Bí quyết bảo quản nguyên liệu làm nhân bánh mì để tránh bị ngộ độc thực phẩm
Về vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Liên Hoa tại Đà Lạt, Sài Gòn Tiếp Thị xin chia sẻ kinh nghiệm từ đầu bếp chuyên nghiệp về cách bảo quản nguyên liệu làm nhân bánh, vừa đảm bảo an toàn cho thực khách vừa tiết kiệm chi phí cho người bán.
Như Tiền Phong đã phản ánh, từ ngày 18-3 đến nay, tổng cộng có 125 người gồm nhiều đoàn du khách, các vận động viên và người dân bị ngộ độc thực phẩm phải đến bệnh viện cấp cứu và điều trị sau khi ăn bánh mì tại hai cơ sở bánh mì Liên Hoa (Liên Hoa Bakery – Đà Lạt) ở số 9 đường Trần Phú và số 165 đường Phan Chu Trinh.
Các bệnh nhân này phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt… với các triệu chứng lâm sàng như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, sốt. Thức ăn nghi ngờ gây ra ngộ độc thực phẩm là bánh mì thương hiệu Liên Hoa được mua tại hai cửa hàng nói trên.
Sau đó, phòng Y tế thành phố Đà Lạt đã tạm đình chỉ hoạt động của hai cơ sở trên, đến khi nào đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm mới được hoạt động lại. Chiều 24-3, UBND thành phố Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng đối với cơ sở bánh Liên Hoa tại số 9 Trần Phú vì thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn và chế độ kiểm thực ba bước.
Cùng ngày, UBND thành phố Đà Lạt có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị xử phạt hộ kinh doanh tiệm bánh Liên Hoa tại số 165 đường Phan Chu Trinh với mức phạt 102 triệu đồng với các hành vi: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn và chế độ kiểm thực ba bước; thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không đảm bảo vệ sinh.
Nhận xét về vấn đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm bánh mì nhân thịt, đầu bếp Lê Trọng Thuật, Tổng bếp trưởng Melia Ba Vì Mountain Retreat Hà Nội cho biết, về bánh mì, thực khách hiếm khi nào bị ngộ độc thực phẩm với bánh mì trừ khi họ bị dị ứng với gluten(*). Do đó, khả năng cao nhất là bị ngộ độc thực phẩm do nguyên liệu làm nhân bánh mì. Có khả năng thực phẩm ăn kèm bánh mì bị mốc, lên men hay bị nhiễm khuẩn do người bán vệ sinh tay không sạch sẽ hay rau có thuốc bảo vệ thực vật.
Trong các nguyên liệu làm bánh mì, pate và bơ dễ bị ôi thiu nhất. Với thời tiết ngày nắng, tối lạnh như ở Đà Lạt, việc bảo quản không tốt dẫn đến thực phẩm dễ bị hư nhiều hơn. Ngoài ra, phần lớn các tiệm bánh mì để nguyên liệu làm nhân bánh ở ngoài trời, không được bảo quản trong tủ mát nên bụi bặm, nắng, gió, côn trùng, mồ hôi tay… tác động vào, dễ gây ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm chưa chế biến hoặc đã chế biến rồi để trong môi trường tự nhiên thì bốn giờ sau sẽ sản sinh vi khuẩn và bắt đầu quá trình phân hủy.
Theo cá nhân tôi, người bán nên chuẩn bị sẵn đủ số lượng bán trong ngày nhưng chia thành nhiều phần nhỏ bỏ trong hộp, sau đó để vào tủ mát. Ví dụ, mỗi ngày bán được 100 suất, chia thành 5 hộp, mỗi hộp 20 suất rồi bỏ tủ mát. Sau khi bán hết một hộp, người bán hãy lấy hộp khác ra bán, như vậy vẫn đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Trường hợp, nếu số hộp để ở ngoài không bán hết, bị hư hỏng hay phải tiêu hủy, thì số hộp còn trữ trong tủ lạnh vẫn đảm bảo chất lượng để bán tiếp vào hôm sau. Với cách này, người bán vừa giải được bài toán kinh tế vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho thực khách.
(*) Dị ứng lúa mì xảy ra khi cơ thể sản xuất ra kháng thể với protein có trong lúa mì. Trong khi đó, bệnh celiac, còn gọi là dị ứng gluten – một loại protein cụ thể có trong lúa mì – gây ra phản ứng miễn dịch bất thường – Nguồn: Bệnh viện Vinmec