Cần những thay đổi để tài chính công tạo ra các cú hích phát triển

Tài chính công là nguồn lực quan trọng, nhưng cần có những thay đổi nhằm tạo ra các cú hích cho phát triển, PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Thưa PGS. TS. Hoàng Văn Cường, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề cần tăng cường dư địa và nguồn lực để tài chính công phát tốt hơn nữa vai trò của mình?

Thưa PGS. TS. Hoàng Văn Cường, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề cần tăng cường dư địa và nguồn lực để tài chính công phát tốt hơn nữa vai trò của mình?

Để phát huy mạnh mẽ hơn nữa tài chính công, trước hết phải tăng được nguồn lực công lên, vì tăng được mới có nguồn để đầu tư. Tăng nguồn lực công là tăng từ các nguồn thu của ngân sách, tái cơ cấu nguồn thu và tìm nguồn thu theo hướng bền vững hơn. Điển hình là phải tái cấu trúc ngay từ các chính sách thu từ thuế. Mấu chốt phải nghĩ đến tái cấu trúc thuế để có một nguồn thu cho ngân sách bền vững.

Hiện nay, chúng ta cũng đang hướng đến một số chính sách thuế, nhưng một trong chính sách thuế hiện nay chúng ta hầu như chưa đề cập đến là thuế về sử dụng tài sản và thuế tài sản. Chính điều đó làm lãng phí đi một nguồn lực rất lớn. Chẳng hạn như là nguồn lực từ đất đai, việc sử dụng đất đai tạo ra một giá trị gia tăng thì sử dụng giá trị gia tăng này điều tiết vào ngân sách nhà nước như thế nào?

Chúng ta biết rằng hầu hết các nước trong giai đoạn bắt đầu phát triển thì nguồn lực từ đất đai, giá trị gia tăng từ đất đai tập trung vào cho nguồn đầu tư công rất lớn. Nhưng mà Việt Nam hiện nay, giá trị gia tăng lên lại rơi vào cá nhân, không tập trung thành một nguồn lực của Nhà nước được. Cho nên, đây là một nội dung phải tập trung cải cách về chính sách liên quan đến thuế để tăng nguồn thu.

Hiện nay, tỷ trọng thu từ đất đai đạt khá cao nhưng phần lớn trong số đó là thu từ tiền giao đất “một lần là xong” và như vậy đây không phải là nguồn thu bền vững. Trong khi bền vững là phải thu từ tiền thuê, tiền thuế trên đất đó.

Cùng với đó, do tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt nam hiện nay khá thấp, còn khoảng cách xa so với trần nợ công cho phép, trong khi đất nước đang cần đầu tư phát triển nên không đặt nặng vấn đề khống chế nợ công, bội chi ngân sách (ngắn hạn hàng năm) để mở rộng dư địa cho nguồn lực công. Theo đó, trong giai đoạn cần cho đầu tư phát triển thì chắc chắn phải tăng dư địa nợ công lên. Mục tiêu là khống chế an toàn nợ công, chứ không đặt ra mục tiêu hạ thấp nợ công hàng năm mà cần phải mở rộng dư địa này lên, đồng thời với đó là bội chi ngân sách cũng không nhất thiết phải khống chế quá chặt.

Thực tế trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng không đặt vấn đề khống chế cứng các chỉ tiêu này. Như khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội cũng đã cho phép được tăng bội chi thêm 1-1,2% GDP/năm trong 2 năm 2022 và 2023, nhưng trên thực tế không dùng hết, thực tế chỉ bội chi khoảng 3,5% (năm 2022 ở mức 3,07% GDP, năm 2023 bằng 3,5% GDP; bình quân giai đoạn 2021-2023 khoảng 3,46% GDP). Cho nên thời gian tới, tôi cho rằng đây không phải là rào cản.

Chúng ta vẫn cần xác định các chỉ tiêu hàng năm để có cơ sở điều hành về chính sách tài khóa, tiền tệ, nhưng không nên chốt các chỉ tiêu cứng mà nên để trong một khoảng chỉ tiêu. Ví dụ là nên để trong một khoảng dao động, như từ 4-5%, hay từ 3,5-4,5%/năm, về cả bội chi cũng như tỷ lệ lạm phát, thậm chí kể cả chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP cũng nên để trong một khoảng. Như vậy thì dư địa để điều hành tốt hơn. Chúng ta chỉ nên chốt chỉ tiêu cứng cho cả một giai đoạn, ví dụ giai đoạn 5 năm thì phải là một con số chỉ tiêu cụ thể mà chúng ta phải phấn đấu đạt được cho cả giai đoạn đó. Đấy là điều cần phải quan tâm để có dư địa điều hành.

