Bí quyết làm bài hiệu quả cho sỹ tử khi dự thi vào lớp 10
Lời khuyên của các thầy cô giáo dành cho thí sinh sau thời gian dài ôn tập là khi bước vào phòng thi, hãy thật bình tĩnh, hít sâu và thở đều để bớt hồi hộp. Gặp đề khó, các em hãy thử mỉm cười.
Ngày mai, hơn 100.000 thí sinh Hà Nội sẽ dự thi môn đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Với kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện thi, các giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã chia sẻ về những điều thí sinh cần lưu ý khi bước vào phòng thi để làm bài hiệu quả cho từng môn thi.
Hít thở sâu và mỉm cười
Theo các thầy cô, giữ tâm thế bình tĩnh, tự tin là điều quan trọng hàng đầu trước mỗi kỳ thi. Tuy nhiên, giảm các hồi hộp, thậm chí lo lắng, run là tâm lý chung của đa số thí sinh trước kỳ thi quan trọng này.
Để giữ được sự bình tĩnh, thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên dạy môn Toán khuyên thí sinh vào buổi tối trước kỳ thi cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, không nên ăn những món ăn lạ để hạn chế tình trạng dị ứng với thực phẩm gây đau bụng. Các em cũng nên chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập cần thiết cho buổi thi như bút, thước, compa, máy tính…, chuẩn bị sẵn trang phục để sáng hôm sau không mất thời gian tìm kiếm và có cảm giác tâm thế sẵn sàng. Trước khi đi thi, thí sinh có thể nghe một bài hát mà mình yêu thích để tinh thần thoải mái hơn.
“Đừng lo lắng đề dễ hay khó vì thứ nhất, điều đó chỉ làm mình căng thẳng hơn. Thứ hai, nếu đề khó thì cũng khó chung với tất cả thí sinh chứ không riêng bản thân em. Vì thế, nếu thấy hồi hộp, lo lắng, các em hãy hít thật sâu và thở đều để có thể bình tĩnh lại,” thầy Cường nhắn nhủ.
Nguyễn Trung Nguyên. Theo thầy Nguyễn, ý chí và tâm lý vững góp phần quyết định đến kết quả bài thi. Vì vậy, thí sinh cần giữ tâm lý bình thản, không lo lắng.
“Bình tĩnh và tỉnh táo để đọc đề thi thật cẩn trọng, xác định đúng yêu cầu câu hỏi. Nguyên tắc làm bài thi là câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Nếu thấy câu hỏi khó quá, các em hãy cứ mỉm cười, vì lúc đó có nhăn nhó câu hỏi cũng không dễ hơn mà lại làm rối trí hơn trong khi mỉm cười sẽ giúp cho mình bình tĩnh hơn,” thầy Nguyên chia sẻ bí quyết.
Chiến thuật làm bài hiệu quả
Dù có ba môn thi khác nhau nhưng theo các thầy cô, chiến thuật chung cho tất cả các môn là thí sinh phải tuân thủ nguyên tắc: bình tĩnh, đọc kỹ đề, xác định đúng nội dung, phạm vi câu hỏi; câu dễ làm trước, câu khó đánh dấu lại để làm sau; rà soát lại bài sau khi làm xong.
Với môn Toán, thầy Nguyễn Mạnh Cường lưu ý thí sinh cố gắng làm bài cẩn thận, đầy đủ các bước để tránh mất điểm ở những lỗi nhỏ nhặt đáng tiếc như tính toán nhầm, quên đặt điều kiện cho ẩn và đối chiếu điều kiện khi tìm được ẩn, làm tắt, quên kết luận trả lời câu hỏi…
Cũng theo thầy Cường, cấu trúc đề thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội 5 năm trở lại đây tương đối ổn định. Phần cơ bản rơi vào bài 1, 2, 3, 4. Làm chắc phần cơ bản, thí sinh có thể đạt 7-8 điểm. Phần nâng cao nằm ở ý cuối bài 1, ý cuối bài 3, thường đòi hỏi thí sinh phải tích cực suy luận, tính toán, đối chiếu các điều kiện sau khi tìm được biến số hoặc tham số. Làm tốt phần cơ bản và phần nâng cao, thí sinh có thể đạt 8-9 điểm.
Câu hỏi khó thường rơi vào ý cuối bài 4 và bài 5. Đây là những bài đòi hỏi khả năng tư duy sâu sắc, quá trình ôn luyện phải rất kỹ càng. Trong đó bài 4 thường đi theo cấu trúc ý trên gợi ý cho ý dưới, thí sinh hãy vận dụng những gì đã chứng minh được để suy luận, giải quyết ý cuối.
Môn Tiếng Anh là môn duy nhất thi theo hình thức trắc nghiệm. Thầy Nguyễn Danh Chiến khuyên thí nên làm câu nào chắc câu đó, không vội vàng chọn đáp án hoặc viết câu trả lời khi chưa đọc hết cả câu hỏi.
Trước khi làm bài, cần xem đề lướt qua một lượt toàn diện để có nhìn nhận toàn diện; xác định đề yêu cầu gì, có gì cần chú ý; chủ động nhận ra những kiến thức, kỹ năng cần thiết; lượng hóa về số cầu hỏi, thời gian làm bài; xác định phần nào hoặc bài nào hoặc câu nào làm trước, làm sau.
Thí sinh tiết kiệm thời gian thao tác để dành thời gian đọc câu hỏi và làm bài bằng cách bằng cách tô vào Phiếu trả lời trắc nghiệm dứt khoát bằng nét chì đậm; ghi đáp án/phần tự luận vào giấy làm bài.
“Các em chỉ ghi câu trả lời vào giấy nháp khi cần và cẩn thận để tránh ghi vào nháp đúng nhưng tô vào Phiếu trả lời/ghi vào bài làm lại sai,” thầy Chiến lưu ý.
Với môn Ngữ văn,cô Nguyễn Thị Thu Trangcho hay điều quan trọng đầu tiên là thí sinh phải đọc kỹ đề, xác định đúng nội dung, phạm vi câu hỏi để tránh lan man và lạc đề trong câu trả lời.
Các em nên vạch các ý chính trước khi viết để bài viết có bố cục chặt chẽ, rõ ràng, tránh sắp xếp ý lộn xộn, triển khai luận điểm thiếu mạch lạc hay bị lặp ý, dài dòng không đúng trọng tâm.
Những lỗi thí sinh thường gặp như sai kiến thức cơ bản về tác phẩm (nhầm lẫn tác phẩm, tác giả, thể loại…), dùng từ sai hoặc lặp từ, viết sai chính tả, không đúng ngữ pháp; dẫn chứng thiếu cụ thể, chung chung, không tiêu biểu hoặc không thuyết phục…
Để có thể gỡ điểm cho môn Văn, cô Trang khuyên thí sinh nên chắt chiu từng 0,25 điểm bằng cách trả lời rõ ràng bằng câu văn đủ chủ ngữ - vị ngữ cho các câu hỏi nhỏ, bám sát câu hỏi để trả lời không bị lạc đề, không đúng trọng tâm. Việc tìm ý, luận điểm, dự kiến luận chứng, luận cứ trước khi viết đoạn văn cũng giúp thí sinh gỡ điểm./.