Bí quyết giành học bổng ThS của Chính phủ Anh về bình đẳng giới sau 9 năm đi làm

Nguyễn Thị Hồng Nam Ngọc (31 tuổi) xuất sắc giành học bổng bậc học thạc sĩ ngành Nghiên cứu về giới tại Đại học Sussex, Vương quốc Anh.

Sau khi tốt nghiệp ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nam Ngọc đã thử sức với nhiều vị trí tại các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam. Sau đó, Ngọc chuyển sang làm việc trong các chương trình về bình đẳng giới, chống quấy rối trong cộng đồng phụ nữ và trẻ em gái. Niềm đam mê nghiên cứu đã thúc đẩy cô gái trẻ tiến xa hơn với mong muốn tạo ra nhiều đóng góp, hỗ trợ cho phong trào bình đẳng giới ở Việt Nam.

Bí quyết giành học bổng của cô gái 31 tuổi

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng Nam Ngọc cho biết trước đây vì bận rộn việc học và đi làm nên chưa quan tâm tới vấn đề du học. Tuy nhiên sau khi tham gia nhiều chương trình, tổ chức khác nhau về bình đẳng giới, Ngọc nhận thấy những công việc mình làm đòi hỏi chuyên môn và kiến thức cao hơn.

“Công việc tôi làm rất cần sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Vì vậy tôi suy nghĩ nghiêm túc tới việc đầu tư về mặt chuyên môn để có thể đi xa hơn, tạo ra nhiều đóng góp cũng như hỗ trợ cho phong trào bình đẳng giới ở Việt Nam”, Nam Ngọc cho hay.

 Nguyễn Thị Hồng Nam Ngọc giành được học bổng chính phủ Vương quốc Anh, bậc học thạc sĩ ngành Nghiên cứu giới. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thị Hồng Nam Ngọc giành được học bổng chính phủ Vương quốc Anh, bậc học thạc sĩ ngành Nghiên cứu giới. (Ảnh: NVCC)

Học bổng toàn phần của Ngọc bao gồm: tiền học phí, toàn bộ chi phí làm visa, khám sức khỏe, bảo hiểm y tế trong thời gian theo học tại Anh và sinh hoạt phí hàng tháng.

Trước khi xuất sắc giành học bổng toàn phần của Chính phủ Anh Quốc, cô gái 31 tuổi cũng từng trải qua thất bại khi ứng tuyển học bổng khác cùng chuyên ngành của Chính phủ Úc. Không từ bỏ, Nam Ngọc nghĩ bản thân cần mở rộng, thử thách nhiều hơn với các chương trình khác.

“Trước đó tôi từng nghĩ Anh là quốc gia rất nổi tiếng về giáo dục nên cơ hội cho người đến từ cơ quan quy mô nhỏ như mình là rất thấp. Tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm thử vì biết đâu 1% cơ hội sẽ tìm đến”, Ngọc bày tỏ.

Nam Ngọc nhớ lại, thời gian chương trình học bổng của Chính phủ Anh (Chevening) mở cổng hồ sơ vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 năm 2023. Trong thời gian ấy Ngọc vừa tìm trường, tìm khóa học tại Anh, vừa nghiên cứu về quy trình xin học bổng cũng như phương pháp viết luận. Riêng với bài luận, cô bộc bạch rằng bản thân đã mất rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu ý tưởng vì sắp xếp các ý thành một câu chuyện mang tính nhất quán thực sự khó khăn.

“Vì đã có 9 năm làm việc nên tôi phải tự bơi trong những kinh nghiệm ấy rồi nhặt ra những điều có giá trị, phù hợp nhất để đưa vào trong bài luận. Rất nhiều đêm tôi không ngủ được vì suy nghĩ hướng triển khai, cách trình bày câu chuyện để thể hiện được màu sắc cá nhân của bản thân”, Nam Ngọc tâm sự.

Chia sẻ về kinh nghiệm giành học bổng, cô gái 31 tuổi cho biết bản thân luôn chú trọng vào 2 yếu tố quyết định là chuyên môn và ngôn ngữ. Bên cạnh đó, tính chân thật cùng trải nghiệm thực tế cũng là điều quan trọng giúp Ngọc ghi điểm cộng trong vòng phỏng vấn.

