Bí quyết để Bồ Đào Nha thành công trong giải quyết khủng hoảng ma túy

Từ một quốc gia có 1% dân số bị mắc kẹt trong đại dịch heroin những năm 1990, đến nay Bồ Đào Nha có tỷ lệ người sử dụng ma túy thuộc hàng thấp nhất châu Âu. Cách làm của họ nghe qua thì có vẻ vô lý: Coi người nghiện ma túy là bệnh nhân chứ không phải là tội phạm, điều trị thay vì tống giam… nhưng đã đem lại hiệu quả thực sự.

Bồ Đào Nha trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không hình sự hóa các tội về ma túy. Ma túy ở đây vẫn được coi là bất hợp pháp và người vi phạm sẽ bị truy tố vì tội cung cấp hoặc buôn bán ma túy, nhưng hình phạt tương đối nhẹ và với số lượng nhỏ thì sẽ không bị bắt. Đây là điều nổi bật nhất của phương pháp tiếp cận mang tính nhân đạo đối với người nghiện.

Những xe tải di động cung cấp methadone thay thế heroin khá phổ biến ở Bồ Đào Nha

Những xe tải di động cung cấp methadone thay thế heroin khá phổ biến ở Bồ Đào Nha

Kế hoạch vượt qua khủng hoảng

Nguồn gốc cuộc khủng hoảng ma túy Bồ Đào Nha bắt nguồn từ những năm 1970. Cuộc đảo chính năm 1974 đã mang lại nền dân chủ cho Bồ Đào Nha, chấm dứt gần 5 thập kỷ bị cô lập do chế độ độc tài António Salazar áp đặt. Đất nước này nhanh chóng mở cửa với thế giới vào thời điểm ma túy từ các quốc gia như Afghanistan tràn vào châu Âu, bởi thế ma túy nhanh chóng tiến vào Bồ Đào Nha.

“Ở Bồ Đào Nha, thực trạng ma túy xảy ra trên tất cả các tầng lớp xã hội đã tạo cho chúng tôi một cơ hội để thực hiện các chính sách tiến bộ này. Bản chất của hệ thống này là nhận ra rằng các đối tượng nghiện nên được giữ trong hệ thống y tế, chứ không phải ở bên ngoài. Đó là một khởi đầu táo bạo xuất phát từ tầm nhìn bao quát về giải quyết nạn ma túy. Nhưng trong thực tế, nó dựa trên thực tiễn xảy ra”.

Ông Joao Goulao (Chủ tịch Dịch vụ phòng ngừa và điều trị nghiện ma túy quốc gia Bồ Đào Nha)

Đến thập niên 1980, nạn ma túy tồi tệ hơn nhiều khi cuộc khủng hoảng AIDS bắt đầu. Thảm kịch đã xảy ra trên mọi tầng lớp xã hội, theo thống kê, 369 người Bồ Đào Nha đã chết vì sử dụng ma túy quá liều vào năm 1999. Mỗi gia đình đều có người nghiện ma túy hoặc đã chết vì nó, hoặc biết ai đó có nghiện ma túy. Nhà tù chứa đầy người nghiện ma túy. Sử dụng ma túy vào thời điểm đó phải chịu án tù có thể lên tới 2 năm.

Vào giữa những năm 1980, Joao Goulao - một bác sĩ trẻ ở The Algarve, miền Nam Bồ Đào Nha, đã phát hiện ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám vì các vấn đề liên quan đến nghiện ma túy. “Tôi không phải là chuyên gia về ma túy, nhưng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận họ”. Giống như các bác sĩ cộng đồng khác, ông vô tình trở thành một chuyên gia trong việc điều trị nghiện ma túy.

Kinh nghiệm trên mặt trận chống ma túy đã dẫn đến vai trò dẫn dắt của bác sỹ Joao Goulao trong việc thành lập các trung tâm công cộng để điều trị nghiện ma túy trên khắp đất nước vào cuối thập niên 80. Trung tâm đầu tiên được thành lập tại Lisbon vào năm 1987 được Bộ Y tế điều hành, rồi nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Năm 1993, chương trình đổi bơm kim tiêm đã được mở rộng từ các bệnh viện tới các hiệu thuốc trên đường phố. Bất cứ ai cũng có thể đến một hiệu thuốc có đăng ký tham gia chương trình, đổi bơm tiêm đã sử dụng lấy chiếc mới mà không cần phải trình bày. Song song với đó, methadone đã được điều trị nghiện heroin ở miền Bắc Bồ Đào Nha từ năm 1977, rồi phổ biến trên cả nước từ năm 1990.

Chính sách đi liền với thực tế

Đến cuối những năm 1990, nước này bắt đầu xem xét cải cách lập pháp. Chính phủ đề nghị các chuyên gia, bao gồm bác sĩ, chuyên gia công tác xã hội và thẩm phán đưa ra kế hoạch về giải quyết khủng hoảng ma túy.

Theo Kế hoạch được trình bày năm 1998, khuyến nghị tập trung vào cách tiếp cận nhân đạo bao gồm hành động để ngăn chặn lạm dụng ma túy ngay từ đầu, điều trị thay vì trừng phạt, cũng như các chính sách giúp người nghiện tái hòa nhập xã hội. Nó đặt nền móng cho đạo luật năm 2001 không hình sự hóa người nghiện ma túy. “Đó là một khởi đầu táo bạo xuất phát từ tầm nhìn bao quát về giải quyết nạn ma túy. Nhưng trong thực tế, nó dựa trên thực tiễn xảy ra. Nói cách khác, chỉ là chính thức hóa những gì đã xảy ra trên thực tế”, ông Joao Goulao - Chủ tịch SICAD (Dịch vụ phòng ngừa và điều trị nghiện ma túy) ở Lisbon nói.

