Bí quyết kiếm đậm ở ngôi làng 'phất lên' nhờ 'mổ xẻ' phế liệu tại Bắc Ninh
Ngoài khả năng nhạy bén, để 'phất lên' nhờ nghề 'mổ xẻ' phế liệu, người Quan Độ phải cất công 'săn' hàng khắp nơi, thậm chí thuê 'hoa tiêu' kiếm những lô hàng 'khủng' như máy bay, tên lửa,...
Nghề "ăn" nhau ở độ thính nhạy
Hơn 30 năm gắn bó với công việc thu mua phế liệu, bà Nghiêm Thị Th. (55 tuổi, ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Văn Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, nghề này "ăn" nhau ở độ thính nhạy.
Hễ nghe "phong phanh" ở đâu chuẩn bị thanh lý máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động… là giới buôn đồng nát lập tức đến tận nơi "đặt vấn đề". Dịp gần cuối năm, các đơn vị, công ty dọn kho, thanh lý đồ cũ nhiều cũng là lúc những người thu gom phế liệu càng thêm bận rộn.
Ngoài ra, người theo nghề thu mua phế liệu cũng cần có khả năng tính toán, ước chừng được khối lượng lô hàng để phát giá.
Những ai làm lâu năm, sẵn có kinh nghiệm thì chỉ cần nhìn sơ qua con tàu, chiếc xe tăng hay máy biến thế, máy thông tin,... là có thể biết nó nặng bao nhiêu cân và nắm chắc rằng nếu "tậu" lô hàng đó sẽ lãi được bao nhiêu.
"Thực tế, khi nghe tin có nơi sắp thanh lý, chúng tôi tìm đến để đấu giá và thu mua. Những lô hàng này chứa đủ loại phế liệu nhưng không ai được kiểm tra hay xem xét gì. Bên thanh lý sẽ cung cấp bản danh sách chi tiết số lượng các mặt hàng có trong lô đó rồi chúng tôi phải tự tính toán, cân đo đong đếm xem trả giá bao nhiêu để mua về "mổ xẻ", phân loại sao cho có lãi", bà Th. kể.
Người phụ nữ này cho hay, nghe thì dễ nhưng nghề này không "ngon ăn" và phải biết nắm cơ hội. Một con máy khi mua về, việc đầu tiên là phải "khám" toàn bộ máy kỹ càng, sau đó phân loại xem cái nào còn dùng được thì tháo ra, để riêng, còn cái nào không dùng được thì bán sắt vụn.
Tuy nhiên, việc này cần nhanh nhạy ngay từ lúc đấu thầu, người mua nhìn qua mặt hàng là phải áng chừng được.
Theo chủ xưởng phế liệu 55 tuổi, hình thức thu mua phế liệu như trên khá "hên xui". Nếu may mắn "trúng quả", mua được những cuộn cáp còn mới chưa dùng hay những máy móc vẫn hoạt động tốt thì họ sẽ sửa chữa rồi bán với giá hàng tiêu dùng, kiếm lời nhiều hơn so với bán đồng nát.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp lô hàng phế liệu nhập về bị thiếu, không đủ số lượng các mặt hàng như bản danh sách mà bên thanh lý đưa ra.
"Chúng tôi mua phế liệu theo lô, lượng hàng hóa lớn nên không tránh khỏi rủi ro như thiếu cái này cái kia hay có loại "rác" không bán được, đem về lại đốt, bỏ đi,...
Bởi vậy mới bảo cái nghề này cần độ nhạy, người mua nhìn danh sách lô hàng xong phải tự nhẩm tính xem nếu nhập về thì lời lãi thế nào, rủi ro ra sao,... sau đó mới chốt", bà Th. nhấn mạnh.
Những "mánh lới" buôn đồng nát để kiếm đậm
Nói về bí quyết "phất lên" nhờ nghề thu mua phế liệu, bà Th. bảo do vốn nhỏ, không có gan nên chỉ nhập những lô hàng khoảng vài chục triệu đến trăm triệu đồng.
Còn những người có vốn lớn, lại "máu và liều" cũng như có năng khiếu trong việc định giá hàng nên dám ôm những mối phế liệu từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, thu lời đậm.
Tuy nhiên, theo bà Th., để buôn được những lô hàng "độc" và "khủng" như tên lửa, máy bay, xe tăng, tàu hỏa… mà không phải cạnh tranh với ai, những vị "đại gia đồng nát" làng Quan Độ phải có các mối quan hệ thân thiết khắp nơi, trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Theo lời kể của người địa phương, trước đây trong làng có một đại gia buôn phế liệu từng rước được cả đoàn tàu hơn chục toa và một đầu máy hơi nước về làng để "xẻ thịt" và trúng lớn từ vụ đó. Chưa kể, người này còn gom được cả xe tăng, máy bay quân sự thanh lý...
Sở dĩ những mặt hàng trên được người ta ra sức "săn" bằng được là bởi sự đa dạng và có giá trị, gồm nhiều loại như máy móc cũ hỏng, vỏ bom, mìn đã được xử lý, những đầu máy, ô tô không còn sử dụng được,...
Ông Nghiêm Văn D. - người làng Quan Độ cho hay, nghề thu mua phế liệu nơi đây giờ hoạt động chuyên nghiệp hóa hơn so với nhiều năm trước.
Trước đây, người trong làng thường tự đi "săn" phế liệu, có khi lặn lội khắp Bắc chí Nam rồi đánh xe chở hàng về bãi, xưởng. Sau đó, họ "mổ xẻ", phân loại các mặt hàng và đem bán.
