Bí quyết sống hiệu quả giữa thời đại sao nhãng
Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội, nội dung ngắn và tiếng chuông thông báo luôn chực chờ cắt ngang dòng suy nghĩ, khả năng tập trung trở thành một thứ tài sản quý giá nhưng cũng mong manh hơn bao giờ hết.

Cuốn sách Kỷ luật tập trung của Đức Nhân Writer đề xuất phương pháp khôi phục sức mạnh tập trung, giúp cải thiện hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống.
Kỷ luật và Tập trung - Hai trụ cột của cuộc sống hiệu quả
Kỷ luật tập trung xoay quanh một thực tế đáng suy ngẫm: khả năng tập trung của con người đang suy giảm nhanh chóng trong bối cảnh hiện đại. Công nghệ, mạng xã hội, video ngắn, thông báo điện thoại - tất cả tạo ra trạng thái “đa nhiệm ảo” khiến bộ não liên tục bị ngắt quãng. Theo báo cáo của Đại học Harvard (2024), việc sử dụng mạng xã hội trong lúc học tập hoặc làm việc có thể khiến hiệu suất giảm tới 30%.

Sách Kỷ luật tập trung. Ảnh: EB.
Cuốn sách không chỉ nêu ra vấn đề, mà còn đưa ra phương pháp tiếp cận cụ thể và khả thi: rèn luyện kỷ luật cá nhân như một công cụ để lấy lại sự tập trung. Không phải kỷ luật khắt khe kiểu quân đội, mà là một hệ thống nguyên tắc linh hoạt - do chính mỗi người xây dựng và điều chỉnh theo thời điểm sống của mình.
Những năm qua, dòng sách kỹ năng sống, phong cách sống và phát triển bản thân thu hút sự quan tâm của độc giả trẻ - những người đang tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa hiệu suất công việc, sức khỏe tinh thần và đời sống cá nhân.
Chia sẻ trải nghiệm cá nhân về lối sống kỷ luật tập trung, ông Bùi Đức Thặng - CEO Linh Lan Books, đơn vị phát hành sách - cho biết: “Khi đã xác định rõ mình muốn làm gì, bạn sẽ tập trung tốt hơn. Nhưng muốn duy trì được sự tập trung ấy, bạn phải có kỷ luật. Với tôi, kỷ luật là thứ đến một cách tự nhiên như hơi thở, khi đã lên kế hoạch để đạt được mục tiêu, tôi có thể dễ dàng áp dụng kỷ luật trong công việc”.
Theo đó, kỷ luật không thể cứng nhắc, mà cần linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh sống. “Kỷ luật sống khi lương 5 triệu khác với khi bạn kiếm 25 triệu. Nếu không điều chỉnh, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái cực đoan. Vì vậy, cần quan sát và “cá nhân hóa” hệ thống kỷ luật của riêng mình", đại diện đơn vị phát hành sách chia sẻ.
Đơn nhiệm - Tư duy làm việc mới cho hiệu suất cao
Kỷ luật tập trung khuyến khích độc giả thực hành “đơn nhiệm” - tức là chỉ làm một việc trong một khoảng thời gian nhất định, thay vì cố gắng “đa nhiệm”. Nhiều nghiên cứu thần kinh chỉ ra rằng con người không thể xử lý hai tác vụ trí óc phức tạp cùng lúc - mà chỉ chuyển đổi liên tục giữa chúng, gây ra sự mệt mỏi và giảm hiệu quả.
Việc đơn nhiệm giúp não bộ tập trung toàn diện, giảm lo âu và tạo cảm giác “vào guồng” khi làm việc. Người đọc được hướng dẫn cách lên kế hoạch theo thời gian biểu cá nhân, phân chia đầu việc rõ ràng, tạo đà hoàn thành công việc và duy trì được động lực lâu dài.