Thời điểm đó, một số chính trị gia cảnh báo rằng nếu áp dụng quy định mới, Bồ Đào Nha sẽ trở thành một thỏi nam châm cho những người nghiện ma túy. Nhưng Quốc hội đã phê chuẩn kế hoạch này, do nhiều người cùng chung suy nghĩ rằng sự đàn áp không đem lại hiệu quả và phải làm gì đó để giải quyết khủng hoảng.

Khi kết quả tích cực bắt đầu xuất hiện - các ca tử vong liên quan đến ma túy, nhiễm HIV mới và số người nghiện ma túy đều giảm đi, công cuộc chống ma túy tiếp tục nhận được sự hỗ trợ ở tầng lớp chính trị. Minh chứng là ông Joao Goulao, người đứng đầu cơ quan quốc gia về giảm nghiện ma túy, đã giữ nguyên chức vụ này qua 8 chính phủ kế tiếp nhau.

Để người nghiện tự nguyện từ bỏ ma túy

Trên tầng 2 của một tòa nhà văn phòng không có gì đặc biệt gần trung tâm Lisbon, Francisco, một thanh niên độ 20 tuổi có vẻ ngoài khá bồn chồn. Anh ta đang chờ đợi trước khi vào làm việc tại Ủy ban Điều tra nghiện ma túy Lisbon (CDT) để biết về số phận của mình. Bồ Đào Nha có 18 cơ sở như vậy tại các địa phương và đó là mô hình dễ thấy nhất cho phương pháp tiếp cận vấn đề ma túy ở nước này. Đến đây, người nghiện được cấp phát một số lượng ma túy vừa đủ để họ tự sử dụng trong khoảng 10 ngày và ngay trước mặt một hội đồng CDT thường gồm 1 luật sư và 1 chuyên gia y tế hoặc nhân viên xã hội.

Trong trường hợp của Francisco, người tiếp anh là lãnh đạo CDT và 1 luật sư. Francisco nói với hội đồng rằng anh ta mới chỉ dùng ma túy trong 6 tháng qua. Các thành viên CDT không đặt câu hỏi về thông tin cá nhân, thay vào đó, họ nói về tác hại của ma túy đối với sức khỏe và lưu ý sử dụng ma túy vẫn là bất hợp pháp. Thanh niên này sau đó ra về và được nhắn nhủ rằng nếu cần giúp đỡ, anh ta có thể liên hệ với họ.

Những gì Francisco trải qua lần đầu này khá suôn sẻ. Nhưng nếu ai đó đến gặp lần thứ hai, có thể họ sẽ chịu một khoản xử phạt hành chính nhỏ. Mục đích thực sự là mở rộng cánh cửa cho hệ thống y tế. Với những người nghiện, họ có thể đến điều trị y tế bất cứ lúc nào, trên tinh thần tự nguyện và được khuyến khích.

Ở một góc khác, tại văn phòng của bác sỹ tâm thần Nuno Félix da Costa trong bệnh viện Santa Maria, một nhóm đàn ông, hầu hết trên 40 tuổi chờ đợi được vào khám. Dáng người và khuôn mặt họ là bằng chứng của việc lạm dụng ma túy kéo dài. “Tôi đã gặp trường hợp có người đã sử dụng ma túy trong 30 năm và đến với tôi là lần đầu tiên họ thực sự đi cai nghiện. Cách xử phạt mang tính nhân đạo và một chính phủ sẵn sàng hỗ trợ những người này khiến càng ngày càng ít người rơi vào con đường nghiện ngập, như những người ngoài kia”, ông Félix da Costa nói.

Bồ Đào Nha được đánh giá là thành công trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khiến nó khác biệt với các nước láng giềng - mức độ sử dụng ma túy ở nước này thuộc hàng thấp nhất châu Âu. Bồ Đào Nha hiện chưa thể loại bỏ các loại ma túy và có những lo ngại rằng khó có thể duy trì những kết quả đạt được cho đến nay. Chuyên gia Joao Goulao cũng thừa nhận việc thiếu kinh phí và thực tế khắc nghiệt - khó điều trị nghiện ma túy, có thể ảnh hưởng đến chương trình.

Theo báo cáo của Trung tâm giám sát ma túy và nghiện ma túy châu Âu năm 2019, trong gần 2 thập kỷ qua, Bồ Đào Nha đã:

- Giảm 2/3 số người sử dụng heroin, từ 100.000 người năm 1999 xuống còn 33.000 người ở thời điểm hiện tại

- Giảm mạnh số ca tử vong liên quan đến ma túy: từ hơn 1 ca 1 ngày vào năm 1999 xuống còn 30 ca trong cả năm 2016

- Chỉ có 18 ca nhiễm mới HIV trong năm 2016 so với 907 ca vào năm 2000

- Tỷ lệ tử vong do ma túy vào năm 2017 thấp hơn 5,5 lần so với mức trung bình của châu Âu và thấp hơn 50 lần so với Mỹ

Yến Chi (Theo Huffington Post)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/bi-quyet-de-bo-dao-nha-thanh-cong-trong-giai-quyet-khung-hoang-ma-tuy/833784.antd