Bí quyết nào giúp Nam Định hấp dẫn các 'ông lớn' FDI?

Môi trường đầu tư thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ và lao động chất lượng cao là những bí quyết giúp Nam Định hấp dẫn các ông lớn FDI.

Nhiều doanh nghiệp FDI chọn Nam Định là điểm đến

Ngày 20/7 vừa qua, Tập đoàn Chung Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) đã có cuộc xúc tiến hợp tác đầu tư tại tỉnh Nam Định. Theo ông Hồ Tiểu Phong - Phó Chủ tịch Tập đoàn Chung Nam, Tập đoàn có nhu cầu đầu tư nhà máy sản xuất cụm camera, mắt kính trước và sau của điện thoại, dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 50 triệu USD.

Tập đoàn đã tìm hiểu đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận và cũng đặc biệt quan tâm đến năng lực đáp ứng nguồn lao động, hạ tầng điện, hạ tầng xử lý nước thải... của tỉnh.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Công ty TNHH Top Textiles, thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) cũng đã khánh thành Nhà máy dệt nhuộm có tổng vốn đăng ký 203 triệu USD.

 Lễ khánh thành nhà máy Top Textiles tại Khu công nghiệp Rạng Đông. Ảnh: Nguyễn Hòa

Lễ khánh thành nhà máy Top Textiles tại Khu công nghiệp Rạng Đông. Ảnh: Nguyễn Hòa

Dự án được khởi công từ tháng 7/2022, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với công suất 60 triệu mét vải/năm. Hiện dự án đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đây là dự án công nghệ cao, sử dụng ít công nhân, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt chất lượng cao. Khi hoàn tất đầu tư giai đoạn 2, nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 120 triệu mét vải/năm.

Ông Fukumoto – Giám đốc Tập đoàn Dệt Pacific, đồng thời là Chủ tịch Công ty TNHH Top Textiles cho rằng, Top Textiles là một trong những nhà máy dệt kim lớn với quy trình sản xuất bao gồm các khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện. “Chúng tôi cam kết bảo vệ môi trường, nhà máy xử lý nước thải của chúng tôi có đầu ra đạt chuẩn cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT- tiêu chuẩn cao nhất tại Việt Nam về nước thải công nghiệp. Chúng tôi cũng lắp đặt hệ thống xử lý khí thải để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn cả yêu cầu đối với ngành công nghiệp tại Việt Nam”, ông Fukumoto khẳng định.

Từ đầu năm tới nay, Nam Định đã hấp dẫn khá nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác xúc tiến và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Điều này phản ánh rõ nét qua bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh nửa đầu năm 2024. Theo đó, tính đến hết ngày 20/6, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 39 dự án, bao gồm 20 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 5.572,8 tỷ đồng và 148,9 triệu USD. Như vậy, số lượng dự án gấp 3,4 lần và số vốn đầu tư đăng ký gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, toàn tỉnh có 170 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4,1 tỷ USD.

Ưu tiên các dự án công nghệ cao

Dù chú trọng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Nam Định nhất quán chủ trương ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, bảo vệ môi trường.

Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Ty- Cục trưởng Cục Thống kê Nam Định cho hay: Từ năm 2021, Tỉnh ủy đã chủ trương không thu hút đầu tư dự án sản xuất hàng may mặc, giày dép, trừ ở vùng sâu vùng xa. Bởi những dự án này có thể giải quyết việc làm nhưng thu nhập của người lao động và giá trị gia tăng thấp. Nếu có dự án phù hợp sẽ chuyển về Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông. “Hiện tỉnh tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường”, ông Ty nhấn mạnh.

Trên thực tế, những năm gần đây, các dự án được cấp phép đầu tư vào Nam Định đều là những dự án có công nghệ cao. Ngay cả với dự án dệt may cũng thuộc phân khúc sản xuất nguyên liệu, không phải may gia công đơn thuần. Thành công này của Nam Định, đầu tiên phải khẳng định là do nỗ lực của địa phương trong việc tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động và phối hợp với các nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc phát sinh giúp các dự án triển khai thuận lợi.

Về điều này, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định- Phạm Gia Túc cho hay, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt đã chủ động đầu tư hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đưa vào cung ứng phục vụ sản xuất.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông dần hoàn chỉnh, mạng lưới đường cao tốc thuận lợi kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng. Địa phương đang thúc đẩy đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Nam Định - Phủ Lý với vai trò là trục giao thông chính, huyết mạch nối tỉnh Nam Định và tiểu vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, Nam Định có dân số gần 2 triệu người, nguồn nhân lực trẻ dồi dào với trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 60% dân số), trong đó lao động có tay nghề, trình độ cao chiếm tỷ lệ lớn.

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Nam Định, địa phương bảo đảm cung cấp đầy đủ lượng điện phục vụ sản xuất; hệ thống xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp. Tỉnh đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Những nỗ lực này đã được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận khi cho rằng, Nam Định có rất nhiều dư địa cũng như hấp dẫn các nhà đầu tư FDI.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bi-quyet-nao-giup-nam-dinh-hap-dan-cac-ong-lon-fdi-333771.html