 Trong buổi lễ trao học bổng chính thức ngày 16/8 vừa qua, Nam Ngọc là đại diện nhóm nghiên cứu sinh Việt Nam lên phát biểu. (Ảnh: NVCC)

Trong buổi lễ trao học bổng chính thức ngày 16/8 vừa qua, Nam Ngọc là đại diện nhóm nghiên cứu sinh Việt Nam lên phát biểu. (Ảnh: NVCC)

Theo Nam Ngọc, mỗi loại học bổng sẽ có một tiêu chí riêng và nên ưu tiên việc chọn thứ phù hợp nhất với bản thân. Cô gái 31 tuổi cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ: “Hãy luôn tâm niệm rằng học bổng không phải là đích đến mà là mục tiêu phục vụ cho công việc của bản thân. Giành được học bổng rất đáng tự hào nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chỉ thành công khi đạt học bổng”.

Đam mê nghiên cứu và ước mơ được đứng trên bục giảng

Khóa học của Nam Ngọc khá đặc thù - khóa học thạc sĩ nghiên cứu về giới. Ngọc chia sẻ, sau khi ứng tuyển chương trình học bổng Chevening, trang web sẽ gửi một danh sách tất cả trường đại học hợp tác cùng chương trình ấy để người học lựa chọn nộp hồ sơ. Để tỷ lệ giành học bổng cao hơn, Ngọc đã lựa chọn 3 trường với 3 mức độ khó khác nhau, một trường tỷ lệ chọi cao nhất, một trường vừa phải và một trường tỷ lệ chọi thấp nhất.

Cũng theo cô gái 31 tuổi, ngành nghiên cứu về giới là thuật ngữ còn khá mới và được ít người quan tâm ở Việt Nam. Ngành học này thiên về nghiên cứu lý thuyết chính trị, lịch sử, xã hội để người học có cái nhìn sâu sắc, hiểu về những nguyên nhân sâu xa liên quan tới vấn đề về giới, ví dụ như điều gây nên bất bình đẳng giới. Từ việc nghiên cứu kiến thức, người học sẽ xây dựng mục đích hướng tới là tạo ra các phương pháp, cách thức xóa bỏ bất bình đẳng.

Tốt nghiệp ngành Công tác xã hội và từng có thời gian làm những công việc liên quan tới lĩnh vực này trong nhiều năm, Nam Ngọc luôn muốn trau dồi thêm nhiều hơn những kiến thức bản thân được học trong sách vở. Trước khi lọt top 22 trong hơn 500 hồ sơ ứng tuyển du học, cô từng tham gia rất nhiều chương trình, dự án lớn nhỏ. Một trong số đó là dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” được tài trợ bởi tổ chức Plan International Vietnam.

Ngoài ra, Nam Ngọc cũng chia sẻ bản thân được truyền cảm hứng rất nhiều để theo đuổi lĩnh vực này từ các thầy cô đi trước.

“Tôi có cơ hội được làm việc với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS). Thông qua cô, tôi được chỉ dạy thêm các kiến thức chuyên sâu về nữ quyền luận. Tôi nghĩ nếu có thể ứng dụng chúng vào dự án mang tính thực tiễn về thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam là một điều tuyệt vời, tôi luôn ấp ủ điều ấy”, Ngọc chia sẻ.

 Ngọc cùng đồng nghiệp thực hiện dự án về bình đẳng giới. (Ảnh: NVCC)

Ngọc cùng đồng nghiệp thực hiện dự án về bình đẳng giới. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về dự định của bản thân trong tương lai, Nam Ngọc cho biết sau khi tốt nghiệp thạc sĩ cô sẽ về nước làm việc. Cô mong muốn trở thành giảng viên tại các trường sư phạm để được giảng dạy bộ môn bình đẳng giới trong trường đại học. Ngoài ra, Ngọc cũng bộc bạch rằng muốn được cộng tác với Học viện Phụ nữ Việt Nam để truyền đạt nhiều hơn những kiến thức về nữ quyền luận, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền trẻ em gái.

Lệ Nguyễn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bi-quyet-gianh-hoc-bong-ths-cua-chinh-phu-anh-ve-binh-dang-gioi-sau-9-nam-di-lam-post244922.gd