Bị quản lý giờ làm thêm, sinh viên nói gì?
Nhiều sinh viên cho rằng, việc quản lý giờ làm thêm sẽ hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm, không đáp ứng được nhu cầu làm thêm kiếm tiền chi trả sinh hoạt cũng như đảm bảo cuộc sống cá nhân.
Thông tin Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị về vấn đề nghiên cứu, bổ sung quy định pháp luật để quản lý việc làm thêm của sinh viên, đặc biệt là làm tài xế công nghệ đang tạo ra nhiều luồng ý kiến, nhất là những sinh viên đang làm thêm.
Theo đó, phần đông ý kiến cho rằng, việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên sẽ hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm, không đáp ứng được nhu cầu làm thêm kiếm tiền, chi trả sinh hoạt cũng như đảm bảo cuộc sống cá nhân. Hơn nữa, sinh viên là công dân 18 tuổi trở lên, có quyền hợp pháp để đi làm. Việc đưa ra quy định hạn chế việc làm thêm sẽ ảnh hưởng đến quyền chính đáng của công dân.
"Mình nghĩ quản lý giờ làm thêm như vậy là không hợp lý. Đây là nhu cầu chính đáng của mỗi người, dù là sinh viên hay người khác. Hạn chế giờ làm như vậy nhưng nhà trường hay chính quyền các cấp có thêm chế độ gì để hỗ trợ cho các bạn sinh viên khó khăn hay không?", bạn Lê Hải Anh, một sinh viên ở Huế cho biết.
Cùng chung ý kiến, bạn Hoàng Lan (ở Nghệ An) là sinh viên một trường đại học tại Hà Nội cho rằng, hạn chế giờ làm thêm như vậy có thể ảnh hưởng đến những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
"Chi phí sinh hoạt của sinh viên tương đối lớn, nếu không có thêm các khoản thu nhập ngoài để phụ trợ thì sẽ không đủ kinh phí trang trải. Gia đình mình ở quê, bố mẹ cũng không dư dả, nếu bây giờ không kiếm thêm tiền làm thêm thì không đủ tiền để đi học ở Hà Nội nữa", Hoàng Lan chia sẻ.
Trước ý kiến cho rằng quy định hạn chế giờ làm thêm sẽ giúp sinh viên quản lý tốt việc học, không sa đà vào làm thêm gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, trí lực..., đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng phát triển nền kinh tế tri thức, một số sinh viên cho rằng có thể tự sắp xếp cân bằng giữa học tập và công việc.
"Hiện tại sinh viên chưa có bằng cấp hay kinh nghiệm, chọn làm tài xế công nghệ là phù hợp nhất, vừa có thêm thu nhập, công việc lại linh hoạt, có thể tự sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến việc học hàng ngày", bạn Duy Tuấn đang là sinh viên và làm thêm công việc chạy Grab ý kiến.
Bên cạnh đó, cũng có một số sinh viên cho rằng, đây là quy định tốt, có mục đích rõ ràng nhưng cần được nghiên cứu kỹ càng để khi đưa vào thực hiện không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các bạn sinh viên.
"Theo tôi, việc quản lý giờ làm thêm cho sinh viên là đúng đắn. Mình từng chứng kiến nhiều bạn đi làm từ sáng đến tối, trốn cả học để đi làm xong nhờ người khác điểm danh hộ. Ai cũng có quyền đi làm nhưng thời gian làm phải hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học", bạn Trang Nhung sinh viên ở Nam Định cho biết.
Đồng quan điểm với Trang Nhung về việc phải quản lý giờ làm thêm của sinh viên, tuy nhiên bạn Thu Hà cho rằng quản lý như thế nào, quản lý ra sao để hợp tình hợp lý, sinh viên cảm thấy như vậy là tốt mới là điều khó. Theo Thu Hà, quy định này không chỉ áp dụng cho sinh viên mà cần phải có sự vào cuộc, hỗ trợ của nhà trường và các cơ quan quản lý.
"Nếu không cẩn thận trong việc ban hành quy định thì có thể gây ra phản ứng trái chiều từ cộng đồng sinh viên. Kể cả khi có quy định họ vẫn có cách để làm chui, không công khai... như vậy còn gây ra hậu quả tồi tệ hơn, tạo gánh nặng cho nhà trường và cơ quan quản lý.
Mình nghĩ nên đưa ra quy định nhưng cần có thời gian để áp dụng thử, lắng nghe ý kiến của sinh viên, đồng thời có thêm các chính sách hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... để đảm bảo cuộc sống của mình", bạn Hà nêu ý kiến.