Bí quyết hóa giải áp lực giải ngân vốn giao thông
Với sự đột phá trong cách thức xây dựng kế hoạch, triển khai thi công, các dự án giao thông đạt được nhiều tín hiệu tích cực, trong bối cảnh số vốn cần giải ngân lên tới gần 95.000 tỷ đồng.
Không để công trường bất động
Cận kề cuối năm, chiếc điện thoại của ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA Thăng Long) liên tục tiếp nhận những cuộc trao đổi về diễn biến triển khai các dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư, nhằm có phương án điều hòa dòng vốn.
"Dự kiến kết thúc năm 2023, Ban QLDA Thăng Long sẽ giải ngân được khoảng 97% kế hoạch vốn điều chỉnh", ông Sơn nói và không quên kể khoảng thời gian "cân não" huy động nguồn vốn cho 2/4 dự án chiếm khối lượng giải ngân lớn của đơn vị trong bối cảnh nguồn vốn phục hồi và phát triển KT-XH (vốn phục hồi) phải chờ hướng dẫn của bộ chuyên ngành để phân bổ.
Năm 2023, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây được bố trí hai nguồn vốn gồm: vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và vốn phục hồi được điều chỉnh linh hoạt từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 để giải ngân trong năm 2023 (vốn bố trí cho dự án Mai Sơn - QL45 là 1.000 tỷ đồng; bố trí cho dự án Phan Thiết - Dầu Giây là 700 tỷ đồng).
Đáp ứng mục tiêu giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao, nhiều giải pháp đang tiếp tục được Bộ GTVT quán triệt các chủ đầu tư thực hiện như: phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB, mỏ vật liệu xây dựng; Chỉ đạo đơn vị thi công tập trung nguồn lực tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công; Đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán; Kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt; Kiên quyết điều chỉnh khối lượng và xử lý ngay nhà thầu yếu kém...
Ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ KH&ĐT
Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ các bộ chuyên ngành, đến tháng tháng 5/2023, cả hai dự án đều "tiêu" hết số vốn trung hạn được bố trí, nguồn vốn phục hồi vẫn chưa về.
Nhận định công trường không lũy tiến khối lượng xây lắp, công tác giải ngân sẽ bất động, Ban QLDA Thăng Long đã lên phương án huy động vốn để duy trì tiến độ triển khai hai dự án với tổng giá trị khoảng 500 tỷ đồng. Trong đó, 100 tỷ đồng Ban điều hòa nội bộ từ dự án Mai Sơn - QL45 sang dự án Phan Thiết - Dầu Giây.
Trên cơ sở đề xuất, Bộ GTVT đã điều hòa thêm nguồn vốn từ dự án của một số đơn vị cho hai dự án trên với tổng giá trị khoảng 400 tỷ đồng. Nhà thầu có dòng tiền gối đầu, công trường các dự án thoát cảnh "đói vốn", kế hoạch giải ngân nhờ đó vẫn bám sát kế hoạch.
Tính đến nay, Ban QLDA Thăng Long đã giải ngân được hơn 74% kế hoạch điều chỉnh và đạt gần 78% so với kế hoạch vốn được giao ban đầu (9.100 tỷ đồng).
Trong khi đó, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, chủ đầu tư hai dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cho biết, dự án Cần Thơ - Hậu Giang theo kế hoạch giá trị sản lượng thi công cầu trên tuyến ước đạt 500 tỷ, nhưng với sự tăng tốc của nhà thầu, sản lượng thi công thực tế đạt khoảng 770 tỷ đồng (vượt 150% kế hoạch).
Với dự án Hậu Giang - Cà Mau, với các phương án tăng ca, bổ sung huy động thêm nhân sự, thiết bị, sản lượng thực tế đến nay đạt khoảng 897 tỷ đồng (vượt 140% kế hoạch).
Nhờ xây dựng kế hoạch thi công phù hợp với thực tế, sản lượng giải ngân tại dự án Cần Thơ - Cà Mau vẫn được đảm bảo lũy tiến từng tháng. Trong tổng số vốn 3.000 tỷ đồng được giao năm 2023, đến nay, dự án đoạn giải ngân đạt 2.750 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2023, hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.
Đột phá cách thức xây dựng kế hoạch
Theo ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), đến hết tháng 10/2023, sản lượng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đạt khoảng 63.500 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2,2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 16%).
Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025) chiếm hơn 60% tổng kế hoạch vốn của Bộ GTVT, trong 10 tháng đầu năm, dự án giai đoạn 1 đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng (đạt 69%), dự án giai đoạn 2 giải ngân hơn 33.200 tỷ đồng (đạt 72%).
Một trong những giải pháp đột phá Bộ GTVT đã thực hiện chính là việc thay đổi cách thức trong xây dựng kế hoạch giải ngân. Nếu trước đây, kế hoạch giải ngân được căn cứ trên tiến độ triển khai dự án thì năm 2023, đứng trước kế hoạch vốn rất lớn (khoảng 95.000 tỷ đồng), Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp, bảo đảm giải ngân đúng kế hoạch đã xây dựng.
Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, công tác rà soát, điều hòa vốn cũng được thực hiện thường xuyên giữa các dự án giải ngân chậm và các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
"Từ đầu năm tới nay, Bộ GTVT đã điều chỉnh kế hoạch 7 đợt cho 71 dự án với giá trị vốn điều chỉnh 4.463 tỷ đồng. Việc điều hòa vốn được các chủ đầu tư ưu tiên cho các dự án quan trọng, cấp bách", ông Thìn thông tin.
Một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đánh giá, sở dĩ áp lực giải ngân đang từng bước được hóa giải ở dự án giao thông là nhờ các chủ đầu tư, nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công sát với thực tiễn công trường.
Khó khăn về thời tiết, thiên tai đã được chủ động nhận diện. Thay vì đưa dự án vào thế bị động, các hạng mục công việc triển khai trong thời gian thời tiết bất lợi đã được đề ra rõ ràng.
"Nhận diện được khó khăn, xây dựng được kế hoạch đảm bảo mạch làm việc xuyên suốt từ xây lắp hiện trường đến thủ tục nội nghiệp là mấu chốt giúp các dự án đảm bảo được kế hoạch giải ngân đã đăng ký", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng nói.
Giải ngân vốn giao thông đóng góp lớn vào kết quả chung
Đánh giá kết quả giải ngân của Bộ GTVT đến hết tháng 9/2023, đại diện Bộ Tài chính cho biết, riêng Bộ GTVT (55.917 tỷ đồng) giải ngân gần bằng kết quả của hai thành phố lớn nhất cả nước là TP Hà Nội (25.251 tỷ đồng) và TP.HCM (22.987 tỷ đồng) cộng lại. Điều này thể hiện rõ những đóng góp to lớn của ngành GTVT vào tiến độ giải ngân chung của cả nước.
Thực tế, năm nay là năm nhiều dự án trọng điểm rơi vào ngành GTVT, kết quả trên không chỉ đóng góp chung vào thành tích chung của cả nước mà thể hiện được sự đồng lòng, cách làm tốt từ Bộ GTVT, kết quả này cần được lan tỏa và nhân rộng ở các ngành khác.
Việc hoàn thành tốt kế hoạch giải ngân trong một năm kinh tế bất định, không những diễn ra ở nền kinh tế Việt Nam mà còn phổ biến trên khắp thế giới, Bộ Tài chính cho rằng, kết quả trên xứng đáng là dấu ấn kinh tế năm 2023.