Câu chuyện đầu tư công, nhất là kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ cần như thế nào để giải quyết tốt hơn nữa vấn đề phân bổ và nâng cao hiệu quả, thưa ông?

Tôi cho rằng, phải tiếp tục đổi mới phương thức đầu tư công. Tôi đánh giá cao trong thời gian vừa qua chúng ta đã có thay đổi rất lớn về phân bổ đầu tư công. Nếu chúng ta nhìn lại thời kỳ trước năm 2016 thì tổng tiền đầu tư công hàng năm chúng ta rất thấp nhưng số lượng dự án đầu tư công rất nhiều, trên 10-15 nghìn dự án đầu tư công. Hiện nay, chúng ta giảm xuống chỉ còn khoảng chừng 5 nghìn dự án, mặc dù tổng mức đầu tư công của chúng ta tăng lên gấp đôi. Như vậy cho thấy một điều rất rõ là chúng ta đã tập trung hơn được các nguồn lực đầu tư công và đây cũng là một trong những thành công trong Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công. Do chúng ta phải thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm nên đã hạn chế được tình trạng đầu tư tràn lan, quyết định đầu tư "ngẫu hứng".

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm bản thân nó lại cũng bộc lộ một số nhược điểm như rào cản cho quá trình xác định dự án đầu tư. Do vậy, tôi nghĩ rằng về hoàn thiện luật, chúng ta phải thay đổi theo hướng bên cạnh danh mục đầu tư công 5 năm làm định hướng, cần có kế hoạch đầu tư công 3 năm cuốn chiếu, trong đó có 1 năm lựa chọn từ danh sách 5 năm để đưa dự án vào danh mục và 2 năm tiếp theo để chuẩn bị hoàn thiện và phê duyệt dự án, phân bổ vốn đầu tư.

Như hiện nay, chúng ta biết rằng, muốn đầu tư gì phải đặt trước từ đầu kế hoạch 5 năm, nhưng trong 5 năm sau tình hình thay đổi, dự án có thể không còn phù hợp, cần thay đổi, điều chỉnh. Mặt khác, cũng chính vì chuẩn bị dự án đưa vào kế hoạch 5 năm vội như thế cho nên việc chuẩn bị dự án đầu tư chỉ là “đặt chỗ” cho được, chứ không có giai đoạn chuẩn bị thật kỹ trước khi phê duyệt và phân bổ vốn đầu tư.

Nên tôi cho rằng, hoàn thiện pháp luật đầu tư công cũng cần phải thay đổi cách xét chọn các dự án đưa vào danh mục đầu tư, có thời gian chuẩn bị các dự án trước khi phê duyệt và phân bổ vốn đầu tư, đồng thời phải tập trung vào đầu tư dứt điểm được các công trình mang tính chất cốt lõi, hạ tầng khung từ đó tạo ra những sự thay đổi đột phá cũng như sẽ thay đổi được các yếu tố để tạo cơ hội để thu hút các nguồn từ bên ngoài vào.

Công trình sân bay Long Thành đang trong quá trình thi công

Công trình sân bay Long Thành đang trong quá trình thi công

Nhưng nguồn tài lực Nhà nước, trong đó có đầu tư công cũng không thể nào giải quyết được hết dược những vấn đề của đầu tư của cả xã hội. Vậy thì vấn đề đặt ra là đầu tư công sẽ dẫn dắt đầu tư tư như thế nào, thưa ông?

Đúng vậy, đầu tư công chỉ chiếm khoảng 20-25%, chứ không thể thay thế các khu vực khác được. Nên đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư như thế nào là yếu tố rất quan trọng và dẫn dắt ấy cần thể hiện được ở trên 3 giác độ:

Thứ nhất là phải chọn được những khâu nào hiện nay đang là nút thắt mà đầu tư xã hội, tư nhân không thể làm được thì đầu tư công bỏ tiền vào đấy. Đấy là nút thắt để mở ra thu hút nguồn lực từ khu vực khác đầu tư vào phát triển.