Tác giả Đức Nhân Writer. Ảnh: FBNV.
Nghỉ ngơi đúng cách - Chìa khóa cho sự bền vững
Cuốn sách nhấn mạnh rằng khả năng tập trung của con người là có giới hạn và mỗi người có một “chu kỳ vàng” khác nhau. Có người có thể tập trung 60 phút, có người chỉ 25 phút là đã bị sao lãng. Do đó, nghỉ ngơi có chủ đích là yếu tố bắt buộc trong mọi quy trình làm việc hiệu quả.
Một gợi ý từ tác giả là hãy thử mô hình 60 - 10 (làm việc 60 phút - nghỉ 10 phút), và trong khoảng nghỉ, đừng lướt mạng xã hội. Thay vào đó, hãy uống nước, vươn vai, trò chuyện với đồng nghiệp hoặc đi dạo ngắn. Việc duy trì chu kỳ “tập trung - nghỉ ngơi” đều đặn sẽ giúp cải thiện hiệu suất công việc và duy trì năng lượng tinh thần ổn định trong suốt ngày dài.
Quán cà phê - môi trường “tập trung nâng cao”
Một bài tập thú vị được tác giả gợi ý là làm việc tại quán cà phê - nơi có nhiều yếu tố gây sao lãng như tiếng máy pha cà phê, tiếng nói chuyện, âm nhạc... Khi não bộ quen với sự ồn ào này, nó sẽ tự động chuyển âm thanh thành “tiếng ồn trắng”, giúp người làm việc… tập trung hơn. Đây là kỹ thuật luyện sự tập trung rất hiệu quả cho những người làm việc sáng tạo hoặc thường xuyên bị chi phối bởi ngoại cảnh.
Hiệu suất đến từ hành động nhỏ và đều đặn
Tập trung không phải là kỹ năng dễ dàng có được ngay lập tức, mà cần sự rèn luyện hằng ngày. Cuốn sách đề xuất một tư duy đơn giản mà hiệu quả: “Muốn viết? Hãy viết 50 từ. Muốn đọc sách? Đọc 5 trang mỗi ngày”.
Những hành động nhỏ sẽ giúp bạn vượt qua rào cản tâm lý, từ đó tạo động lực cho những mục tiêu lớn hơn. Anh Thặng bày tỏ sự đồng tình:“Làm càng nhiều, càng sâu, càng kỹ thì càng dễ bắt tay vào những việc mới. Cảm giác trôi chảy là kết quả của sự kiên trì và bồi đắp đều đặn”.
Tìm thấy niềm vui trong sự nhàm chán
Không ai tránh khỏi cảm giác chán nản khi công việc lặp đi lặp lại. Nhưng thay vì để bản thân trượt dốc theo sự trì trệ đó, tác giả Đức Nhân Writer khuyến khích người trẻ chủ động quan sát và làm mới trải nghiệm làm việc.
“Khi chán, tôi biết mình đang chán. Nhưng tôi đặt cảm xúc đó sang một bên, rồi tiếp tục làm việc bằng lý trí. Nếu không chịu được nữa, tôi sẽ tìm việc khác còn chán hơn để làm, hoặc làm điều gì đó đủ mạnh để làm mới tâm trí - như ăn thật chua, chơi trò mạo hiểm - rồi quay về tiếp tục với công việc đang làm”.
Tương tự câu chuyện trên, những gợi ý và hướng dẫn trong cuốn Kỷ luật tập trung sẽ giúp bạn đối phó với cảm xúc chán nản và bức bối trong công việc.
Kỷ luật tập trung là một cuốn sách ngắn gọn, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết khoa học, trải nghiệm thực tế và hướng dẫn ứng dụng dễ dàng. Không chỉ giúp người đọc làm việc hiệu quả hơn, sống có mục tiêu hơn, mà còn mở ra tư duy linh hoạt và nhân văn về chính mình.
Đây cũng là lời khẳng định mạnh mẽ rằng sách kỹ năng không phải những bài học khô khan, mà có thể là người bạn đồng hành, đầy cảm hứng và đáng tin cậy trong hành trình trưởng thành của người trẻ hiện đại.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-quyet-song-hieu-qua-giua-thoi-dai-sao-nhang-post1547661.html