Còn nay, công việc này có thể phân thành hai dạng. Một nhóm chuyên đi thăm dò, tham gia đấu thầu các lô hàng thanh lý. Sau khi thắng thầu, họ chở hàng về Quan Độ rồi sang tay luôn cho nhóm thứ hai chuyên "mổ xẻ" phế liệu tại làng để ăn chênh lệch.
"Có những người chuyên rong ruổi dọc Bắc chí Nam để tìm máy bay, tên lửa, ca-nô, tàu hỏa hay nhà máy, xí nghiệp,... rồi chở về làng bán cho các hộ kinh doanh chuyên "mổ xẻ", phân loại phế liệu tại nhà. Mỗi giai đoạn lại cần những mánh lới riêng", người này cho hay.
Theo ông D., hàng chục năm trước, người Quan Độ thường thu mua được nhiều món phế liệu như máy thông tin, liên lạc của các bưu điện, dây cáp loại thải hay máy móc, rơ-le từ vài đơn vị quân đội,... Tuy nhiên, khoảng 7-8 năm trở lại đây, những loại phế liệu này ít hơn, hiếm được thanh lý.
"Vì là thiết bị quân sự, cần độ chính xác cao nên bên trong những chiếc rơle này chứa khá nhiều chất bán dẫn quý hiếm. Người nào may mắn ôm được lô hàng này về thì đem lọc, phân loại vàng, bạc, bạch kim,... rồi bán cho tiệm kim hoàn, còn đồng, nhôm mang thanh lý sang các làng đúc.
Ngày đó giá vàng, bạch kim khá đắt nên mỗi lô hàng như vậy, họ có thể "trúng đậm", kiếm lãi cao gấp nhiều lần", ông D. kể.
Người đàn ông có thâm niên trong nghề thu gom phế liệu cho biết, nhiều năm trở lại đây, các phương tiện, thiết bị máy móc hiện đại hơn với cấu trúc tinh giản, tích hợp nhiều chức năng. Bởi vậy, người Quan Độ hiếm khi "săn" được những loại phế liệu quý, hiếm và có giá trị cao.
Nhóm phế liệu phổ biến nhất hiện nay, dễ thu gom được số lượng lớn là dây điện, quạt máy, chai lọ nhựa, máy điều hòa, máy biến áp,...
"Dù những loại phế liệu này đem bán không có nhiều lãi nhưng dễ mua, mua được số lượng lớn. Ví dụ sắt, nhựa tuy rẻ nhưng mỗi lần gom được lô mấy tạ hoặc chục tạ, đem thanh lý cũng đủ kiếm lời", ông D. nói thêm.
Thuê "hoa tiêu" chuyên "săn" hàng khắp Bắc chí Nam
Theo lời kể của ông D., để có được những mối hàng lớn như thiết bị, máy móc trong lĩnh vực quân sự hay y tế, cầu đường,... trước đây, các "đại gia đồng nát" ở làng Quan Độ phải thuê hẳn một mạng lưới "hoa tiêu" chuyên nghe ngóng thông tin từ các đơn vị thanh lý trên khắp cả nước.
Họ sẵn sàng "móc hầu bao" trả phí cho "hoa tiêu" chu du nhiều nơi để có thông tin chính xác, nếu thấy ở đâu thanh lý tài sản cũ, đơn vị nào "xả kho" đồ phế liệu thì phải báo về ngay.
Thậm chí, những người hoạt động trong mạng lưới "hoa tiêu" cũng được các "đại gia đồng nát" tuyển chọn kỹ lưỡng, thường là thanh niên trai tráng có khả năng nhạy bén, am hiểu về máy móc, thiết bị,...
Đôi khi, "hoa tiêu" có thể là người từng làm trong ngành hay lái xe đường dài, nắm được "địa bàn" các nơi cần thanh lý đồ cũ,...
Bởi "hoa tiêu" cũng được xem là "bộ mặt" của các vị đại gia này, giúp chủ nhân kiếm được những mối hàng chất lượng, thu lời lãi càng cao thì càng được trả nhiều công.
"Nghề thu gom phế liệu xưa cạnh tranh cao lắm, nếu không có hoa tiêu thì khó kiếm được mối lớn, nhiều hàng giá trị. Mà nhóm hoa tiêu của các đại gia làng Quan Độ cũng đa dạng, đủ lứa tuổi, ngành nghề.
Có lần, ông chủ một xưởng phế liệu tại làng phải thuê người phi công đã nghỉ hưu để tìm hiểu thông tin về chiếc máy bay dân dụng mà họ định đấu thầu từ đơn vị thanh lý. Họ không tiếc tiền chi cho "hoa tiêu" vừa để kiếm mối hàng, vừa để định giá, lượng sức mua", ông D. kể.
Nhờ những "mánh lới" trong nghề, sẵn sàng thuê "hoa tiêu" đi "săn" hàng khắp nơi mà nhiều "đại gia đồng nát" ở làng Quan Độ xưa có thể mua được những lô phế liệu lớn và hiếm.
Không ít người thu gom được những chiếc thủy phi cơ, máy bay dân dụng hay máy bay quân sự, trực thăng, thậm chí cả đoàn tàu hỏa, bến cảng, tăng thiết giáp,... Nhờ đó mà làng ngày càng giàu lên trông thấy, biệt thự, nhà cao tầng mọc san sát nhau, còn xe sang nhiều không đếm xuể.