Bí quyết để có những cánh đồng rau an toàn

Được biết đến là 'vựa' rau an toàn của huyện Đan Phượng (Hà Nội) nghề trồng rau ở xã Thọ An phát triển quanh năm, mùa nào thứ đó với hơn 70% nông dân sống bằng nghề trồng rau. Từ bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và dùng chế phẩm sinh học, hàng trăm hộ nông dân xã Thọ An đã áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ có phương pháp canh tác hiệu quả theo hướng hữu cơ, an toàn, nông dân xã Thọ An không chỉ bảo vệ sức khỏe cho chính mình, mang lại thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp vô cơ, mà còn cho ra thị trường những sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Có tổng diện tích trồng rau màu 1,5ha, hộ gia đình anh Trần Văn Thường (Chi hội nông dân 4, xã Thọ An) đã canh tác các loại như cải canh, súp lơ, cải bẹ... Mỗi năm anh trồng được 7-8 lứa rau màu, năng suất đạt 2,5 tấn/sào/lứa, sau khi trừ chi phí lãi được 9-10 triệu đồng/sào. Đặc biệt, rau của gia đình anh Thường trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ và dùng chế phẩm sinh học thay cho thuốc trừ sâu độc hại.

Anh Thường cho biết, với lợi thế cửa ngõ Thủ đô, Thọ An là thị trường đầy tiềm năng cung cấp các mặt hàng rau củ quả, cùng với nhu cầu sinh hoạt cao, an toàn của người dân, gia đình anh xác định mô hình trồng rau an toàn là định hướng làm giàu. Khi chưa có chế phẩm thuốc trừ sâu thảo mộc anisaf, trước đây, anh thường ủ rơm, rạ và vôi để làm phân hữu cơ chăm sóc hơn 1 mẫu rau của gia đình mình.

Cách làm này khá tốn công nhưng vừa giúp giảm chi phí sản xuất, lại mang đến lợi ích tối đa cho cây trồng, giúp cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Hiện nay, được Hội Nông dân huyện Đan Phượng hướng dẫn và cung cấp thuốc trừ sâu thảo mộc anisaf, gia đình anh Thường đã áp dụng vào mô hình trồng rau tại gia đình.

Hộ gia đình anh Trần Văn Thường thực hiện phun thuốc sâu thảo mộc anisaf.

Hộ gia đình anh Trần Văn Thường thực hiện phun thuốc sâu thảo mộc anisaf.

“Từ năm 2021 đến nay, gia đình tôi chuyên canh trồng rau. Qua chương trình liên kết của Hội Nông dân huyện với công ty chuyên cung cấp thuốc trừ sâu thảo mộc anisaf, gia đình đã dùng để phun cho rau. Vì vậy các sản phẩm rau hữu cơ của gia đình được người dân và thương lái gần xa tin tưởng thu mua.

Việc ứng dụng chế phẩm sinh học thảo mộc trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã giúp nông dân xã Thọ An, huyện Đan Phượng nâng chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Về Thọ An hôm nay, chỉ cần nhìn ngắm những cánh đồng rau xanh mướt là bất cứ ai cũng cảm thấy thư thái. Điều thật lạ là cũng trên những cánh đồng này, cách đây năm, bảy năm, mùi thuốc trừ sâu còn thoảng trong không khí. Những vỏ hộp thuốc trừ sâu do người dân vứt ra đồng ruộng khiến cho đồng quê thêm nhem nhuốc. Hôm nay, Thọ An đã phủ một màu xanh của cây, sắc đỏ của hoa và mùi hương thơm từ những cánh đồng vương vấn qua không khí trong lành.

Xã Thọ An có tổng diện tích tự nhiên 559,12ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 272 ha, đất đai màu mỡ rất thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh. Cùng với đó, nông dân xã Thọ An đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng đào, quất cảnh, đu đủ trái vụ, táo lai, rau màu và chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Trần Văn Dũng với mô hình tổng hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả hữu cơ.

Anh Trần Văn Dũng với mô hình tổng hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả hữu cơ.

Ông Trần Văn Vui - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ An cho biết, mấy năm gần đây Hội Nông dân xã đã tích cực phối hợp với các công ty, nhà khoa học tập trung tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền chăm sóc cây rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi gà, lợn theo hướng sinh học, chăn nuôi bò, ứng dụng công nghệ cao…

Nhờ đó, xã Thọ An đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình ứng dụng công nghệ cao tại trang trại chăn nuôi bò của hộ ông Trần Văn Thắng áp dụng công nghệ của Úc; mô hình trồng đào quất cảnh hộ bà Đào Thị Tần; mô hình trồng táo, đu đủ hộ ông Trần Văn Dũng,… Đặc biệt mô hình trồng rau sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc anisaf, sử dụng phân hữu cơ của hộ anh Nguyễn Văn Khắc (Chi hội nông dân 8) và mô hình hộ gia đình anh Trần Văn Thường (Chi hội nông dân 4) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng đắn mà gia đình anh Thường, anh Khắc cùng hàng trăm bà con nông dân ở xã Thọ An lựa chọn và bảo vệ sức khỏe cho chính mình, mang lại thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp vô cơ. Ngoài ra, sản phẩm cung cấp ra thị trường đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Từ bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và dùng chế phẩm sinh học, hàng trăm hộ nông dân xã Thọ An đã áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ đã nâng cao năng suất, chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, cải thiện thu nhập cho người làm nông nghiệp hữu cơ; góp phần bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững; tăng cường cung cấp vật tư đầu vào theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ.

Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, thảo mộc trừ sâu anisaf rất an toàn, được điều chế từ các loại cây quen thuộc mà ông bà ta đã dùng bao đời nay như bồ kết, hy thiêm, đơn buốt và cúc liên chi dại. Khi sử dụng anisaf định kỳ sẽ ức chế và giảm dần các loại virus, nấm, sâu bọ, giúp rau màu khỏe mạnh, chống lại bệnh tật và cho năng suất cao, rau màu có mùi vị tự nhiên.

Thọ An được quy hoạch là vùng trọng điểm sản xuất rau an toàn của huyện Đan Phượng. Xã đã vận động bà con nhân chuyển đổi từ làm nông nghiệp vô cơ, sang sản xuất hữu cơ đã mang lại những kết quả đáng khích lệ cho bà con nông dân nơi đây. Nhận thức được điều này, nhiều nông dân, hợp tác xã đã đầu tư phát triển, rau màu, cây ăn trái theo hướng sạch để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bi-quyet-de-co-nhung-canh-dong-rau-an-toan-174148.html