Thứ hai là đầu tư công hợp tác với đầu tư tư nhân (PPP). Thực sự trong thời gian qua chúng ta đã có Luật về đầu tư PPP nhưng phương thức hợp tác công tư thực sự chưa thành công, nhà đầu tư tư nhân chưa mặn mà và chưa thấy yên tâm về rủi ro trong đầu tư vào các lĩnh vực cần hợp tác công tư. Cho nên, cơ chế phân chia lợi ích, chia sẻ rủi ro trong đầu tư PPP cũng cần phải làm rõ.

Đặc biệt một phương thức đầu tư trong PPP mà vừa qua chúng ta đã bỏ đi, đấy chính là phương thức đầu tư theo hợp đồng BT. Nguyên nhân do phát sinh quá nhiều tiêu cực trong giai đoạn trước, chúng ta thực hiện không đúng với bản chất của BT, làm biến tướng cơ chế BT thành cơ chế đổi đất lấy cơ sở hạ tầng nên sinh ra nhiều tiêu cực và thất thoát nguồn lực Nhà nước.

Bản chất của BT là một phương thức đầu tư mà nó huy động được sự sáng tạo của những nhà đầu tư tư nhân để tạo ra những giá trị mới cho các dự án phát triển mới do tài năng, sáng tạo của nhà đầu tư mang lại. Nếu chúng ta làm tốt cơ chế này, tôi nghĩ rằng không phải chỉ huy động được tư nhân vào mà thực sự là phát huy được tài năng, sáng tạo của tư nhân để huy động các nguồn lực, tiềm năng trở thành các nguồn lực phát triển.

Bên cạnh đó, cần tiết kiệm đầu tư công cho những khu vực cần thiết, điển hình như đầu tư cho khu vực sự nghiệp công. Vừa qua, chúng ta đã thực hiện được chính sách tự chủ, nhưng tự chủ không có nghĩa là chúng ta khoán trắng cho các đơn vị tự lo, tự bươn trải, mà tự chủ nhằm phát huy hết những thế mạnh của mỗi đơn vị sự nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và được xã hội chấp nhận chi trả với chi phí cao hơn, cùng với đó là chi trả của Nhà nước dành cho các khâu đầu tư then chốt, cốt yếu cũng như hỗ trợ các đối tượng yếu thế để được tiếp cận dịch vụ với chất lượng cao. Tự chủ là chúng ta thay đổi phương thức và như vậy thì chúng ta sẽ huy động được xã hội hóa cho đầu tư khu vực sự nghiệp công.

Hiện nay, chủ trương xã hội hóa đang vướng phải cơ chế cứng, như rào cản sự tham gia của đông đảo các tầng lớp xã hội đầu tư vào các dịch vụ của khu vực công, trong khi cùng dịch vụ đó, khu vực tư lại đang thu hút nguồn lực rất lớn. Điển hình như trong giáo dục, chúng ta thấy ngân sách đầu tư giáo dục công lập thấp nhưng có rất nhiều những cơ chế lại hạn chế, chưa cho người dân, xã hội tham gia vào đầu tư giáo dục công lập.

Và điểm cuối cùng, chúng ta phải thay đổi phương thức, cách tiếp cận trong đầu tư công. Đầu tư công không có nghĩa là chỉ có Nhà nước bỏ tiền để triển khai các dự án đầu tư như lâu nay thường làm, mà chúng ta phải chuyển hướng sang đặt hàng cho khu vực tư nhân, phải đặt niềm tin và đầu tư ngân sách vào khu vực tư nhân để tạo ra các sản phẩm mà Nhà nước cần phát triển.

Tôi cho rằng, tư nhân sẵn sàng tập trung các nguồn lực để làm nếu như Nhà nước bỏ tiền ra đặt hàng và cam kết dành thị phần theo các mục tiêu đặt hàng. Nếu chúng ta thực hiện được phương thức đặt hàng thì Nhà nước sẽ có được các sản phẩm, công trình như mong muốn, đồng thời tạo ra những cơ sở tiền đề để hình thành những tập đoàn tư nhân có chỗ đứng, có chỗ dựa để trở thành những tập đoàn mạnh, để tạo ra những trụ cột của nền kinh tế và khi đó thực sự đầu tư công sẽ thu hút và dẫn dắt được các đầu tư tư nhân để tạo ra sự phát triển.

Cũng cần mở rộng các lĩnh vực đầu tư công, không phải chỉ ở các công trình hạ tầng, mà phải chú trọng đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào các tiền đề là điều kiện để hình thành và phát triển các lĩnh vực mới...

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-nhung-thay-doi-de-tai-chinh-cong-tao-ra-cac-cu-hich-phat-trien-155265-155265.html