Bí quyết phá kỷ lục của ngôi sao tennis Novak Djokovic là kinh nghiệm tốt cho các VĐV Việt Nam
Hiểu được những bí quyết thành công của siêu sao Novak Djokovic trong tennis có thể giúp các chuyên gia, huấn luyện viên và cả các tay vợt tennis Việt Nam tìm ra cách đào tạo phù hợp.
Không có gì ngạc nhiên với những người hâm mộ tennis khi Novak Djokovic giành chiếc cup Grand Slam thứ 23 tại Pháp trong tháng 6 vừa qua. Chiến thắng này giúp anh trở thành tay vợt nam thành công nhất trong lịch sử.
Theo phân tích của trang The Conversation, tay vợt người Serbia luôn khó bị đánh bại ngay cả khi anh chơi không tốt. Vậy có điều gì khiến anh khác biệt với nhiều đối thủ khác?
Có một số nguyên nhân có thể nhìn thấy ngay được. Đầu tiên là Djokovic sở hữu kỹ thuật điêu luyện và được mệnh danh là "tay quay về - nhanh chóng quay về các vị trí để đỡ bóng" xuất sắc nhất lịch sử môn thể thao này. Novak Djokovic cũng duy trì chế độ ăn kiêng và tập thể dục để đảm bảo mình luôn có sức khỏe tối ưu. Và sự hiểu biết về chiến thuật cũng như cách chơi tennis của anh cũng không nhiều người sánh kịp.
Rèn luyện sức mạnh tinh thần
Nhưng để thực hiện được tốt những điều trên, đó chính là sức mạnh tinh thần đáng nể của Novak Djokovic. Trong 20 năm qua, tay vợt này có lẽ là người thường xuyên lên tiếng và ủng hộ cởi mở nhất cho việc rèn luyện tinh thần, với trọng tâm là nâng cao khả năng thích ứng với những thay đổi và biến cố trong cuộc sống.
Djokovic đã dành một lượng thời gian đáng kể và kế hoạch chi tiết cho việc rèn luyện tinh thần của mình, đồng thời làm việc với các chuyên gia để phát triển sự tỉnh thức của bản thân. Chia sẻ trong cuốn sách năm 2013 của mình, Serve to Win, Djokovic cho biết: "Tôi rèn luyện tinh thần trong khoảng 15 phút và đối với tôi nó cũng quan trọng như việc rèn luyện thể chất vậy".
Sự tỉnh thức là một kỹ năng tinh thần giúp mọi người phát triển suy nghĩ và cảm xúc một cách có ý thức và dần dần thay đổi trọng tâm nhận thức của bản thân. Ví dụ, khi bỏ lỡ một quả giao bóng, bộ não của người bình thường có thể sẽ tràn ngập các suy nghĩ tiêu cực như: Bạn đã bỏ lỡ một quả giao bóng. Bạn sẽ phạm lỗi nhiều hơn nữa. Và trong môn tennis, khi mỗi điểm số đều có thể là mấu chốt thắng hoặc thua, thì những suy nghĩ này sẽ gây ra sự nghi ngờ về bản thân.
Và sự tỉnh thức giúp bản thân mỗi người nhận thức được điều này và tránh phản ứng tiêu cực. Djokovic chia sẻ: Tôi đã rèn luyện sự tỉnh thức nhiều đến mức giờ đây bộ não của tôi tự động hoạt động tốt hơn… Trước đây tôi thường cứng người mỗi khi mắc lỗi. Còn giờ đây, khi tôi thực hiện sai một cú giao bóng hoặc đỡ bóng trái tay, tôi vẫn hơi cảm thấy nghi ngờ bản thân, nhưng tôi biết cách xử lý chúng.
Tại sao khả năng thích ứng lại quan trọng?
Trong thể thao, mọi vận động viên đều có thể mắc sai lầm, ngay cả Djokovic cũng không ngoại lệ. Khả năng thích ứng không phải là giảm hiệu suất mắc lỗi xuống bằng 0 – đây là điều không thể trong các môn thể thao thành tích cao. Khả năng thích ứng là sự thích nghi, phát triển trong nghịch cảnh. Trong các môn thể thao chuyên nghiệp, nghịch cảnh này có thể nhỏ (chẳng hạn như thua một hiệp trong một trận đấu) hoặc lớn (chẳng hạn như chấn thương nặng).
Khả năng thích ứng là điều mà các vận động viên cần phát triển theo thời gian, nỗ lực xây dựng các kỹ năng tinh thần và xã hội ngày một mạnh mẽ hơn để chúng có thể là một lá chắn chống lại những tác động tiêu cực của nghịch cảnh và thất bại.
Để phát triển được khả năng này, các vận động viên cần trải qua một chu trình rèn luyện riêng dựa trên trải nghiệm của bản thân họ. Các kỹ năng tâm lý về kiểm soát cảm xúc rất quan trọng để phát triển khả năng thích ứng. Đây là một quá trình dài, trong đó các vận động viên đánh giá xem khi gặp khó khăn, họ có thể làm gì để cải thiện thành tích của mình thay vì tập trung vào các mối đe dọa thất bại.
Các vận động viên sẽ được đặt vào trong nhiều tình huống khó khăn để họ suy ngẫm về diễn biến tâm lý, phát triển các kĩ năng tâm lý mới và dần dần hình thành được kỹ năng phòng vệ tinh thần mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.
Djokovic phát triển khả năng thích ứng của mình bằng cách thường xuyên đối đầu với 3 nhà vô địch tennis lớn: Roger Federer, Rafael Nadal và Andy Murray. Anh đã thể hiện quá trình rèn luyện tinh thần của mình trong thi đấu với cả thành công và thất bại. Dần dần, có thể thấy sự rèn luyện của Djokovic phát huy hiệu quả cả về mặt tinh thần, thể chất và chiến thuật và sau đó là phát triển tổng thể bản thân. Trong cuốn sách của mình, Djokovic nói về cách anh chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực nảy ra sau mỗi thất bại. "khi những suy nghĩ ấy ập đến… chúng diễn ra dồn dập. Nhưng đó cũng là điều bình thường. Việc bạn cần học là để những suy nghĩ ấy đến và đi tự nhiên".
Yếu tố chính trong quá trình phát triển khả năng thích ứng của Djokovic là tâm thế cởi mở của anh. Djokovic công khai chia sẻ rằng anh hiểu bản thân không thể chơi ở mọi giải đấu và động lực thi đấu của anh cũng được điều chỉnh. Trong tâm lý học thể thao, đây là cách các vận động viên hiểu được bản thân mình, biết mình thích nghi tốt nhất với môi trường nào và có thể đạt được hiệu suất cao nhất tại những cuộc thi nào. Không phải họ sợ thất bại ở những đấu trường khác mà họ chấp nhận giới hạn của bản thân trong quá trình đạt được mục tiêu.
Tâm thế này càng củng cố khả năng thích ứng của Djokovic vì nó giúp anh có thể chấp nhận mọi thứ xảy đến với mình, có thể là chấn thương, lệnh cấm tham gia các giải đấu vì không được tiêm chủng trong thời gian dịch bệnh, những giải đấu cạnh tranh gay gắt nhất hay thậm chí là những cảm xúc bộc phát.
Nói chuyện với ESPN, tay vợt này giải thích: "Tôi ngừng suy nghĩ về những gì có thể xảy ra và tôi chủ yếu dựa vào sức mạnh thể chất và tinh thần của mình để thực hiện những cú đánh phù hợp vào đúng thời điểm". Và chỉ như vậy đã giúp Djokovic mang về những thành tích đáng kinh ngạc trong lịch sử tennis thế giới.