng bài viết có nội dung cho rằng vụ việc cháu bé 10 tuổi tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp lọt xuống trụ bê tông sâu 35 m là không có thật, phủ nhận công tác cứu hộ của lực lượng chức năng.
Sau khi đăng tải bài viết, có một số tài khoản khác đã vào tương tác và bình luận, gây ảnh hưởng dư luận không tốt về tình hình vụ việc trên. Việc đăng tải nội dung bịa đặt, sai sự thật, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Quá trình làm việc, Đê đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, có thái độ hợp tác, thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi vi phạm, tháo gỡ bài viết kịp thời…
Theo quy định của pháp luật, trường hợp người vi phạm có hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" hoặc "Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc" thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, trường hợp có hành vi bịa đặt, hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì sẽ là tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 Điều này với khung hình phạt từ 1 năm đến 3 năm.
Đặc biệt, nếu người đăng tải nội dung lên mạng xã hội có hành vi tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân hoặc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 5 năm đến 12 năm; trường hợp phạm tội trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.